Đường dẫn truy cập

Đón Trump, Việt Nam gặt hái được gì?


Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang.

Tổng thống Trump vừa khép lại chuyến công du châu Á dài nhất của một tổng thống Mỹ tính từ năm 1991, khi Tổng thống George H.W. Bush thực hiện chuyến Á du 12 ngày của ông. Một trọng tâm trong chuyến đi là hội nghị APEC, Diễn Đàn Hợp tác Kinh tế Á Châu-Thái Bình Dương, năm nay do Việt Nam chủ trì. Đánh giá thành quả của hội nghị APEC ở Đà Nẵng và chuyến thăm chính thức của nhà lãnh đạo Mỹ, Toà Bạch Ốc và các nhà quan sát tình hình Việt Nam trong và ngoài nước, nói chung đều cho rằng APEC là một hội nghị thành công, và Việt Nam đã làm tốt vai trò nước chủ nhà.

Đón Trump, Việt Nam gặt hái được gì?
please wait

No media source currently available

0:00 0:12:28 0:00
Tải xuống

Tiến sĩ Nguyễn Quang A:

“Tôi nghĩ rằng Việt Nam đã tổ chức thành công hội nghị APEC. Mọi sự diễn ra suôn sẻ, mời được rất là nhiều nguyên thủ quốc gia trong đó có ông Trump, rồi ông Tập Cận Bình, tôi nghĩ đấy cũng là một kết quả tốt, tuy nhiên đây là một diễn đàn quốc tế nó đã có truyền thống, chứ không phải là thành tích gì của Việt Nam cả. Tôi nghĩ là sự hiện diện của các vị đấy nó chứng tỏ Diễn đàn Kinh tế APEC là một diễn đàn được người ta coi trọng.”

Giáo sư Ngô Vĩnh Long thuộc Đại học Maine cũng phụ họa:

“Phải công nhận là kỳ này, không những Việt Nam tổ chức APEC rất là tốt mà Việt Nam còn làm việc với các nước khác để phục hồi và tổ chức lại hiệp định TPP cho nó phù hợp hơn (bây giờ gọi là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương-CPTPP). Tổ chức lại như thế này thì có lợi rất là nhiều, không những trên vấn đề buôn bán, kinh tế mà tổ chức này còn quan trọng về mặt an ninh chung cho 11 nước còn lại cũng như cho khu vực Châu Á-Thái Bình Duong.”

Tiến sĩ Nguyễn văn Huy trước đây giảng dạy tại Đại học Paris 7, nhận định:

“Thành quả cụ thể mà Việt Nam đạt được khi tổ chức APEC là thế giới nhìn nhận Việt Nam ngày nay như một quốc gia bình thường, gần như không ai đặt ra vấn đề cai trị của Đảng Cộng sản Việt Nam là độc tài, độc quyền cai trị của Đảng Cộng sản nữa, đó là điều mà Đảng Cộng sản Việt Nam mong muốn, thành ra tôi nghĩ cái mục đích đầu tiên đó họ đã đạt được. Thứ hai, tiếng nói của Việt Nam cũng được ngang hàng trên trường quốc tế.”

Tiến sĩ Nguyễn văn Huy còn ví Việt Nam ngày nay như một cô gái đến tuổi xuân thì, đang được nhiều người ve vãn, trong đó có Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Nga…

“Việt Nam gần như một cái trung tâm của một cuộc tranh giành quyền lực trong vùng Á Châu-Thái Bình Dương. Tôi nghĩ rằng Đảng Cộng sản Việt Nam hiểu rất rõ vai trò của mình thành ra họ không đặt nặng vấn đề vai trò người đại diện Đảng Cộng sản Việt Nam tức là Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng, mà đưa người của chính quyền tức là Chủ tịch nước Trần Đại Quang, và tại Philippines là Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc. Thành ra tôi nghĩ mục đích của Việt Nam là ‘hiền hòa hóa’ cái chế độ cộng sản độc tài đang cai trị Việt Nam.”

Giáo sư Ngô Vĩnh Long cho rằng Việt Nam đã tỏ ra khôn khéo để lấy lòng chủ nhân của Toà Bạch Ốc.

“Việt Nam biết tính của ông Trump cho nên đã tổ chức đón đãi ông rất nồng hậu. Các nước khác cũng vậy, không ai muốn làm cho ông bực mình, vì về lâu về dài, chính sách của Mỹ sẽ không có gì thay đổi, bởi vì nước Mỹ là nước lớn, cần duy trì sự hiện diện và sức mạnh của mình ở khu vực Á Châu-Thái Bình Dương, thì dưới thời ông Trump, đừng làm gì cho nó xấu hơn là tốt rồi.”

So sánh cách cựu Tổng Thống Obama được tiếp đón vào lúc gần hết nhiệm kỳ, với cách đón tiếp Tổng thống Trump trong chuyến đi Việt Nam lần này, Tiến sĩ Nguyễn Quang A nói có lẽ vì thích nước Mỹ, nên dân chúng nhiều người cũng đổ ra đường đón tiếp Tổng thống Donald Trump.

“Tôi nghĩ là vì quý nước Mỹ nên nhiều người cũng đổ ra đường. Nhưng tôi nghĩ ở Việt Nam cũng có rất nhiều người không ưa gì ông Trump, nhưng mà người ta quý là vì ông đại diện cho một quốc gia chứ không phải là cá nhân của ông Trump. Người dân chào đón ông Obama thì nồng nhiệt hơn nhiều, đông hơn rất nhiều so với ông Trump, có lẽ cũng vì tính khí của ông Trump và cách phát biểu của ông ấy lúc thế này, lúc thế kia, không nhất quán cho lắm, không coi trọng vấn đề nhân quyền, ông cũng không đá động gì đến vấn đề nhân quyền, và cũng không chú trọng lắm tới vấn đề Biển Đông ở Đà Nẵng thì theo tôi, chuyện ấy nó cũng ảnh hưởng đến sự quý mến chung của người dân Việt Nam.”

Tiến sĩ Huy nói thời Tổng Thống Obama, Hà nội còn phân vân chưa dứt khoát, không biết chọn lựa như thế nào bởi vì áp lực đến từ Trung Quốc quá nặng nề. Việt Nam muốn xích lại gần Hoa Kỳ nhưng không muốn theo hẳn Hoa Kỳ, thành ra chính quyền Obama lúc đó được tiếp đãi bình thường, không nồng hậu, ân cần cho lắm. Đối với Tổng thống Trump thì khác, Việt Nam có kế hoạch rõ ràng để đón tiếp trọng thể Tổng thống Trump, vì muốn thương lượng với Hoa Kỳ để xuất hàng hóa sang thị trường tiêu thụ lớn nhất thế giới. Hà nội đặc biệt có cảm tình với nhà lãnh đạo Mỹ vì lý do sau đây:

“Donald Trump không đặt vấn đề Việt Nam độc tài hay không độc tài, miễn làm sao buôn bán được, tức là Việt Nam muốn buôn bán với Hoa Kỳ thì hai bên phải cùng có lợi, tức là Việt Nam không thể xuất khẩu sang Hoa Kỳ mà không mua gì của Hoa Kỳ. Mục đích của Tổng thống Trump kỳ này là muốn Việt Nam mua vũ khí của Mỹ, thành ra tôi nghĩ đây chỉ là một cuộc gặp gỡ có tính cách thương mại nhiều hơn là chính trị.”

Giáo sư Ngô Vĩnh Long nói quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ đã phát triển tốt trong mười mấy năm qua cho nên theo ông, đà này sẽ vẫn tiếp tục, và mặc dù ông Trump tuyên bố không mấy ủng hộ các giải pháp đa phương, nhưng vai trò của các tổ chức đa phương vẫn quan trọng đối với Mỹ, trong khi vai trò của Việt Nam trong các tổ chức đa phương ấy, có thể có lợi cho nước Mỹ, theo Giáo sư Ngô Vĩnh Long,

“Vai trò của Việt Nam trong các tổ chức đa phương nó sẽ giúp cho Mỹ có một thế lực ở Á Châu-Thái Bình Dương, đặc biệt ở Đông Nam Á, bởi vì Mỹ có mạnh cách mấy đi nữa, cũng vẫn cần có sự ủng hộ của các nước trong khu vực, nhất là những nước có địa thế quan trọng như Việt Nam. Nói về địa thế thì Việt Nam là nước có bờ biển dài nhất trong vùng Biển Đông, tuy nhiên vai trò của Việt Nam đối với khu vực Biển Đông rất là quan trọng cho Hoa Kỳ về lâu về dài.”

