Các đồng minh chủ yếu của Mỹ ở Châu Á hôm 12/9 tán thành nghị quyết nhất trí tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, tăng cường các các biện pháp chế tài đối với Triều Tiên, kể cả lệnh cấm xuất khẩu vải sợi và giới hạn mức trần năng lượng cung cấp cho Bình Nhưỡng sau vụ thử nghiệm hạt nhân thứ 6 của Triều Tiên, theo Reuters.
Về phần mình, Triều Tiên tỏ ra thách thức và “cực lực bác bỏ” nghị quyết này. Bình Nhưỡng tố cáo Hoa Kỳ là có thái độ “hung hăng sẵn sàng đối đầu” và sắp tới đây sẽ phải đối mặt với “đau thương lớn lao” mà Mỹ chưa từng trải nghiệm trước đây.
Sau khi nghị quyết của Liên Hiệp Quốc do Mỹ soạn thảo được thông qua, Nhật Bản và Hàn Quốc tuyên bố sẵn sàng tăng sức ép nếu Triều Tiên không chấm dứt việc phát triển vũ khí hạt nhân và phi đạn đạn đạo của họ.
Nghị quyết hôm thứ Hai 11/9 là nghị quyết cấm vận thứ 9 được tất cả 15 thành viên Hội đồng Bảo an thông qua từ năm 2006 về chương trình phi đạn đạn đạo và hạt nhân của Triều Tiên.
Một dự thảo nghị quyết gắt gao hơn nữa của Mỹ đã được xoa dịu để vận động sự hậu thuẫn của Trung Quốc, đồng minh chủ yếu và đối tác thương mại của Bình Nhưỡng, cũng như của Nga, hai nước đều có quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an.
Sau cuộc biểu quyết, Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley nói:
“Chúng tôi không vui vẻ gì khi phải siết chặt hơn nữa các biện pháp chế tài đối với Bình Nhưỡng. Chúng tôi không muốn chiến tranh xảy ra. Chế độ miền Bắc chưa tới điểm không còn có thể quay về được nữa. Nếu Triều Tiên đồng ý ngưng chương trình hạt nhân của họ, thì họ có thể giành lại tương lai của mình. Còn nếu miền Bắc cứ tiếp tục trên con đường nguy hiểm đang đi, chúng tôi sẽ tiếp tục tăng sức ép hơn nữa.”
Đại sứ Haley cho rằng sự thành công của nghị quyết trừng phạt Triều Tiên là do quan hệ mạnh mẽ giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Phát biểu hôm 12/9 tại Hội nghị Giải trừ Vũ khí do LHQ bảo trợ ở Geneve, Đại sứ Triều Tiên Han Tae Song nói Hoa Kỳ đã “phùng mang trợn má, sẵn sàng cho một cuộc xung đột chính trị, kinh tế và quân sự”.
Ông Song nhấn mạnh:
“Phái đoàn của chúng tôi lên án bằng những lời lẽ mạnh mẽ nhất, tuyệt đối bác bỏ nghị quyết bất hợp pháp, vô luật lệ mới nhất của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.”
Ông tuyên bố Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên “sẵn sàng sử dụng một hình thức của phương tiện cuối cùng”, nhưng không cho biết cụ thể ông có ý muốn nói gì.
Đại sứ đặc trách giải trừ vũ khí của Mỹ Robert Wood nói nghị quyết LHQ “đánh đi một thông điệp rõ rệt, không sao nhầm lẫn được, tới chế độ cầm quyền ở Triều Tiên, rằng cộng đồng quốc tế đã chán chường, không còn sẵn sàng bỏ qua thái độ khiêu khích của chế độ này nữa.”
Giờ đây tất cả các nước thành viên Liên Hiệp Quốc đều có nghĩa vụ ngưng nhập khẩu vải sợi từ Triều Tiên, mặt hàng xuất khẩu lớn thứ nhì của Triều Tiên sau than và khoáng sản, trị giá năm 2016 lên tới 752 triệu USD, chiếm ¼ thu nhập của miền Bắc từ các hoạt động thương mại, dựa trên dữ liệu của Hàn Quốc. Gần 80% được xuất sang Trung Quốc.
Đại sứ Haley nói nghị quyết này đồng thời cũng “chấm dứt khả năng chế độ Triều Tiên có thể thu lợi do sức lao động của 93,000 công dân mà nước này gửi ra nước ngoài lao động để bị đánh thuế nặng.”
Tái tục đàm phán
Phủ Tổng thống Hàn Quốc nói cách duy nhất để Bình Nhưỡng chấm dứt tình trạng bị cô lập về mặt ngoại giao và không còn bị sức ép kinh tế của quốc tế nữa, là chấm dứt chương trình hạt nhân và trở lại bàn đàm phán.
Thông báo của Nhà Xanh có đoạn viết:
“Triều Tiên cần nhận ra rằng thái độ thách thức vô trách nhiệm, đe dọa hòa bình thế giới, chỉ mang lại các biện pháp chế tài chống lại họ còn gắt gao hơn nữa.”
Tuy nhiên Xinhua, cơ quan ngôn luận chính thức của Trung Quốc, trong một bài xã luận, nói chính quyền Trump đang phạm sai lầm khi bác bỏ chính sách mời gọi sự tham gia của Triều Tiên.
Tờ báo viết:
“Hoa Kỳ cần chuyển đổi từ cô lập Triều Tiên sang giao lưu liên lạc để chấm dứt ‘cái vòng luẩn quẩn’ trên bán đảo Triều Tiên, nơi mà “các vụ thử hạt nhân và phi đạn khơi động các biện pháp chế tài gắt gao, và như vậy các biện pháp này lại khích động thêm các vụ thử nghiệm khác nữa.”
Thủ Tướng Nhật Bản Shinzo Abe thì nhanh chóng tán thành nghị quyết, nói rằng cuộc biểu quyết này là quan trọng để thay đổi chính sách của Triều Tiên bằng cách tăng sức ép.
Nghị quyết mới cấm nhập vào Triều Tiên khí đốt thiên nhiên ở dạng lỏng hay đặc, giới hạn các sản phẩm xăng dầu ở mức không quá 2 triệu thùng một năm, và giới hạn các mặt hàng dầu thô cho Triều Tiên tại các mức hiện tại. Trung Quốc là nước cung cấp dầu thô nhiều nhất cho Triều Tiên.
Các giới chức Trung Quốc trong vòng riêng tư bày tỏ lo sợ rằng lệnh cấm nhập khẩu dầu có thể gây bất ổn diện rộng tại nước láng giềng Triều Tiên. Nga và Trung Quốc cũng bày tỏ lo ngại về tác động về mặt nhân đạo của các biện pháp chế tài gắt gao hơn.
Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc nói nghị quyết mới nhắm vào “khả năng của Triều Tiên có thể tài trợ và đẩy mạnh chương trình sản xuất vũ khí” của Triều Tiên. Tổng thống Trump đã thề sẽ không cho phép Triều Tiên phát triển một tên lửa hạt nhân có khả năng tấn công vào lãnh thổ Hoa Kỳ.