Đảng Cộng Sản trước đây thường khoe rằng ''Đảng ta luôn đoàn kết keo sơn thàng một khối thống nhất vững như tảng đá kim cương không bao giờ rạn nứt hay chia rẽ.'' Thật ra, đây chỉ là luận điệu tuyên truyền từ ban Tuyên Huấn Trung Ương, học mót theo luận điệu của các Đảng Cộng Sản Liên Xô và Trung Quốc.
Đi theo quá trình suy thoái, sự rạn nứt trong Đảng ngày càng rõ rệt, dẫn đến sự phân hóa chia rẽ ngày càng rõ, và trầm trọng, đưa Đảng tới cuộc khủng hoảng toàn diện về học thuyết, đường lối, chính sách, về tổ chức chưa từng có như hiện nay.
Ngay trong các Ủy Viên Bộ Chính Trị cũ và mới, đã có những người lên tiếng phê phán phản đối các sai lầm nghiêm trọng của lãnh đạo liên quan đến đường lối và chính sách của Đảng.
Đó là Trần Xuân Bách, Võ Nguyên Giáp, Chu Huy Mân, Nguyễn Cơ Thạch, Nguyễn Văn An, từng lên tiếng chống lại chế độ độc đảng phản dân chủ; chỉ ra sai lầm nghiêm trọng trong ''vụ án siêu nghiêm trọng biến Tổng Cục II thành tổ chức tay sai bành trướng,'' cấu kết với tình báo Hoa Nam; phê phán Bộ Chính Trị cai trị kiểu độc đoán như một ông vua tập thể.
Khá nhiều cán bộ cao cấp là trí thức đã lên tiếng bác bỏ các luận điểm trong các văn kiện dự thảo trình các Đại Hội Đảng VII, VIII cho đến XI, XII gần đây, không thể chấp nhận những học thuyết giáo điều cổ lỗ như học thuyết Mác-Lênin già cỗi lạc hậu và chủ nghĩa xã hội viển vông. Như ông Bùi Quang Vinh, từng là Bộ Trưởng Kế Hoạch - Đầu Tư, khi được hỏi về cơ chế «kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa,» đã cả quyết «làm gì có cái thứ đó mà đi tìm.» Cả một phong trào ''thoát Đảng'' được thực hiện từ trí thức, nhà văn, nhà báo, nhà nghiên cứu có tư duy độc lập, trọng lẽ phải và chân lý.
Có thể nói có đến hàng vạn, hàng chục vạn đảng viên trên thực tế đã bỏ sinh họat Đảng vì thất vọng và mất lòng tin. Số đông phải ở lại chỉ vì không có sự lựa chọn, vì tiền lương, miếng ăn, còn họ nghĩ khác, làm khác, không còn dính với lãnh đạo.
Trong mấy chục tổ chức xã hội dân sự độc lập tự lập hiện nay, như trong Văn Đoàn Độc Lập, Hội Nhà Báo Độc Lập, Quỹ Phan Châu Trinh... và trong hàng triệu Blogger cùng Facebooker tự do, có không ít Đảng Viên Cộng Sản đã thực tế quên Đảng, bỏ Đảng để tự mình dành quyền suy nghĩ và ăn nói theo ý mình, không a dua, nói theo ý Đảng khi Đảng đã hoàn toàn lẩm cẩm, đối lập với nhân dân.
Rõ ràng lòng Đảng và ý dân đã buông tay nhau, rời bỏ nhau, đối lập nhau, trên thực tế là một cuộc ly thân và ly dị không sao hòa giải được. ''Thoát Trung,'' ''Thoát Đảng'' là mệnh lệnh của giai đọan mới, của thời đại, của lịch sử.
Có thể hình dung sự phân hóa trên đại thể là: số Đảng Viên có cả thảy 3 triệu, trong đó các nhóm quyền lực chia nhau chức vụ và đặc quyền đặc lợi từ cấp Trung Ương, qua cấp tỉnh - thành, huyện - quận, xuống đến cấp xã chỉ có chừng 30 ngàn người. Ở cấp Trung Ương ước chừng có 2 ngàn, mỗi tỉnh thành có từ 200 đến 500, mỗi quận huyện có chừng 100 và mỗi xã có chừng vài chục Đảng Viên cường hào. Như vậy số Đảng Viên cốt cán thật sự trung thành với Đảng vì chạy theo quyền lực và chạy theo tư lợi chỉ chiếm chưa đến 1% tổng số Đảng Viên. Đây mới thật sự là những Đảng viên ''trung thành,'' nhất nhất tuân theo Bộ Chính Trị và Trung Ương Đảng.
Còn 99% đảng viên còn lại, gồm 2 triệu 97 vạn, chỉ là những đảng viên thường, không quyền lực, không đặc lợi, chỉ như công dân bạch đinh, bị cai trị, bị áp bức, bị bóc lột.
Họ bị lợi dụng làm bệ đỡ, làm chiếc thang, làm bù nhìn, làm cây cảnh, có khi làm con tin, giúp cho 10 vạn kia tồn tại, múa may, để hợp pháp hóa một tổ chức tiếm quyền, cướp chính quyền của nhân dân rồi giữ chịt cho riêng mình suốt hơn 70 năm nay.
Không phải ngẫu nhiên mà nhà văn hóa Nguyễn Khắc Mai lên tiếng yêu cầu Đảng Cộng Sản phải đổi mới tận gốc mô hình cai trị một cách có hệ thống, chuyển sang kỷ nguyên dân chủ thật sự, đi với thời đại văn minh, theo truyền thống tự lực, tự chủ, tự cường và nền văn hóa Minh Triết của dân tộc Việt.
Không phải ngẫu nhiên mà Hiệu Trưởng trường Đại Học Kinh Tế, Giáo Sư, Đảng Viên kỳ cựu, Đào Công Tiến, công khai yêu cầu Đảng thay kỷ niệm 30/4/1975 hàng năm bằng Lễ Tưởng Niệm chung các nạn nhân 30 năm chiến tranh 1945-1975 nhằm góp phần hoàn thành hòa giải và hòa hợp dân tộc, đảng Cộng Sản phải sám hối tạ tội với dân về những sai lầm có hệ thống buộc nhân dân phải trả giá quá đắt về người, của cải, thời gian trong 42 năm qua.
Cũng không phải ngẫu nhiên mà trong vụ xung đột giữa đội cảnh sát cơ động của ngành Công An với nhân dân xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, nhân dân đã đứng lên chống trả thế lực bạo quyền, khi Thành Ủy Cộng Sản, Huyện Ủy Cộng Sản, về hùa với công ty Viettel do các tướng lĩnh tham nhũng cầm đầu để cướp đất của dân. Vùng đất này từ xa xưa giao cho quân đội để làm sân bay nhỏ nhưng sau đó việc xây bị hủy bỏ, vẫn không được trả về cho dân địa phương.
Một điểm rất có ý nghĩa là các đảng viên cựu chiến binh đã ngả hẳn về phía nhân dân, giữ vai trò chỉ đạo trong cuộc đấu tranh dũng cảm này. Các đảng viên ở các chi bộ trong đảng bộ xã, các đoàn viên Thanh Niên Cộng Sản, hội viên Hội Phụ Nữ do Đảng dựng lên đều đứng về phía nhân dân ruột thịt. Có gì tiêu biểu hơn là cụ Lê Đình Kình, một cựu chiến binh Quân Đội Nhân Dân, 82 tuổi, 60 năm tuổi Đảng, Đảng viên kỳ cựu, đã trở thành người lãnh đạo cuộc nổi dậy chống cường quyền hung bạo. Tin của BBC trích lời cháu cụ Kình, rằng «cụ bị vỡ xương đùi. Không có bằng chứng để biết chính xác làm sao cụ bị gãy xương, nhưng từ sau khi công an bắt đi thì cụ phải điều trị trong viện.» Sự phân hóa của Đảng ở cơ sở thật bi đát, rõ ràng.
Đảng chỉ còn sống thật sự trong 1% đảng viên có quyền lực. Họ cố giữ 99% đảng viên còn lại trong Đảng chỉ để làm bù nhìn, làm con tin, cho họ giữ cái vỏ bề ngoài, cái danh hão để che lấp sự tan vỡ sâu rộng của Đảng từ trong lòng nó trên quy mô rộng khắp.
Hình ảnh rạn nứt, chia rẽ, rách nát, tả tơi của Đảng Cộng Sản đã đến độ tột đỉnh. Từ đàn áp họ buộc phải đàm phán tay đôi với nhân dân, nhưng họ còn dở nhiều mưu đồ thâm hiểm.
Sự tan vỡ của Đảng là tất yếu, do chân lý ''nhân dân khi thức tỉnh là vô địch.''
Cũng như sự tan vỡ của Đảng đàn anh – Đảng Cộng Sản Liên Xô, vững mạnh gấp bội Đảng Cộng Sản Việt Nam đàn em, cách đây chỉ 26 năm.