Vụ khởi tố và bắt giam người từng được đánh giá là “ngôi sao đang lên” trên chính trường Việt Nam vẫn tiếp tục gây ra nhiều tranh luận.
Reuters, hãng tin Anh hiện có văn phòng ở Việt Nam, hôm 9/12 đưa tin, những người chỉ trích chính phủ Việt Nam “bày tỏ nghi ngờ rằng cuộc chiến chống tham nhũng có động cơ chính trị” và “nhắm vào những người thân cận với cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng”, người hãng này cho rằng đã “thất bại trong cuộc tranh giành quyền lực năm 2016” với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Sau khi bị tước tư cách đại biểu quốc hội, mất đi quyền miễn trừ, ông Đinh La Thăng bị khởi tố và bắt giam hôm 8/12 về “hành vi cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” thời còn làm tại Tập đoàn Dầu khí Quốc gia.
Theo quan sát, vụ bắt giữ ông Thăng là một trong các chủ đề được chia sẻ và bàn luận nhiều nhất trên mạng xã hội ở Việt Nam ba ngày qua.
Reuters cho rằng cuộc chiến chống tham nhũng ở Việt Nam đã nổi lên trên truyền thông khắp thế giới hồi tháng Tám sau khi Đức cáo buộc Hà Nội “bắt cóc” ông Trịnh Xuân Thanh ở Berlin.
Cũng cùng quan điểm, AFP dẫn nhận định của các nhà phân tích cho rằng “các chiến dịch nhắm vào các chính trị gia và các doanh nhân lớn thường là do đấu đá nội bộ, chứ không phải vì cam kết thực sự để chống tham nhũng hoặc cải cách”.
Hãng tin của Pháp hiện cũng có văn phòng đại diện ở Hà Nội đưa tin rằng Việt Nam hiện đứng thứ 113 trong danh sách 176 nước nơi nạn tham nhũng lan tràn của Tổ chức Minh bạc Quốc tế.
Hôm 5/10, Asia Times đăng bài viết của nhà báo David Hutt từ Phnom Penh, Campuchia, nhận định rằng “xoa dịu sự phẫn nộ của người dân, tăng cường sự kiểm soát trong Đảng, đấu tranh phe phái, cải thiện hình ảnh của lĩnh vực nhà nước và củng cố niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài có thể là một số nguyên nhân khiến cho Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tiến hành chiến dịch chống tham nhũng quyết liệt”.
Ông Đinh La Thăng ‘chưa phải là mục tiêu cuối cùng’?
Ông Đinh La Thăng sẽ là ‘Nguyễn Bá Thanh của Sài Gòn’?