Sau khi rời Hà Nội hôm 12/11, Tổng thống Mỹ gửi lời cảm ơn tới Việt Nam sau một chuyến thăm "tuyệt vời". Thông cáo của Toà Bạch Ốc trích lại một đoạn phát biểu trong bài diễn văn của Tổng thống Donald Trump ở Đà Nẵng, ca tụng Việt Nam là một ‘phép lạ’ và nói rằng Hoa Kỳ mong muốn thắt chặt tình hữu nghị với Việt Nam.

“Hiện nay,Việt Nam là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất trên Trái Đất… Chúng tôi biết lợi ích của Hoa Kỳ sẽ được phục vụ khi xây dựng quan hệ đối tác ở một khu vực đang trở nên phát đạt, thịnh vượng và không phụ thuộc vào bất cứ ai khác… Chúng tôi tìm kiếm láng giềng mạnh, chứ không tìm kiếm những hàng xóm yếu. Trên tất cả, chúng tôi tìm kiếm tình hữu nghị”.

Theo giới quan sát, chính phủ Việt Nam trông đợi rất nhiều vào Tổng thống Donald Trump có thể giúp tạo điều kiện dễ dàng cho Việt Nam xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Mỹ, hầu có thể thu hẹp mức thâm hụt ngân sách rất lớn hiện nay, Tiến sĩ Nguyễn Quang A và Giáo sư Huy nói Hà nội có thể sẽ thất vọng về điều này.

Tiến sĩ Huy cho rằng những thỏa thuận trị giá nhiều tỷ đôla ký kết với các doanh nhân Mỹ không thể nào so sánh được với những lợi ích của Hiệp định Hợp tác Xuyên Thái Bình Dương TPP, thỏa thuận thương mại tự do mà Tổng thống Donald Trump đã rút ra không lâu sau khi lên nắm quyền.

“Hiện nay phải biết là ngân sách Việt Nam ngày nay thâm thủng rất là nặng. Cái mong ước của người Việt Nam hy vọng Tổng thống Trump sẽ là một cái phao cứu mình ra khỏi cái hố thâm hụt ngân sách, coi như là không có. Thành ra chỉ còn vấn đề uy tín quốc tế mà thôi. Họ chỉ được Tổng thống Trump không đặt vấn đề nhân quyền.”

Về các khía cạnh khác của chuyến Á du của Tổng thống Trump, Tiến sĩ Huy nói thực ra dân Châu Âu không mấy lưu tâm tới khía cạnh thương mại hay vấn đề Triều Tiên, mà chú ý nhiều hơn tới mối liên hệ giữa ông Trump với Tổng Thống Nga Vladimir Putin.

“Thưa chị, dư luận Châu Âu lại khác hẳn, họ chỉ đặt vấn đề cú bắt tay giữa Tổng thống Donald Trump với Vladimir Ông Putin. Còn vấn đề vai trò của Trung Quốc, Trung Quốc hiện nay đang trong bóng tối nắm hết tất cả các đường dây mối nhợ về buôn bán, người phương Tây có đặt vấn đề đó, nhưng họ chỉ nói chung chung vì thực sự thị trường Đông Nam Á đối với châu Âu cũng là một thị trường hơi xa lạ, họ không có đầu tư nhiều, chân rết nhiều như là Nhật Bản, Hoa Kỳ, nhưng mà cái quan trọng nhất đối với người Châu Âu là họ muốn theo dõi xem giữa ông Trump với ông Putin có sự xung khắc nào không, hay là có một sự dàn xếp nào đó để giải quyết vấn đề bầu cử Tổng thống Mỹ, chứ họ không chú ý tới thị trường chung Đông Nam Á và APEC lắm đâu.”

Trả lời câu hỏi về ý nghĩa của chuyến đi, liệu cuộc thăm viếng của Tổng thống Trump có mang lại ý tưởng gì mới lạ cho Việt Nam? Tiến sĩ Nguyễn Quang A phát biểu:

“Có lẽ nó cũng không mang lại điều gì mới lạ cho Việt Nam. Nó chỉ có thể khẳng định được một số điểm mà ôngTrump làm rõ ra đối với thế giới, trong đó có cả Việt Nam. Ông ấy nhất quyết không đi theo chuyện đa phương, mọi cái đa phương ông ấy đều bác bỏ cả, ông ấy chỉ muốn song phương thôi về các hiệp định kinh tế.”

Vietnamese children wave flags before a welcome ceremony of U.S. President Donald Trump at the Presidential Palace in Hanoi, Vietnam, Sunday, Nov. 12, 2017.
Vietnamese children wave flags before a welcome ceremony of U.S. President Donald Trump at the Presidential Palace in Hanoi, Vietnam, Sunday, Nov. 12, 2017.

Trong chuyến công du Á Châu, nhà lãnh đạo Mỹ thúc đẩy một khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và cởi mở, trong đó quan hệ đối tác toàn diện Việt–Mỹ là một yếu tố quan trọng. Nhưng rõ ràng đối với ông Trump, vấn đề nhân quyền không phải là một ưu tiên trong khu vực ‘tự do và cởi mở’ đó, bởi vì ông không hề nhắc đến nhân quyền trong chuyến đi thăm Việt Nam, khiến cho Thượng nghị sĩ John McCain phải lên tiếng. Báo The Hill chuyên tường trình các diễn tiến tại quốc hội và chính trường Mỹ tải lên một bài viết mang tựa đề: “McCain đả kích chuyến đi thăm Việt Nam của Trump: ‘Không nhắc gì đến nhân quyền- Thật là tệ!’”

Về vấn đề này, Giáo sư Ngô Vĩnh Long có ý kiến hơi khác với ý kiến của Thượng nghị sĩ John McCain. Ông cho rằng ông Trump không nhắc tới vấn đề nhân quyền và dân quyền, hóa ra lại là điều hay, Giáo sư Long giải thích:

“Vấn đề nhân quyền và dân quyền là vấn đề của mỗi nước. Việt Nam muốn quốc tế coi trọng Việt Nam thì Việt Nam phải tự mình đối xử với dân của mình một cách đàng hoàng. Ông Trump ngay trong nước của ông, cũng không nói đến vấn đề nhân quyền hay dân quyền. Nhiều khi thái độ của ông đối với những thành phần thiệt thòi hơn như các nhóm thiểu số, người da màu, phụ nữ thì ông cũng – xin lỗi phải nói thẳng, là đôi khi thô lỗ thành ra nếu ông đã coi những người trong nước không ra gì, mà đi ra nước ngoài, đòi nhấn mạnh vấn đề nhân quyền và dân quyền thì tôi nghĩ người ta không tin được. Thà không nói còn tốt hơn!”

Trong chuyến thăm chính thức Việt Nam, Hoa Kỳ và Việt Nam tái khẳng định cam kết tăng cường quan hệ đối tác toàn diện, ăn mừng việc kết thúc dự án tẩy độc dioxin ở Đà Nẵng và Hoa Kỳ cam kết sẽ tiếp tục đóng góp để tẩy độc sân bay Biên Hòa.

Trong những thành quả khác của chuyến đi, Hoa Kỳ hoàn tất kế hoạch hành động về hợp tác quốc phòng Việt – Mỹ, chính thức chuyển giao một tàu tuần tra bờ biển lớp Hamilton cho hải quân Việt Nam, đồng thời đạt thỏa thuận mua đất ở Hà Nội để xây đại sứ quán mới, một biểu tượng cho sự phát triển của các quan hệ song phương.

VOA Express

XS
SM
MD
LG