Tự do dân chủ không phải một chủ nghĩa mà chỉ là những phương cách tổ chức cuộc sống thực tế. Dân chủ chỉ bao gồm những “luật chơi,” không khác các luật đá banh. Nếu tất cả mọi người giữ tinh thần “trọng pháp,” như các cầu thủ theo đúng “luật chơi,” thì xã hội có thể sống hài hòa với nhau.
Một luật chơi dân chủ là dân có quyền bỏ phiếu và mỗi lá phiếu đều có giá trị như nhau. Nhưng có nhiều phương cách bỏ phiếu khác nhau, có thể ảnh hưởng đến kết quả; có thể khiến không giữ được quy tắc “mỗi lá phiếu giá trị bằng nhau” nữa!
Cuộc bỏ phiếu tại nước Anh vừa qua là một thí dụ cụ thể. Đảng Lao Động (Labour) sẽ lập chính phủ, nắm quyền hành pháp, vì họ chiếm đa số trong Nghị viện (Parliament). Đảng Lao Động thắng với 404 ghế, bằng 63 phần trăm số đại biểu. Nhưng họ chỉ đoạt được 34%, hơn một phần ba tổng số phiếu của cử tri toàn quốc. Tức là một phần ba dân Anh sẽ cai trị hai phần ba số còn lại! Trong nghị viện, 650 người đắc cử chỉ chiếm được 42% số phiếu của dân; 58% số cử tri còn lại không có đại diện vì những người được họ chọn đã thất cử.
So sánh kết quả bầu cử của đảng Tự Do Dân Chủ (Lib Dems) và đảng Cải Cách (Reform UK) thấy lạ lùng nhất. Đảng Reform được 4.1 triệu dân trên toàn quốc tín nhiệm, gần 600 ngàn lá phiếu nhiều hơn đảng Lib Dems. Nhưng đảng Lib Dems đã chiếm được 72 ghế đại biểu, đảng Reform chỉ có năm ghế!
Tại sao kết quả kỳ lạ như vậy? Vì một quy tắc được áp dụng trong hầu hết các cuộc bỏ phiếu trên thế giới, là “Nhiều phiếu nhất thì thắng.” Giản dị nhất, nếu chỉ có hai ứng cử viên thì người được trên 50% số phiếu sẽ đắc cử. Khi có nhiều ứng cử viên, không ai chiếm được trên một nửa, thì người được nhiều phiếu nhất được coi là thắng. Quy tắc này, tiếng Anh gọi là “First-Past-The-Post,” ở Mỹ gọi là “Winner-Takes-All.”
Chắc ai cũng đồng ý rằng người được nhiều phiếu nhất thì phải thắng. Điếu này là tự nhiên, hợp lý và công bằng. Đó là một “luật chơi dân chủ,” giống như luật đá banh, ai đá lọt vô lưới thì “làm bàn.” Đảng nào sử dụng được các quy luật với hiệu quả cao nhất thì sẽ thắng.
Cuộc bầu cử quốc hội Pháp vừa qua là một thí dụ khác. Trong lần bỏ phiếu đầu, đảng cực hữu Tập Hợp Quốc Gia (Rassemblement National, RN) của bà Marine Le Pen bất ngờ chiếm được nhiều ghế, đến nỗi báo Le Parisien phải đặt câu hỏi “Làm cái gì bây giờ?” Các ứng cử viên đảng RN được nhiều phiếu nhất vì các đảng khác chia nhau số phiếu còn lại. Trong vòng bỏ phiếu thứ nhì, tập hợp các đảng của Tổng thống Emmanuel Macron và tập hợp cánh tả của ông Jean-Luc Mélenchon đã phải bàn cách thỏa hiệp. Vì quy tắc “Nhiều phiếu nhất thì thắng,” họ đồng ý phải giảm bớt số người ra tranh cử để khỏi giành phiếu lẫn nhau. Ứng cử viên bên nào yếu hơn trong vòng đầu sẽ rút lui, nhường phiếu cho bên kia; cuộc trao đổi thực hiện trong 200 đơn vị. Kết quả là đảng của ông Mélenchon, LFI (La France Insoumise - Nước Pháp Bất Khuất) chiếm được nhiều ghế nhất. Tập hợp các đảng của Tổng thống Macron, Ensemble, đứng hạng nhì; còn Rassemblement National phải chịu về hạng ba, không hy vọng thành lập chính phủ mới như họ nghĩ trước đó.
