Đường dẫn truy cập

Đức Giáo Hoàng cử hành Thánh lễ cho giới trẻ Nam Triều Tiên


Tín đồ chào đón Đức Giáo Hoàng tại sân vận động Daejeon khi ngài đến để cử hành thánh lễ, 15/8/14
Tín đồ chào đón Đức Giáo Hoàng tại sân vận động Daejeon khi ngài đến để cử hành thánh lễ, 15/8/14

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã cử hành thánh lễ cho hàng chục ngàn người trẻ Nam Triều Tiên, hối thúc họ từ bỏ chủ nghĩa vật chất ảnh hưởng đến nhiều nước châu Á và bác bỏ điều Ngài gọi là những hệ thống kinh tế “vô nhân đạo” tước quyền những người nghèo.

Ngày hôm nay Đức Giáo Hoàng nói chuyện tại một sân vận động ở thành phố Daejeon chứa được 50.000 người. Đây là lần xuất hiện trước công chúng đầu tiên của Đức Giáo Hoàng kể từ khi Ngài đến Seoul hôm thứ Năm.

Trước thánh lễ, Đức Giáo Hoàng Phanxicô gặp gia đình các nạn nhân và một số người sống sót trong tai họa chìm phà Sewol vào tháng 4 năm nay.

Khi đến Seoul vào ngày hôm qua, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã gặp tổng thống Nam Triều Tiên Park Geun-hye và hai nhà lãnh đạo đã đọc một diễn văn.

Khi phát biểu bằng tiếng Anh—một việc hiếm hoi đối với Đức Giáo Hoàng nói tiếng Tây Ban Nha—Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói ngoại giao nên dựa trên đối thoại thay vì cáo buộc và đe doạ.

Ngài nói thêm là “việc tìm kiếm hòa bình” của Triều Tiên ảnh hưởng đến sự ổn định của toàn vùng.

Tổng thống Park nói hai miền Bắc và Nam Triều Tiên nên loại bỏ sự sợ hãi và vũ khí hạt nhân và tập trung vào mục tiêu thống nhất.

Bà cám ơn Đức Giáo Hoàng về những lời cầu nguyện của Ngài và về việc cử hành một thánh lễ “cho hòa bình và hòa giải” trong chuyến viếng thăm của Ngài.

Giữa lúc máy bay của Đức Giáo Hoàng Phanxicô đáp xuống Seoul, Bắc Triều Tiên bắn phi đạn đầu tiên trong số 5 phi đạn vào Biển Nhật Bản.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Noh Kwang-il lên án vụ phóng này, là vụ phóng mới nhất trong một loạt những vụ thử nghiệm phi đạn tương tự của Bắc Triều Tiên.

Bắc Triều Tiên từ chối cử một phái đoàn đến tham dự thánh lễ của Đức Giáo Hoàng. Bình Nhưỡng nói rằng họ bất bình vì những cuộc tập trận sắp tới của Hoa Kỳ-Nam Triều Tiên.

Như tất cả các tôn giáo khác tại Bắc Triều Tiên, Công Giáo chỉ được phép tồn tại dưới những hạn chế chặt chẽ. Hậu quả là hiện không rõ có bao nhiêu người Bắc Triều Tiên theo Công Giáo.

Chuyến đi thăm Nam Triều Tiên cũng làm nổi bật căng thẳng giữa Vatican và Trung Quốc vốn không có quan hệ ngoại giao với nhau.

Khi máy bay bay ngang không phận Trung Quốc, Đức Giáo Hoàng đã gởi một thông điệp cho chủ tịch Tập Cận Bình “ban phước thiêng liêng cho hòa bình và thịnh vượng cho Trung Quốc.”

Dù có sự phản đối của Vatican, Bắc Kinh vẫn duy trì một giáo hội Công Giáo do nhà nước kiểm soát không phụ thuộc Rome. Tại Trung Quốc có những giáo hộ chui rộng lớn và hai bên bất đồng về việc ai có quyền tấn phong linh mục.

Có khoảng 100 người Trung Quốc dự trù tham dự Ngày Thanh niên châu Á nhưng vào ngày hôm qua, phát ngôn viên Heo Young-Yeop của chuyến viếng thăm của Đức Giáo Hoàng tại Triều Tiên nói một nửa số người này không thể tham dự được.

Các giới chức Trung Quốc không bình luận về lý do tại sao những người trẻ này không thể tham dự.

Dù đây là một chuyến đi trong vùng, nhưng phần lớn chuyến viếng thăm của Đức Giáo Hoàng chú trọng vào Nam Triều Tiên, là nước có khoảng 5 triệu tín đồ Công Giáo, và là một trong những giáo hội tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới.

Chuyến đi của Đức Giáo Hoàng Phanxicô là chuyến đi đầu tiên của một Đức Giáo Hoàng kể từ khi Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II thăm Nam Triều Tiên vào năm 1989.

Các giới chức Vatican nói Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ đưa ra một thông điệp về “tương lai của châu Á” và nói với tất cả các nước trên lục địa này trong chuyến viếng thăm của Ngài.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG