Người ta có thể chuyển một ngôi nhà, một gia đình hay 50, 100 hộ gia đình đi nơi khác, nhưng còn dòng sông Hậu, nó có thể chuyển đi đâu? Dòng sông đâu thể nói với ai về nỗi buồn của nó. Và ai sẽ là người đứng ra để cứu một dòng sông? Đó là câu chuyện của nhà máy giấy do Trung Quốc đầu tư ở thị trấn Mái Dầm, tỉnh Hậu Giang.
Nhà máy giấy Lee & Man Việt Nam được xây dựng nằm ven sông Hậu, có tổng mức đầu tư 1,2 tỷ USD. Đây được xem là nhà máy có quy mô lớn nhất Việt Nam và nằm trong số 5 nhà máy giấy lớn nhất thế giới.
Nhiều cư dân thị trấn Mái Dầm than rằng kể từ khi nhà máy này bắt đầu chạy thử, mùi hôi thối chịu không nổi, như lời bà Bùi Thị Mai:
“Nó thối giác khuya, với giác này nó thối nãy giờ. Một ngày mấy cữ đó. Nhưng mà ở đây thì ngày hai, ba cử còn đỡ, chứ ở ngoài chợ thì nó thối suốt luôn đó. Hôm tết có mời ra xã họp. Nhờ mấy ông ngoài xã mời ra, làm mỗi một người một giỏ quà rồi hứa là sẽ mua cái máy gì đó để ém lại không cho khói ra. Nhưng mà cũng vẫn còn như thường. Rồi nó nói là nước thải nó không có thải ra sông…, nhưng mà lúc mình không để ý thì nó mới thải ra. Như nó thải giác tối đó”.
Ngờ vực của bà Mai là có căn cứ. Ngay tại Trung Quốc, quê hương của mình, nhà máy giấy Lee & Man từng bị Bộ Bảo vệ Môi trường Trung Quốc yêu cầu phải ngưng sản xuất vì xả thải bất hợp pháp ra sông Trường Giang.
Một điều nữa đáng lo là, như lời bà Mai, Lee & Man có công nhân là người Trung Quốc:
“Mấy người bị quy hoạch, không người nào được làm đó. Dân ở xa không. Trung Quốc với người Bắc nhiều lắm”.
Kể từ khi nhà máy này hoạt động, các em học sinh nơi đây cũng khốn khổ vì ngồi học trong tình cảnh hôi thối.
Cô bé tên Nhi kể từ hồi có Lee & Man, nước sông cũng không thể dùng cho tắm rửa:
“Nước nó dơ. Nước dưới sông thì chỉ để tắm, nhưng mà nó ngứa lắm. Còn nước nấu ăn thì mua mấy thùng nước uống về nấu”.
Từ hồi có nhà máy giấy, nhiều nhà vườn cũng xơ xác, các chủ bè cá cũng phải giải nghệ vì nguồn nước ô nhiễm.
Các nhà máy sản xuất giấy, hóa chất, thép… luôn bị đưa vào diện báo động vì xả thải độc hại ra môi trường.
Công nghiệp giấy được xếp vào loại gây ô nhiễm hơn cả công nghiệp khai khoáng, bởi phải khai thác các nguồn xen-lu-lô tự nhiên, sử dụng nhiều chất tẩy trong quá trình sản xuất và đặc biệt việc tái chế giấy như Lee & Man càng thải ra nhiều chất độc hại và nguy hiểm. ‘Đừng để Lee & Man bức tử sông Hậu’ là lời kêu gọi thống thiết của người miền Tây lúc này.