Đường dẫn truy cập

Đức sắp đồng ý gửi xe tăng chiến đấu hạng nặng tới Ukraine


Xe tăng Leopard 2 của Đức.
Xe tăng Leopard 2 của Đức.

Đức sẽ gửi các xe tăng Leopard 2 tới Ukraine để giúp chống Nga xâm lược và cho phép các nước khác như Ba Lan làm tương tự, trong khi Hoa Kỳ có thể cung cấp xe tăng Abrams cho Ukraine, hai nguồn thạo tin nói với Reuters hôm 24/1.

Mặc dù chưa có xác nhận chính thức từ Berlin hoặc Washington, nhưng các quan chức ở Kyiv đã nhanh chóng ca ngợi những gì họ nói là một nhân tố khả dĩ thay đổi cục diện trên chiến trường trong cuộc chiến tranh đã kéo dài 11 tháng.

“Vài trăm xe tăng cho các đội xe tăng của chúng tôi - những đội xe tăng giỏi nhất thế giới. Đây là thứ sẽ trở thành một cú đấm thực sự của nền dân chủ chống lại chế độ chuyên chế từ vũng lầy”, ông Andriy Yermak, Chánh văn phòng của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy, viết trên Telegram.

Kyiv trong nhiều tháng qua xin xe tăng phương Tây vì họ nói rằng họ rất cần cung cấp cho lực lượng của mình hỏa lực và khả năng cơ động để chọc thủng các tuyến phòng thủ của Nga và chiếm lại lãnh thổ bị chiếm ở phía đông và phía nam.

Phát ngôn viên của chính phủ Đức, Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng ở Berlin từ chối bình luận.

Tiền tuyến trong cuộc chiến, trải dài hơn 1.000 km qua miền đông và miền nam Ukraine, phần lớn dậm chân tại chỗ trong hai tháng bất chấp tổn thất nặng nề của cả hai bên. Nga và Ukraine đều được cho là đang lên kế hoạch cho các cuộc tấn công mới.

Liệu có nên cung cấp cho Ukraine số lượng đáng kể xe tăng chiến đấu hạng nặng hiện đại hay không đã chi phối các cuộc thảo luận giữa các đồng minh phương Tây của Kyiv trong những ngày gần đây.

Berlin đóng vai trò then chốt, bởi vì xe Leopard do Đức sản xuất mà các quân đội trên khắp châu Âu được trang bị, được nhiều người coi là lựa chọn tốt nhất - sẵn có với số lượng lớn, dễ triển khai và dễ bảo trì.

Đảng Dân chủ Xã hội của Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã cảnh giác với các động thái có thể thúc đẩy Nga leo thang chiến tranh và những gì họ coi là nguy cơ liên minh NATO bị lôi kéo vào cuộc xung đột.

Tổng thống Nga Vladimir Putin coi “chiến dịch quân sự đặc biệt” bắt đầu khi quân đội của ông xâm lược Ukraine vào ngày 24 tháng 2 năm ngoái như một trận chiến phòng thủ và sinh tồn chống lại một phương Tây hiếu chiến và kiêu ngạo.

Ukraine và phương Tây gọi hành động của Nga là chiếm đất vô cớ để khuất phục một nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ mà Moscow coi là một nhà nước nhân tạo.

Trước đó cùng ngày 24/1, Ba Lan đã tăng áp lực buộc ông Scholz phải đưa ra quyết định, nói rằng họ đã chính thức gửi yêu cầu tới chính phủ Đức đề nghị cho phép họ gửi một số xe Leopard sang Ukraine. Theo quy định về mua sắm quốc phòng, Đức phải chấp thuận cho các đồng minh tái xuất xe tăng chuyên dụng của NATO.

Và hai quan chức Hoa Kỳ nói với Reuters rằng Washington có thể ngừng phản đối việc gửi một số xe tăng M1 Abrams của mình sang Ukraine.

Mặc dù xe tăng Abrams được coi là kém phù hợp hơn với Ukraine so với Leopard do mức tiêu thụ nhiên liệu lớn và khó bảo trì, nhưng một động thái như vậy dường như được thiết kế để giúp Đức - quốc gia đã kêu gọi một mặt trận thống nhất giữa các đồng minh của Ukraine - cho phép cung cấp chiếc Leopard dễ dàng hơn.

Ngũ Giác Đài từ chối bình luận về bất kỳ thông báo sắp tới nào về xe Abrams. Ngũ Giác Đài cũng từ chối bình luận về việc liệu Đức có bật đèn xanh cho việc giao xe tăng Leopard hay không.

Trong một diễn biến khác, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết tại Nga đang thiếu một số loại thuốc và giá đã bị đội lên.

Điện Kremlin nói họ muốn những người lao động lành nghề hiện đang làm việc ở nước ngoài quay trở lại Nga và làm việc để mang lại lợi ích cho đất nước, sau khi hàng trăm nghìn người đã trốn sang các nước khác trong năm qua.

Thủ tướng Ukraine cho biết nước ông có đủ trữ lượng than và khí đốt cho những tháng còn lại của mùa đông bất chấp các cuộc tấn công của Nga nhắm vào hệ thống năng lượng của Ukraine.

Diễn đàn

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG