Chính quyền trong nước hôm 6/9 đã lên tiếng phản hồi về thông tin Bình Nhưỡng “chuyển hướng đưa than sang Việt Nam”, bất chấp lệnh cấm của Liên Hiệp Quốc và nhiều khả năng đối mặt với sự trừng phạt của Mỹ.
Trả lời VOA tiếng Việt liên quan tới báo cáo của Liên Hiệp Quốc [LHQ] về việc Bắc Hàn “xuất than sang các nước thành viên [LHQ] khác là Malaysia và Việt Nam”, sau khi Trung Quốc ngưng nhập khẩu than từ Bắc Hàn hồi tháng Hai, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nói:
“Là một thành viên có trách nhiệm của Liên Hiệp Quốc và cộng đồng quốc tế, Việt Nam luôn luôn tuân thủ các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, trong đó có Nghị quyết số 2371”.
Nghị quyết Hà Nội đề cập ở trên được thông qua ngày 5/8, theo đó cấm Bắc Hàn xuất khẩu than, sắt và quặng sắt, chì và quặng chì cũng như hải sản. Biện pháp này được cho là sẽ khiến Bình Nhưỡng mất đi một lượng ngoại tệ đáng kể lên tới một tỷ đôla.
Trung Quốc sau đó đã ngưng nhập than của Bắc Hàn, và hãng tin Kyodo của Nhật dẫn một báo cáo mật của Liên Hiệp Quốc nói rằng Bắc Hàn tiếp tục xuất than sang các nước, trong đó có Việt Nam, thu về 270 triệu đôla kể từ tháng Hai năm nay.
Phúc trình do một nhóm chuyên gia đại diện cho các quốc gia thường trực trong Hội đồng Bảo an thực hiện nhận định rằng việc “thực thi lỏng lẻo” các biện pháp trừng phạt hiện thời, cũng như “các kỹ thuật ‘lách’” của Bình Nhưỡng đã làm tổn hại tới các mục tiêu của LHQ là buộc Bắc Hàn phải từ bỏ các chương trình hạt nhân và tên lửa.
Trong email gửi cho Bộ Ngoại giao Việt Nam, VOA tiếng Việt cũng đặt câu hỏi về việc liệu Việt Nam hiện có duy trì quan hệ thương mại với Bắc Hàn hay có gửi viện trợ cho Bắc Hàn trong vòng hai năm qua hay không.
Theo trang web của Đại sứ quán Việt Nam ở Bình Nhưỡng, đầu năm nay, “tại trụ sở Ủy Ban Liên lạc Văn hóa Đối ngoại Triều Tiên, Đại sứ Phạm Việt Hùng thay mặt toàn thể cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Triều Tiên đã trao số tiền 1.000 USD (tương đương 7,5 tấn phân bón) ủng hộ Nông trường Hữu nghị Mi Cốc”.
Bản tin ngắn viết tiếp: “Với số lượng phân bón trên, hy vọng Nông trường Mi Cốc sẽ góp phần thúc đẩy phát triển và tăng sản lượng nông nghiệp năm 2017, qua đó thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước vốn được các vị lãnh đạo dày công gây dựng và vun đắp”.
Trong năm 2015, ông Hùng đã “thăm Trường Đại học Ngoại ngữ Bình Nhưỡng và trao tặng Bộ môn tiếng Việt, Khoa ngôn ngữ Dân tộc của trường 3 bộ máy vi tính và 2 bộ sách giáo khoa tiếng Việt từ lớp 1 đến lớp 12”.
Cũng theo trang web của cơ quan đại diện ngoại giao ở Bình Nhưỡng, “năm 1996, Triều Tiên mua 2 vạn tấn gạo nhưng đến nay vẫn chưa thanh toán, cả gốc và lãi nay là 17 triệu USD” và “từ đó tới nay hai nước hầu như không buôn bán với nhau”.
Ngoài ra, từ năm 2000 tới 2005, Hà Nội tặng Bình Nhưỡng tổng cộng “12 nghìn tấn gạo”.
Hai ngày sau khi Bắc Hàn thực hiện vụ thử hạt nhân lớn hôm 2/9, đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc, bà Nikki Haley, phát biểu trước Hội đồng Bảo an rằng Hoa Kỳ “sẽ xem xét mọi quốc gia làm ăn với Bắc Hàn và coi đó là việc viện trợ các kế hoạch hạt nhân nguy hiểm và liều lĩnh của họ [Bắc Hàn]”.
Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump viết trên Twitter rằng “Hoa Kỳ đang cân nhắc cắt đứt mọi quan hệ thương mại với bất kỳ quốc gia nào làm ăn với Bắc Hàn”.
Về vụ thử hạt nhân của Bắc Hàn, phát ngôn viên Lê Thị Thu Hằng hôm 3/9 nói rằng hành động của Bình Nhưỡng đã “vi phạm nghiêm trọng các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc”.
Bà cũng tuyên bố rằng “Việt Nam phản đối mọi hành vi làm phức tạp tình hình, đe dọa hòa bình, an ninh và ổn định của khu vực và thế giới”.
Theo giới quan sát, Bắc Hàn từng hỗ trợ vật chất cho “quốc gia anh em cộng sản” Việt Nam trong thời kỳ Chiến tranh Việt Nam.
Tuy nhiên, quan hệ giữa hai nước cùng theo chế độ xã hội chủ nghĩa không phải luôn luôn nồng ấm, nhất là sau khi Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao với Seoul hồi đầu những năm 90.
Hơn một thập kỷ sau, năm 2004, Bình Nhưỡng cũng tỏ ý không hài lòng sau khi Hà Nội cho phép hàng trăm người Bắc Hàn sang Hàn Quốc tỵ nạn sau khi họ đào tẩu qua ngả Việt Nam.