Bắt đầu chuyến thăm 5 ngày tới Nam Triều Tiên, Đức Giáo hoàng Phanxicô tuyên bố đối thoại chứ không phải là phô diễn lực lượng vô bổ sẽ giúp mang lại hòa bình cho bán đảo Triều Tiên.
Phát biểu của Đức Giáo hoàng được đưa ra sau khi Bắc Triều Tiên bắn 5 phi đạn xuống biển vào khoảng cùng thời điểm phi cơ của Ngài đáp xuống Seoul sáng sớm hôm nay.
Các giới chức quốc phòng Seoul cho hay các phi đạn được phóng đi từ thành phố cảng Wonsan đã vượt 220 cây số trước khi rơ xuống vùng biển ngoài khơi phía Đông.
Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Nam Triều Tiên, Noh Kwang-il, lên án hành động của miền Bắc. Đây là vụ phóng mới nhất trong loạt các cuộc thử nghiệm tương tự của Bình Nhưỡng.
“Thông điệp chuyến thăm của Đức Giáo hoàng là hòa bình và hòa giải. Ngài tới đây để truyền các thông điệp ban phúc lành cho người dân cả hai miền Nam Bắc Triều Tiên. Thế nhưng, Bắc Triều TIên đã bắn phi đạn, thêm 2 phi đạn nữa, ngay trong ngày Đức Giáo hoàng tới đây quả là một hành động không tốt. Các phi đạn tầm ngắn hay các phi đạn đạn đạo vi phạm quy định của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc. Chúng tôi cho rằng hành động khiêu khích liều lĩnh này phải được chấm dứt ngay lập tức.”
Trong chuyến thăm Nam Triều Tiên, Đức Giáo hoàng sẽ tham dự lễ hội giới trẻ Công giáo và một buổi cầu nguyện tập thể vì hòa bình và hòa giải cho bán đảo Triều Tiên bị chia cắt căng thẳng.
Bắc Triều Tiên từ chối không gửi phái đoàn sang tham dự buổi lễ cầu nguyện do Đức Giáo hoàng chủ xướng, viện dẫn sự bất bình về các cuộc tập trận sắp tới giữa Hoa Kỳ với Nam Triều Tiên.
Như tất cả các tôn giáo khác ở Bắc Triều Tiên, Thiên Chúa giáo chỉ được phép tồn tại dưới những sự nghiêm cấm chặt chẽ nhất. Vì vậy, không rõ có bao nhiêu tín đồ Thiên Chúa giáo ở Bắc Triều Tiên.
Chuyến thăm Nam Triều Tiên của Đức Giáo hoàng cũng cho thấy rõ căng thẳng đang dâng cao giữa Tòa thánh Vatican với Trung Quốc, đôi bên không có quan hệ ngoại giao.
Khi phi cơ bay ngang không phận Trung Quốc, Đức Giáo hoàng đã gửi một thông điệp cho Chủ tịch Tập Cận Bình, cầu xin Ơn Trên ban phước lành, hòa bình và thịnh vượng cho đất nước Trung Quốc.
Bất chấp sự phản đối của Vatican, Bắc Kinh một mực giữ quyền kiểm soát chặt chẽ của nhà nước đối với các giáo hội Công giáo, các giáo hội này không đáp ứng những lời yêu cầu từ Rome. Có nhiều giáo hội hoạt động chui ở Trung Quốc, Vatican và Bắc Kinh bất đồng về việc bên nào có quyền sắc phong linh mục.
Khoảng 100 người Trung Quốc dự định tham dự Lễ hội Giới trẻ Công giáo Châu Á do Đức Giáo hoàng chủ trì. Tuy nhiên, hôm nay, phát ngôn nhân phụ trách chuyến thăm Nam Triều Tiên của Đức Giáo hoàng, ông Heo Young-yeop, cho biết phân nửa số này không thể tham dự.
“Một số thanh niên Trung Quốc định tham dự nhưng không tới được vì tình hình phức tạp bên trong Trung Quốc. Chúng tôi rất lấy làm tiếc.”
Các giới chức Trung Quốc chưa bình luận về lý do vì sao nhóm thanh niên này không thể tham dự lễ hội.
Dù đóng vai trò quan trọng đối với khu vực, nhưng phần lớn chuyến thăm của Đức Giáo hoàng dự kiến tập trung vào Nam Triều Tiên, đất nước có khoảng 5 triệu tín đồ Thiên Chúa giáo và là một trong những giáo đoàn phát triển nhanh nhất của giáo hội trên thế giới.
Đây là chuyến thăm đầu tiên kể từ khi Đức Giáo Hoàng John Paul II tới Nam Triều Tiên hồi 1989. Các giới chức Vatican cho hay Đức Giáo hoàng Francis mang theo thông điệp về ‘tương lai Châu Á’ và sẽ nói chuyện với tất cả các nước Châu Á trong chuyến đi này.