Đường dẫn truy cập

Dư luận hoài nghi về tác dụng của công điện phòng chống tham nhũng


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gửi công điện đề nghị đẩy mạnh chống tiêu cực, tham nhũng, 17/6/2019
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gửi công điện đề nghị đẩy mạnh chống tiêu cực, tham nhũng, 17/6/2019

Thủ tướng Việt Nam hôm 17/6 gửi công điện tới các bộ, ngành và chính quyền các tỉnh, thành đề nghị tăng cường “phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động công vụ”. Trên mạng xã hội, nhiều người bày tỏ hoài nghi về tác dụng của bức công điện.

Nội dung công điện được công bố trên trang web của Văn phòng Chính phủ khẳng định rằng hiện nay vẫn còn tình trạng cán bộ, công chức, viên chức “lợi dụng chức vụ, quyền hạn, sơ hở của chính sách, pháp luật… sách nhiễu, gây phiền hà, thậm chí tiêu cực, tham nhũng khi thực hiện hoạt động công vụ”.

Những việc làm như vậy “gây bức xúc, làm xói mòn lòng tin của người dân, cản trở sự phát triển kinh tế-xã hội”, công điện nhấn mạnh.

Văn bản chứa đựng yêu cầu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc được gửi ra sau khi gần đây xảy ra nhiều vụ việc tiêu cực, tham nhũng “trong một số lĩnh vực như hải quan, thuế, quản lý thị trường…, và ngay cả trong chính lực lượng chức năng của thanh tra một số địa phương, bộ, ngành”, một đoạn trong công điện cho hay.

Tôi không tin là một cái công điện này lại thay đổi được tình hình. Các nghị quyết của đảng, chỉ thị của chính phủ, các kế hoạch về phòng chống tham nhũng có rất lâu rồi, có rất nhiều rồi và cán bộ đảng viên học tập chán rồi. Nhưng mà vấn đề là người ta không làm, người ta không theo.
Nhà báo Nguyễn Như Phong

Vụ việc gần đây nhất xảy ra ở tỉnh Vĩnh Phúc hôm 12/6, trong đó công an bắt quả tang và tạm giữ một nữ trưởng đoàn thanh tra của Bộ Xây dựng cùng hai thanh tra viên khác vì nhận hối lộ hàng trăm triệu đồng.

Trong bối cảnh như vậy, biện pháp hàng đầu được thủ tướng Việt Nam đưa ra trong công điện là “thực hiện nghiêm túc” các nghị quyết, chỉ thị của đảng, chính phủ về phòng chống tham nhũng, và Luật Phòng chống Tham nhũng.

Một phần trong biện pháp này, theo công điện của thủ tướng, những người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương phải “đi đầu” trong việc thực hiện các quy định về chống tham nhũng. Nếu để xảy ra tiêu cực, tham nhũng tại đơn vị, cơ quan của họ, những vị lãnh đạo đó “phải chịu trách nhiệm trước đảng, nhà nước”, công điện nêu rõ.

Biện pháp có tầm quan trọng thứ nhì được thủ tướng đề nghị là “cần ban hành quy chế làm việc rõ ràng, minh bạch, cụ thể” và có cơ chế “kiểm soát hiệu quả” đối với cán bộ, công chức khi thực thi các nhiệm vụ kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, thi hành án, hải quan, thuế, quản lý thị trường…

Ý kiến của người sử dụng mạng xã hội cho rằng hai biện pháp hàng đầu kể trên vừa không có gì mới mẻ, lại vừa không cụ thể, thiết thực.

Nhà báo kỳ cựu Nguyễn Như Phong, một cựu đại tá an ninh, có chung suy nghĩ. Ông bình luận thêm với VOA:

“Tôi không tin là một cái công điện này lại thay đổi được tình hình. Các nghị quyết của đảng, chỉ thị của chính phủ, các kế hoạch về phòng chống tham nhũng có rất lâu rồi, có rất nhiều rồi và cán bộ đảng viên học tập chán rồi. Nhưng mà vấn đề là người ta không làm, người ta không theo. Có khi cả chục năm rồi, tôi chưa thấy có người đứng đầu nào bị kỷ luật khi mà cấp dưới của họ mắc những sai phạm, thậm chí sai phạm cực kỳ nghiêm trọng”.

TBT TCN Nguyễn Phú Trọng: Chống tham nhũng 'khó, phức tạp' vì đụng chạm đến lợi ích con người
TBT TCN Nguyễn Phú Trọng: Chống tham nhũng 'khó, phức tạp' vì đụng chạm đến lợi ích con người

Trong công điện của thủ tướng, biện pháp thứ ba được nêu ra là mọi cơ quan nhà nước “phải ứng dụng mạnh mẽ” công nghệ thông tin để “hạn chế tối đa” việc tiếp xúc trực tiếp giữa cán bộ, công chức, viên chức với người dân, doanh nghiệp. Bên cạnh đó, thủ tướng cũng yêu cầu “triển khai rộng rãi hệ thống ghi âm, ghi hình, camera trực tuyến” tại các địa điểm nơi cán bộ, nhân viên nhà nước có tiếp xúc trực tiếp với người dân, doanh nghiệp.

Các thủ đoạn tham nhũng bây giờ nó tinh vi kinh khủng. Người ta chả dại gì ôm cả bao tải tiền đến để biếu xén. Các biện pháp đấy tôi nghĩ có cho vui thôi, chứ còn chả tích sự gì.
Nhà báo Nguyễn Như Phong

Đề nghị này của thủ tướng được nhiều người đón nhận một cách tích cực. Các Facebooker được nhiều người biết đến như luật sư Ngô Ngọc Trai và nhà văn, võ sư Đoàn Bảo Châu “hoan nghênh” và nhận xét rằng đó là một ý kiến “có giá trị” của thủ tướng, sẽ giúp “hạn chế nhũng nhiễu”.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Như Phong, từng giữ chức Tổng Biên tập báo PetroTimes và Phó Tổng Biên tập báo Công An Nhân Dân, cho rằng không nên quá kỳ vọng vì biện pháp lắp camera chỉ có “tác dụng hình thức một chút, răn đe một chút”. Ông giải thích:

“Nhưng để ngăn chặn tham nhũng, hối lộ, ngăn những việc đi đêm móc ngoặc với nhau thì chả có tác dụng gì cả. Bởi vì chả ai đến chỗ công đường, đến các trụ sở như thế để ngồi bàn về chuyện chung chi và các chuyện làm ăn bất chính. Các thủ đoạn tham nhũng bây giờ nó tinh vi kinh khủng. Người ta chả dại gì ôm cả bao tải tiền đến để biếu xén. Các biện pháp đấy tôi nghĩ có cho vui thôi, chứ còn chả tích sự gì”.

Đưa ra quan điểm về nạn tham nhũng trên bình diện rộng hơn, cựu đại tá an ninh Nguyễn Như Phong cho rằng tham nhũng ở Việt Nam trầm trọng hơn nhiều nước khác vì cơ sở luật pháp của đất nước liên quan đến vấn đề này “không chặt chẽ”, ngoài ra người Việt “duy tình” nên dễ “bóp méo” hay “vô hiệu hóa” các luật lệ, quy định.

Hồi cuối tháng 1 năm nay, tại một hội nghị của ngành nội chính thuộc đảng cộng sản, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định rằng chống tham nhũng là lĩnh vực “khó, phức tạp” vì nó đụng chạm đến lợi ích con người, cụ thể hơn, đó là “lợi ích nhóm, liên quan chằng chịt ở các cấp, các ngành, rất lắt léo”, theo tường thuật của báo chí trong nước.

Cũng cuối tháng 1, Tổ chức Minh bạch Quốc tế công bố bảng xếp hạng Chỉ số Cảm nhận Tham nhũng năm 2018, cho thấy tình hình tham nhũng tại Việt Nam có chiều hướng xấu đi khi tụt 2 điểm và 10 bậc trong bảng xếp hạng so với năm 2017, đưa Việt Nam vào vị trí 117/180 nước.

VOA Express

XS
SM
MD
LG