Cục Chống tham nhũng hôm 13/2 cho biết đường dây nóng của đơn vị này đã nhận được nhiều cuộc gọi phản ánh về các hành vi nhận, biếu quà Tết trái quy định.
“Có khoảng 40 cuộc gọi đến chúng tôi, phần lớn ở các địa phương, chưa có tin báo về tặng quà Tết trái quy định ở cơ quan Trung ương”, VnExpress dẫn lời Cục trưởng Cục Chống tham nhũng Phạm Trọng Đạt cho biết cho biết.
Theo người đứng đầu cơ quan chống tham nhũng của Việt Nam, nội dung các tin báo vào đường dây nóng còn về tình trạng ăn chặn, chậm trả tiền Tết cho người lao động, gia đình chính sách.
Vẫn theo lời ông Đạt, các tin báo này sẽ được “ghi nhận và thông báo ngay cho đơn vị chức năng ở địa phương có biện pháp ngăn chặn”, đồng thời thống kê danh sách để báo cáo Thủ tướng.
Ba đường dây nóng (08.048228, 0902.386.999, 0125.698.6688 và Email: Cucchongthamnhung@gmail.com) được Cục Chống tham nhũng mở ra vào ngày 28/12 để tiếp nhận các tin báo của người dân tố cáo tham nhũng, tiêu cực và tặng quà Tết trái quy định. Tuy nhiên khi gọi vào các số điện thoại trên, VOA chỉ nhận được thông báo “Thuê bao quý khách vừa gọi hiện đang bận hoặc không nhấc máy”, hoặc được nghe nhạc, sau đó thông báo cuộc gọi bất thành.
Dịp Tết Nguyên Đán vẫn được xem là một “cơ hội vàng” để mua quan bán chức tại Việt Nam. Trong các vụ đại án nổi tiếng gần đây, các bị cáo chính như Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh cũng bị cáo buộc về việc biếu nhận những món quà Tết trị giá hàng tỷ đồng.
Dịp Tết Nguyên Đán 2017, đường dây nóng của Cục Chống tham nhũng cũng nhận được 56 nguồn tin tố giác tham nhũng, biếu nhận quà Tết, nhưng sau đó cơ quan này thông báo không có trường hợp biếu nhận quà trái quy định. Một số trường hợp các viên chức dự định tặng quà cho cấp trên đã bị ngăn chặn kịp thời.
Năm ngoái, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký quyết định nghiêm cấm các cơ quan, công chức, viên chức nhận quà tặng, nhận thay người khác hoặc thông qua cơ quan.
Tuy nhiên, việc không cho phép quan chức nhận quà cũng nhận được ý kiến trái chiều, cho rằng điều này chỉ khiến cho tham nhũng, tiêu cực được che đậy kín đáo hơn.
“Cứ để họ công khai tặng quà nhau, công khai để ai cũng thấy họ tặng nhau cái gì, công khai để thấy những hộp quà to, nhỏ thế nào”, PGS-TS. Nguyễn Hữu Khiển, nguyên Phó Giám đốc Học viện Hành chính, Học viện Chính trị-Hành Chính quốc gia HCM nói với Dân Việt.
Chuyên gia này cảnh báo nếu cứ “đao to búa lớn với mấy gói quà, không khéo ‘chuột lớn’ không bắt, lại vợt mấy con ‘chuột nhỏ’”, trích Dân Việt.
“Diệt chuột đừng để vỡ bình” là câu nói nổi tiếng của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khi ông bắt đầu nói về chiến dịch chống tham nhũng tại Việt Nam vào năm 2014. Nhiều quan chức lớn của Việt Nam đã bị “diệt” trong chiến dịch vẫn đang kéo dài này. Tuy nhiên, giới phê bình quốc tế cho rằng mục tiêu chính của chiến dịch là tiêu diệt phe cánh của cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Theo phúc trình của tổ chức Minh bạch Quốc tế năm 2017, Việt Nam đứng thứ hai trong số các quốc gia tham nhũng nhất châu Á, chỉ sau Ấn Độ. Những người Việt được phỏng vấn nói tham nhũng hiện là “đại dịch” của quốc gia Đông Nam Á này.