Campuchia là một trong những nước có tỉ lệ người mắc bệnh tâm thần cao nhất thế giới, một phần vì những ảnh hưởng của những hành vi tàn ác của chế độ Khmer Đỏ. Nhưng dịch vụ y tế tâm thần ở quốc gia Đông Nam Á này không có được sự tài trợ thoả đáng, và theo nhận định của Tổ chức Y tế Thế giới, bị “lơ là một cách rất nguy hiểm.” Theo tường thuật của thông tín viên Robert Carmichael của đài VOA tại Phnom Penh, tình trạng này chưa có dấu hiệu thay đổi, một phần vì có rất ít sinh viên Campuchia muốn trở thành bác sĩ tâm lý.
Phòng mạch của khoa tâm thần tại bệnh viện Khmer-Liên Sô do nhà nước điều hành ở Phnom Penh là một trong những nơi có nhiều người tới khám bệnh tâm lý nhất ở Campuchia.
Giám đốc khoa, Bác sĩ Yem Sobotra, cho biết cách nay 15 năm phòng mạch này tiếp từ 70 đến 150 bệnh nhân mỗi ngày, nhưng con số bình quân hiện nay là 400 người mỗi ngày.
Có rất ít dịch vụ y tế tâm thần ở vùng nông thôn, nơi sinh sống của của hầu hết dân chúng Campuchia, cho nên bệnh nhân phải tới chữa trị tại các trung tâm ở Phnom Penh.
Tuy nhiên, vì chỉ có 10 bác sĩ tâm lý và khoảng 10 y tá, các bệnh nhân chỉ được khám bệnh trong vòng vài phút trước khi ra về với một lọ thuốc.
Bác sĩ Sobotra cho biết phòng mạch của ông có thể làm được nhiều hơn nếu có đủ các nguốn lực.
"Do đó chúng tôi không có nhiều thời giờ để cung cấp các dịch vụ cho họ, nhất là dịch vụ trị liệu tâm lý. Chúng tôi chỉ tư vấn trong một thời gian ngắn, trị liệu tâm lý ngắn hạn cho bệnh nhân. Tôi nghĩ rằng chúng tôi không có đủ dịch vụ, không có đủ nhân lực."
Những sự khó khăn không chỉ dừng lại ở đó. Campuchia thiếu những loại thuốc cao cấp được sử dụng tại các nước láng giềng như Thái Lan và Việt Nam. Đây là một vấn đề đặc biệt khó khăn đối với các bác sĩ khi khi họ kê toa cho những bệnh nhân mắc bệnh tâm thần trong lúc có những vấn đề về tim mạch.
Quốc gia này cần có thêm basc tâm lý, nhưng có rất ít người trẻ muốn theo học ngành này.
Hiện nay trên cả nước chỉ có 6 sinh viên theo học chương trình 3 năm. Các chuyên gia cho rằng nguyên do của tình trạng này là lương thấp và những khó khăn khi theo học chuyên khoa tâm lý.
TPO-Cambodia là một tổ chức bất vụ lợi, chuyên giúp đỡ những người mắc bệnh tâm thần.
Người đứng đầu TPO, Bác sĩ Chhin Sotheara, cho biết nước ông có nhiều nhu cầu, có ít nguồn lực, nhất là ở vùng nông thôn, và một chính phủ không làm gì nhiều để giải quyết vấn đề.
Ông cho rằng nên thực hiện một chương trình truyền bá kỹ năng.
"Chúng tôi không có ai ghi danh theo học chương trình đào tạo bác sĩ tâm lý, cho nên điều đó sẽ không xảy ra. Vì vậy tôi nghĩ rằng nên truyền thụ các kỹ năng từ các chuyên gia tâm lý học cho các bác sĩ tổng quát, từ bác sĩ tổng quát cho y tá, cho các nhóm hỗ trợ y tế ở xã thôn, cho những thầy thuốc cổ truyền, cho các nhà sư, và đó sẽ là một việc rất tốt."
Tại Cục Sức khoẻ Tâm thần mới được thành lập, Phó Cục trưởng Muny Sothara cho biết tình hình đã được cải thiện trong vài năm gần đây, nhưng vị bác sĩ này cũng thừa nhận là cần phải làm nhiều hơn nữa.
"Trong thời gian tới đây chúng tôi cần cải thiện phẩm chất của đội ngũ nhân viên đã được đào tạo. Ngoài ra, chúng tôi cũng cần huy động thêm các vị bác sĩ tổng quát và các ý tá để có thể điều hành thêm các đơn vị sức khoẻ tâm thần ở những nơi khác."
Tuy đã được hỏi nhiều lần, các giới chức chính phủ đã không thể cho đài VOA biết có bao nhiêu bác sĩ và y tá đã tham gia các chương trình huấn luyện về kiến thức cơ bản về sức khoẻ tâm thần.
Vì ngân sách dành cho dịch vụ y tế tâm thần rất hạn hẹp, có lẽ chỉ ở khoảng 1 triệu đô la mỗi năm, nên có phần chắc là những người cần tới các dịch vụ này sẽ không nhận thấy những sự cải thiện đáng kể trong tương lai gần.