Trân Văn
Nắng như nung vốn là chuyện bình thường trong mùa hè ở Việt Nam. So với trước, vài năm gần đây, biến đổi khi hậu đã khiến nhiệt độ cao hơn trước và thiếu cây xanh khiến cảm nhận thời tiết dường như khắc nghiệt hơn... Tuy nhiên tại Việt Nam, mùa hè này trở thành đáng nhớ không phải vì thời tiết lạ thường, mùa hè này khiến dân chúng rên xiết vì không có điện. Cắt điện tràn lan, vô tội vạ với lý do... thiếu điện đã dẫn tới đủ loại nghịch cảnh và xác nhận điều mà ông Nguyễn Phú Trọng thường tự hào: Đất nước chưa bao giờ như thế này - là hoàn toàn... chính xác theo hướng tiêu cực nhất!
Mất điện đã khiến những đứa trẻ đang chuẩn bị cho nhiều kỳ thi quan trọng phải dùng ánh sáng từ điện thoại để ôn bài khiến Lê Phương Lan ngậm ngùi: Sắp lên… thiên đàng! Lê Huỳnh Phương Thảo nửa đùa, nửa thật trước hình ảnh cả lớp cùng mở điện thoại để có ánh sáng xem bài vở: Ôn thi thời bốn chấm không. Kiểu gì trong số học sinh này cũng có em sau sẽ làm Chủ tịch (1). Chưa rõ vì sao, ông Vương Đình Huệ - Chủ tịch Quốc hội, người mà thân mẫu từng khoe là hiếu học tới mức dùng đom đóm thay đèn để học bài, làm bài – im lặng khi thế hệ con cháu khổ đến thế!
Cắt điện không chỉ làm khổ trẻ con mà còn khiến kinh tế - xã hội lộn ngược và có thể cảm nhận tính chất, mức độ nghiêm trọng của tình trạng cắt điện tràn lan, vô tội vạ trên mạng xã hội. Lê Xuân Bách khoe một cái phiếu bằng giấy để đi qua trạm thu phí vì không có điện: Mất điện nên cao tốc Hà Nội – Hải Phòng phát thẻ giấy, giờ đến cao tốc cũng mất điện (2). Tương tự, Bui Minh Thang cảnh báo về an toàn, trật tự giao thông khi hệ thống đèn chiếu sáng mở muộn hơn, tắt sớm hơn để có thể tiết kiệm tối thiểu 30% điện năng dùng vào việc chiếu sáng cho lưu thông (3).
Không chỉ có thế, cắt điện tràn lan, vô tội vạ còn tước bỏ cơ hội được sống bình thường của tất cả các giới. Phúc Văn chia sẻ video clip “Quê em mùa mất điện” ghi lại cảnh dân chúng túm năm, tụm ba trên lề, mang ghế ra đường ngồi, thậm chí trải chiếu nằm rải rác dọc hai bên một con đường làng vì không có điện là không có quạt, rồi không có đèn nên chẳng ai nhìn thấy ai cho đến khi có chiếc xe nào đó chạy qua, nhờ ánh sáng từ đèn xe người ta mới nhìn thấy dân làng đang ngồi, nằm lổn nhổn ngoài đường (4). Song song với mạng xã hội, các tờ báo giới thiệu đủ loại thông tin, hình ảnh về cách thức đối phó với mất điện, chẳng hạn tờ Thanh Niên một phóng sự ảnh giới thiệu chuyện di cư từ khu mất điện sang khu có điện, ngồi lì ngoài quán cà phê, mua ắc quy để thắp đèn, mở quạt (5)... Nhiều tai họa đã rơi xuống đầu dân lành, một số người bị kẹt trong thang máy vì cắt điện đột ngột phải gọi PCCC đến giải cứu, hay nóng quá nên chui vào xe hơi mở máy lạnh rồi thiệt mạng do ngộ độc thán khí như đã xảy ra với một gia đình ở An Lão, Hải Phòng. Có nơi, để tránh nóng, cả xóm chui vào một... hang đá, cám cảnh, Mạc Việt Hồng làm thơ: Xưa từ hang đá chui ra. Nay điện lực cắt thì ta chui vào (6)...
Cũng đã có rất nhiều người than như Đạt: Thất nghiệp chán rồi đến mất điện. Mới mùng 8 mà đã phải nghỉ ba ngày vì mất điện thì còn gì để ăn uống nữa (7), hoặc phẫn nộ như Nguyen Dinh Trong: Cắt điện liên tục làm sản xuất bị ngưng trệ, máy móc ở các khu công nghiệp bị hỏng, sản phẩm lỗi hàng loạt. Ai chịu trách nhiệm cho sự tàn phá này (8)? Qua mạng xã hội, Hoàng Long Nguyễn đề đạt: Xin hãy cắt điện một cách văn minh, cắt khung giờ nào cũng được trừ các khung giờ từ 10 giờ sáng đến 2 giờ trưa, từ 10 giờ tối đến 5 giờ sáng. Nếu có thể được xin cắt luôn phiên mỗi xã hai tiếng. Trẻ em (nhất là sơ sinh) cần được ngủ ngon để lớn, người già cần ngủ ngon để khỏe và người lớn cần ngủ ngon để tái tạo năng lượng làm việc. Việc sống trong sợ hãi cảnh mất điện và cảnh chạy nạn mất điện trầm cảm lắm rồi. Thế này thì đất nước đang giật lùi lại, tiến làm sao được (9). Bởi Đất nước chưa bao giờ như thế này – nên rất nhiều người share ý như Ngoc Do: Muốn tồn tại được ở xã hội này thì phải “trên thông thiên văn, dưới biết lịch... cắt điện” (10) và ăn năn như Dung Nguyễn: Thôi em thua rồi. EVN phát giá bao nhiêu cũng xin chốt. Đừng cắt điện là được (11)...
***
Giữa sự hỗn loạn như đã kể, từ chính phủ đến quốc hội không đưa ra được bất kỳ giải pháp nào. Trả lời VOV, ông Lê Thanh Vân - đại biểu của Cà Mau ở quốc hội – cũng chỉ có thể: Đề nghị chính phủ phải thành lập ngay đoàn thanh tra đặc biệt, kiểm toán đặc biệt, điều tra đặc biệt đối với toàn bộ hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của EVN trong mười năm gần đây, đặc biệt là việc thường xuyên báo lỗ. Tôi không hiểu tại sao bao nhiêu năm qua EVN vẫn không cân đối được nguồn điện để cứ vào thời kỳ cao điểm là thiếu điện, rồi cắt điện, không phát điện, trong khi lại phải nhập khẩu điện và giá điện liên tục tăng. Nguyễn Tú Minh đã dẫn lại ý kiến này và bổ sung thêm: Đang có hàng ngàn tỷ đồng của doanh nghiệp và người dân đầu tư điện áp mái, điện gió nhưng làm xong bị “chết đứng” không lên lưới được trong khi ngành điện kêu thiếu điện, nhập khẩu điện và tăng giá, làm doanh nghiệp và người dân khốn khổ (12). Cần nhớ, sự trái khoáy mà ông Lê Thanh Vân và Nguyễn Tú Minh vạch ra không có gì mới. Đó là thực tế tồn tại giữa thanh thiên, bạch nhật trong nhiều năm và nhiều người thuộc nhiều giới đã đề cập nhiều lần nhưng cuối cùng vẫn chẳng đến đâu.
Có thể vì không thể lờ đi được nữa nên mới đây, chính phủ Cộng hòa XHCN Việt Nam đã... ủy quyền cho... Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực thuộc Bộ Công Thương, ngỏ lời như thế này: Với bất kỳ lý do gì thì việc để thiếu điện cung ứng cho phát triển kinh tế - xã hội là trách nhiệm không thể biện minh của cơ quan quản lý nhà nước, của ngành điện. Thay mặt cơ quan quản lý nhà nước cũng như ngành điện, chúng tôi gửi lời xin lỗi tới nhân dân, doanh nghiệp (13). Vậy là xong? Vậy là huề?.. Một facebooker tên là Thái Hạo kể rằng: Tôi vừa nhắn tin hỏi một người bạn đang sống ở Trung Quốc rằng bên đó mùa nắng này có bị cắt điện giống Việt Nam không, hắn trả lời: ‘Bên đây bão còn chả cắt chớ bình thường làm răng mà hấn cắt’. Thái Hạo thắc mắc: Cùng thể chế chính trị, và có tới 1.5 tỉ dân là ‘công xưởng của thế giới’, tức phải tiêu thụ lượng điện khổng lồ, thế mà họ vẫn làm ra đủ điện để cung cấp cho dân sinh và sản xuất, đảm bảo an ninh năng lượng, đến mức ‘bão cũng không cắt điện’, thậm chí còn bán sang cho cả Việt Nam, chính phủ Việt Nam nghĩ gì (14)? Tuy nhiên đó không phải... “vấn đề”. Tại sao phải nghĩ cũng như tại sao dân chúng không muốn cũng phải cắn răng cho xong và chịu... huề?
Không muốn xong, không chịu huề thì làm gì được quốc hội, nhà nước, chính phủ, thậm chí cấp thấp hơn là Bộ Công Thương? Khi chỉ đảng CSVN mới có quyền tác động đến quốc hội, đến nhà nước, đến chính phủ thì đảng CSVN chưa muốn ai ở xứ này có thể làm gì khác. Ai nắm giữ quy hoạch nhân sự, ai lựa chọn – sắp đặt cho các cá nhân đảm nhận chức vụ kia, vai trò nọ trong quốc hội, nhà nước, chính phủ? Trước sự hỗn loạn do thiếu điện là sự hỗn loạn do thiếu xăng dầu, cả hai đều thuộc phạm vi trách nhiệm của Bộ Công Thương, bộ này do ai điều hành? Do một ông cả đời làm... công tác đoàn, công tác đảng điều hành theo... sự phân công của đảng, thành ra dù điều hành hoạt động của Bộ Công Thương không trơn tru, thiếu hiệu quả như đã và đang thấy nhưng ngay cả xin lỗi ông Nguyễn Hồng Diên cũng chẳng thèm làm. Giống như tất cả các viên chức khác, Bộ trưởng Công Thương chỉ lo đảng không tín nhiệm chứ không sợ dân bất bình, phẫn nộ. Đó chính là mặt trái của... “quy hoạch nhân sự” xưa giờ vẫn được quảng bá là “đúng đắn” mà nhiều người Việt dù không tin, không thích nhưng vẫn không muốn nói gì, làm gì vì cho là chẳng liên quan gì đến mình.
Chú thích
(1) https://www.facebook.com/groups/2426060594206398/posts/3237691046376678/
(2) https://www.facebook.com/groups/OFFB.VN/posts/6619870511414110/
(3) https://www.facebook.com/groups/OFFB.VN/posts/6607400209327807/
(4) https://www.facebook.com/100035624261939/videos/1650118755506122/?idorvanity=184730418261517
(9) https://www.facebook.com/groups/OFFB.VN/posts/6619642918103536/
(12) https://www.facebook.com/groups/147530675937422/posts/1228029641220848/
Diễn đàn