Đường dẫn truy cập

Dự án 'Cá ở Đồng' cho người nghèo Campuchia đạt thành quả tốt


Công nhân Campuchia mua thực phẩm giá rẻ cho bữa trưa phía trước nhà máy ở trung tâm thành phố Phnom Penh.
Công nhân Campuchia mua thực phẩm giá rẻ cho bữa trưa phía trước nhà máy ở trung tâm thành phố Phnom Penh.

Tuy Campuchia trồng đủ lúa gạo để đáp ứng nhu cầu của người dân, hàng triệu người ở nước này không có đủ các chất vi dinh dưỡng trong những bữa ăn, tạo ra những hậu quả tai hại trong dài hạn. Theo tường thuật của thông tín viên Robert Carmichael của đài VOA tại Phnom Penh, một dự án thí điểm do Canada tài trợ ở tỉnh Prey Veng với kinh phí 3 triệu đô la để cải thiện dinh dưỡng cho người nghèo ở vùng quê đã có thành quả tốt và các giới chức đang xem xét tới việc nhân rộng dự án này.

Suy dinh dưỡng tiếp tục là một vấn đề nghiêm trọng ở Campuchia. Các số liệu do Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc công bố trong năm nay cho thấy cứ ba em bé dưới 5 tuổi thì có một em bị còi cọc vì suy dinh dưỡng.

Giáo sư Tim Green, một chuyên gia về dinh dưỡng học của Đại học British Columbia ở Canada, cho biết tuy Campuchia được xem là một nước mà “an ninh lương thực được bảo đảm”, vẫn có nhiều người có những vấn đề về ăn uống.

"Điều này thật sự có nghĩa là họ có đủ gạo để ăn. Có đủ lượng calori cho dân chúng. Nhưng họ vẫn thiếu rất nhiều chất vi dinh dưỡng, những chất vô cùng cần thiết."

Sự thiếu thốn vi dinh dưỡng, các loại vitamine và chất khoáng, ảnh hưởng tới sự phát triển thể chất và trí óc, và có thể tạo ra những vấn đề kéo dài cả đời.

Sự thiếu thốn này thường được gọi là “nạn đói tiềm ẩn” và là một vấn đề nghiêm trọng đối với trẻ em và phụ nữ. Chẳng hạn như việc thiếu vitamin B1, mà cuộc nghiên cứu của ông Green cho thấy là khá phổ biến, có thể làm cho trẻ sơ sinh thiệt mạng trong vòng chưa đầy một ngày sau khi các triệu chứng bắt đầu xuất hiện. Mặc dầu vậy, đây là một vấn đề có thể giải quyết một cách rất dễ dàng, chẳng hạn như cho vitamin B1 vào nước mắm, một việc mà nhóm của ông Green đã làm.

Giáo sư Green cho biết khi các chuyên gia đánh giá vấn đề lương thực, một khía cạnh mà họ xem xét là sự đa dạng của chế độ ẩm thực của người dân. Thông thường thì các loại thịt, cơm và rau mà người dân ăn càng đa dạng chừng nào thì càng tốt chừng đó. Nhưng điều đó không đúng ở Campuchia, tuy chế độ ăn uống ở đây khá đa dạng.

"Bởi vì những gì mà chúng tôi phát giác là dân chúng chỉ ăn một số lượng thực phẩm rất nhỏ. Do đó, họ có thể cho biết là họ ăn thịt heo mỗi ngày, nhưng có thể họ chỉ ăn 5 hoặc 10 gram mà thôi. Vì vậy chúng tôi đã tới nơi và thực hiện những cuộc đánh giá cặn kẽ hơn và chúng tôi nhận thấy thức ăn mà họ ăn tuy đa dạng nhưng số lượng rất thấp."

Toán nhân viên của giáo sư Green thẩm định dự án thí điểm do Canada tài trợ trong tỉnh Prey Veng ở miền đông nam Campuchia. Mục tiêu là cải thiện dinh dưỡng cho 900 gia đình nghèo qua việc đa dạng hoá nguồn thực phẩm.

Dự án “Cá ở Đồng” giúp 300 gia đình lập vườn rau, 300 gia đình khác vừa có vườn rau vừa có ao nuôi cá. 300 gia đình còn lại thuộc nhóm dùng để đối chiếu và không nhận được trợ giúp.

3 năm sau đó, tình trạng của những gia đình có cả vườn rau lẫn ao cá đã khá hơn đáng kể so với những gia đình chỉ có vườn rau. Và cả hai nhóm này đều khá hơn 300 gia đình thuộc nhóm dùng để đối chiếu.

"Chúng tôi nhận thấy có sự gia tăng thu nhập, và thu nhập đó được kiểm soát bởi những người phụ nữ và chủ yếu là được dùng để mua thức ăn và cho con cái đi học. Chúng tôi nhận thấy có sự cải thiện trong những tiêu chí khác về dinh dưỡng."

Những bài học của dự án này đang được dùng để thực hiện một chương trình qui mô lớn hơn vào tuần sau để giúp 4.500 gia đình nghèo tại 4 tỉnh.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG