Đường dẫn truy cập

Đức Giáo Hoàng công nhận Quốc gia Palestine


Đức Giáo Hoàng và Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas sau buổi lễ phong thánh cho 4 nữ chân phước tại Quảng trường Thánh Phêrô ở Vatican, ngày 17/5/2015.
Đức Giáo Hoàng và Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas sau buổi lễ phong thánh cho 4 nữ chân phước tại Quảng trường Thánh Phêrô ở Vatican, ngày 17/5/2015.

Bạo động giữa người Israel và người Palestine mới đây đã bùng ra ở Jerusalem, sau một cuộc tuần hành của những người Do Thái theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan. Trong khi đó, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas đã dự một cuộc họp riêng với Đức Giáo Hoàng Phanxicô, không lâu sau khi Toà Thánh Vatican chính thức công nhận Quốc gia Palestine. Thông tín viên Henry Ridgwell của đài VOA tường thuật từ London.

Hàng ngàn người đã rủ nhau tới dự thánh lễ tại Quảng trường Thánh Phê Rô hôm chủ nhật để chứng kiến Đức Giáo Hoàng Phanxicô phong thánh cho 4 nữ tu, trong đó có 2 người là người ở vùng đất của Palestine thời thế kỷ 19. Toà Thánh Vatican cho biết họ hy vọng diễn tiến này sẽ mang lại sự khích lệ cho những tín đồ Cơ đốc giáo đang đối mặt với một làn sóng bách hại ở vùng Trung Đông.

Trong số những người xem lễ có Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas, là người hôm thứ bảy đã được mời đến dự một cuộc họp riêng với người đứng đầu Giáo hội Công giáo La Mã.

Ông Sharif Nashashibi, một nhà phân tích phân tích tình hình Trung Đông ở London, cho biết sự công nhận trên thực tế của Đức Giáo Hoàng đối với một quốc gia của người Palestine dựa trên sự hậu thuẫn mà Toà Thánh đã dành cho Palestine tại Liên Hiệp Quốc trong nhiều năm qua.

"Đức Giáo Hoàng đã có những nỗ lực rất lớn nhằm xây dựng những nhịp cầu và tích cực giao tiếp trên khắp Trung Đông để ủng hộ cho các cộng đồng Cơ đốc giáo trong khu vực, và dĩ nhiên, trong xã hội Palestine có một cộng đồng Cơ đốc giáo rất năng động. Đức Giáo Hoàng là người rất được yêu mến và kính nể, chẳng những trong giới tín đồ Cơ đốc giáo ở Trung Đông, mà còn trong dân chúng ở khu vực này nói chung."

Israel đã đưa ra một thông cáo để bày tỏ sự thất vọng đối với việc Toà Thánh Vatican công nhận Quốc gia Palestine. Tuy nhiên, quyết định của Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã được đón nhận một cách nồng nhiệt bởi những người Palestine, như ông Yousef Salman, là người đã tới Vatican để dự lễ phong thánh.

"Israel có quyền tồn tại. Palestine cũng có quyền tồn tại. Đây là một nước nằm cạnh nước Israel. Hai nước nên sống với nhau trong hoà bình và an ninh."

Trong lúc những lời cầu nguyện hoà bình được xướng lên ở Vatican hôm chủ nhật, những vụ bạo động lại bùng ra giữa người Israel và người Palestine ở Jerusalem.

Những người Do Thái theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan đã kỷ niệm việc Israel chiếm Đông Jerusalem năm 1967 với một cuộc tuần hành xuyên qua thành phố cổ mà cư dân hầu hết người theo đạo Hồi.

Bạo động xảy ra tiếp theo sau những buổi lễ hồi tuần trước tại các phần đất của người Palestine để đánh dấu ngày họ gọi là “Ngày Đại Hoạ”, kỷ niệm ngày quốc gia Israel được thành lập năm 1948, khi 700.000 người Ả Rập bỏ chạy hoặc bị buộc phải rời bỏ nhà cửa.

Trong bài diễn văn truyền hình đánh dấu sự kiện này, Tổng thống Abbas kêu gọi dân chúng Palestine tiếp tục hy vọng.

"Chúng ta cùng nhau lập lại lời hứa là chúng ta sẽ không từ bỏ lập trường quốc gia của mình và chúng ta sẽ không thương lượng về lập trường này."

Thứ Sáu tuần trước, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã triệu tập phiên họp nội các đầu tiên của tân chính phủ. Trong cuộc vận động bầu cử trước đó, ông đã cam kết không chấp nhận việc thành lập một quốc gia Palestine, nhưng sau đó ông đã tìm cách làm dịu đi những tuyên bố đó. Ông cho rằng tiến trình hoà bình đã bị đổ vỡ vì những vụ tấn công của những phần tử hiếu chiến Palestine nhắm vào thường dân và tuyên bố chính phủ mới của Israel sẽ không thay đổi đường lối.

Israel có quyết tâm bảo vệ biên giới và bảo vệ an ninh trước mọi mối đe dọa dù xa hay gần. Tất cả những kẻ thù của chúng ta nên biết là chúng ta có những lằn ranh đỏ. Đó là chính sách của chúng ta trước đây và sẽ tiếp tục với chính phủ mới này.

Ngoài Toà Thánh Vatican còn có 135 nước công nhận Quốc gia Palestine. Các nhà phân tích cho biết vị thế của Đức Giáo Hoàng như người lãnh đạo của hơn 1 tỉ tín đồ Công giáo trên thế giới khiến cho sự công nhận này trở thành một diễn tiến có nhiều ý nghĩa quan trọng.

Lễ phong thánh cho 4 nữ chân phước tại Vatican:

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG