Các nhà lập pháp ở Washington đang xét duyệt các chương trình của chính phủ liên bang cung cấp hàng tỷ đôla về thiết bị quân sự thặng dư cho các cục cảnh sát dân sự. Quyết định này được đưa ra vào lúc ngày càng có nhiều lời kêu gọi chấm dứt tình trạng được gọi là “quân đội hoá” các lực lượng cảnh sát địa phương. Quyết định này cũng tiếp theo phản ứng của cảnh sát nhằm dập tắt nhiều ngày bạo động ở thành phố Ferguson trong tiểu bang Missouri, sau vụ một cảnh sát viên da trắng bắn chết một thiếu niên da đen không có vũ khí hồi tháng trước. Thông tín viên VOA Chris Simkins ghi nhận thêm chi tiết trong bài tường thuật sau đây.
Cảnh sát ở Ferguson, Missouri, mặc quân phục với vũ khí tấn công và đi các xe chiến đấu bọc thép đã bắn hơi cay để giải tán các đám biểu tình sau vụ bắn chết Michael Brown.
Phản ứng của cảnh sát trước tình hình bạo động đã khơi ra những lời chỉ trích về tình trạng quân đội hoá các cục cảnh sát dân sự và việc sử dụng thiết bị chiến đấu để đàn áp biểu tình. Trong một phiên điều trần của Uỷ ban An ninh Nội địa ở Thượng viện Hoa Kỳ, thượng nghị sĩ Claire McCaskill đại diện tiểu bang Missouri nói việc sử dụng thiết bị chiến đấu ở Ferguson là không cần thiết.
“Cảnh sát viên mặc quân phục không được coi là đối tác trong bất cứ cộng đồng nào. Quân xa bọc thép, ngay cả khi được sơn màu đen và sử dụng một cách hết sức thận trọng về nguyên tắc vẫn mang tính hăm dọa.”
Bà McCaskill và các nhà lập pháp khác đang cứu xét nhiều chương trình của chính phủ liên bang cung cấp vũ khí và thiết bị quân sự thặng dư cho các lực lượng cảnh sát địa phương, Từ năm 1997, Bộ Quốc phòng đã tính dành 5 tỷ đôla về thiết bị - cho công tác chống tội phạm và khủng bố và đáp ứng với các thiên tai.
Thượng nghị sĩ Rand Paul của tiểu bang Kentucky phản đối việc này.
“Nhiều lực lượng cảnh sát nghĩ rằng thiết bị này sẽ hữu hiệu trong việc trấn áp bạo loạn ở một thành phố lớn, trong một khu vực đô thị và Bộ Quốc phòng đã chỉ thị cụ thể rằng đó không phải là mục đích sử dụng. Qua việc cung cấp tất cả các thiết bị miễn phí này, nói thẳng ra phần lớn là không thích đáng, và thực sự không nên nằm trong danh sách thiết bị cho phép của bất cứ ai.”
Các giới chức Bộ Quốc phòng nói thiết bị và tiếp liệu quân sự là hữu dụng đối với các cơ quan thi hành công lực. Nhưng ông Alan Estevez, thứ trưởng quốc phòng về tài lực, nói rằng Ngũ Giác Đài không thể kiểm soát việc thiết bị được sử dụng ra sao.
“Thưa ngài Thượng nghị sĩ, tôi nghĩ chúng ta cần xét duyệt tất cả các thiết bị chúng ta cung cấp. Và như tôi đã nói, chúng ta ở Bộ Quốc phòng không ép bất cửa lực lượng cảnh sát nào phải sử dụng bất cứ phần nào trong số thiết bị này. Các tiểu bang quyết định họ cần gì.”
Phóng viên nhiếp ảnh Wiley Price của nhật báo Saint Louis tường thuật về vụ bạo động ở Ferguson. Ông nói dân chúng ngạc nhiên khi thấy cảnh sát lái quân xa đi tuần tra, nhắm các vũ khí tấn công vào họ.
“Các nhiếp ảnh gia khác đang nêu câu hỏi với nhau về việc gì đang xảy diễn và sự kiện này kéo dài 3 hay 4 ngày. Và cảnh sát đã khiêu khích những người đi tuần hành ôn hoà khi họ chỉ đứng ở đó reo hò.”
Giáo sư về Công lý Tội phạm của trường đại học Western Kentucky, ông Jim Bueermann nói với các nhà lập pháp rằng ông ủng hộ việc cung cấp thiết bị quân sự cho cảnh sát – nhưng phải có thêm sự huấn luyện về việc khi nào sử dụng là thích đáng.
“Nếu như có một điều lạc quan do hậu quả sự cố ở Ferguson thì đó là chúng ta bắt đầu cuộc thảo luận mà lẽ ra phải diễn ra từ năm 1997, chứ không phải năm 2014, về cách thức sử dụng thiết bị này, cho dù thiết bị phát xuất từ một chương trình liên bang hay từ một quỹ chung của thành phố một cách thích đáng và không gây thiệt hại cho mối quan hệ của cảnh sát với cộng đồng.”
Các nhà lập pháp cho biết họ sẽ tiếp tục duyệt xét các chương trình của chính phủ cung cấp thiết bị quân sự cho các cục cảnh sát trong nước.
Trong khi đó, Chính quyền Obama đang tiến hành cuộc điều tra riêng về chương trình – với hy vọng ngăn tránh được hình thức đáp ứng của cảnh sát ở Ferguson đã châm ngòi cho quá nhiều phẫn nộ và tranh luận.