Trong cuộc bỏ phiếu vừa qua ở Anh Quốc, đảng Tự Do Dân Chủ (Lib Dems) đã thay đổi chiến lược cũng vì quy tắc “First-Past-The-Post.” Thay vì trải rộng tài nguyên trên cả nước, họ dồn sức vào một số đơn vị thấy có hy vọng chiếm chiếm nhiều phiếu nhất. Họ chọn các đơn vị “nhà giàu,” những gia đình sống trong những ngôi già giá hàng triệu đô la. Các cử tri này thường ủng hộ đảng Bảo Thủ (Conservative, quen gọi là Tory), năm nay đang bị mất tín nhiệm. Lib Dems vốn đã thu hút được các cử tri loại này, họ thắng tại 5 trong số 10 khu vực giàu nhất nước, theo công ty Automatic Knowledge, chuyên nghiên cứu dữ kiện. Chiến lược “tập trung và tấn công” các vào thành trì Tory kiên cố đạt kết quả. Báo Economist cho biết đảng Lib Dems chiếm thêm được 61 ghế từ đảng Bảo Thủ. Năm 2019, họ phân tán lực lượng, được 3.7 triệu lá phiếu nhưng chỉ có 11 người đắc cử. Năm nay, mặc dù tổng số phiếu xuống chỉ còn 3.5 triệu, họ nâng lên thành 72 ghế.
Bầu cử ở Mỹ cũng theo quy tắc “winner-takes-all,” ai nhiều phiếu nhất thì đắc cử. Nhưng dân Mỹ không trực tiếp bầu tổng thống mà chỉ tuyển các “đại cử tri” (electors) gửi đi bỏ phiếu chọn tổng thống. Các “đại cử tri” họp thành Cử Tri Đoàn (Electoral College); họ có bổn phận bỏ phiếu cho ứng cử viên nào đã được đa số dân mỗi tiểu bang chọn. Tối cao Pháp viện Mỹ năm nay đã phán rằng các “đại cử tri” không có quyền “bỏ phiếu đại” theo ý mình.
Con số đại cử tri được ấn định với một công thức đặc biệt. Mỗi tiểu bang được quyền cử ra một số đại cử tri lớn bằng số dân biểu (Hạ viện) cộng với số nghị sĩ (Thượng viện). Số dân biểu nhiều hay ít tùy theo dân số cao hay thấp. Nhưng mỗi tiểu bang, dù lớn hay nhỏ, đều có hai nghị sĩ như nhau. Quy định này giúp cho các tiểu bang thưa dân được lợi. California có 53 dân biểu nên có 55 đại cử tri; Vermont và Delaware ít dân quá, chỉ có một dân biểu, nhưng mỗi tiểu bang đều có 2 nghị sĩ nên được đưa ra ba đại cử tri. Trong mỗi cuộc bầu cử tổng thống, ai được nhiều phiếu đại cử tri nhất thì thắng. Một hệ quả là có khi vị tổng thống chiếm được đa số phiếu đại cử tri mà nếu tính tổng số phiếu của người dân thì lại ít hơn.
Năm 1876 đã xảy ra chuyện này: Tổng thống Rutherford B. Hayes được tuyên bố thắng cử mặc dù thua ông Samuel Tilden 254,000 lá phiếu trên toàn quốc. Gần đây, năm 2000, Tổng thống George W. Bush được 271 phiếu đại cử tri; phó tổng thống Al Gore chỉ có 266; nhưng trên toàn quốc ông Gore chiếm 500,000 lá phiếu do dân bầu nhiều hơn ông Bush. Năm 2016, Tổng thống Donald Trump đắc cử với 304 phiếu đại cử tri, Ngoại trưởng Hillary Clinton chỉ có 227. Hillary Clinton mất tất cả 46 phiếu Cử Tri Đoàn của Michigan, Wisconsin, Pennsylvania. Bà chỉ thua ông Trump gần 80,000 phiếu ở ba tiểu bang đó, trong khi được nhiều hơn ông Trump 2.8 triệu phiếu dân bầu trong cả nước.
Tại sao hiến pháp Mỹ không ấn định cho dân trực tiếp bầu tổng thống? Vì khi thành lập vào cuối thế kỷ 18 đường xá giao thông còn trắc trở, khó tổ chức bỏ phiếu trên toàn quốc. Để cho mỗi tiểu bang bầu riêng, rồi sau một hai tháng đại biểu của họ họp thành Cử Tri Đoàn bỏ phiếu, có vẻ tiện hơn. Thứ hai, lúc đó luật lệ mỗi tiểu bang cũng khác nhau, có nơi ai cũng có quyền bỏ phiếu, nơi khác lại đặt thêm điều kiện, thí dụ, phải là người da trắng hoặc phải có tài sản.
Ngay từ đầu, khi phương pháp bầu theo Cử Tri Đoàn được ghi vào hiến pháp, đã có người phản đối. Điều gây rắc rối nhất là quy tắc “ai thắng ở đâu được tất cả các phiếu Cử Tri Đoàn ở đó” (winner-takes-all) có thể đưa tới những hệ quả phi lý (hiện 48 tiểu bang, kể cả DC, áp dụng phương pháp này). Thí dụ, ứng cử viên A hơn ứng cử viên B tại Califronia, dù chỉ có 3,000 phiếu, thì vẫn được hưởng 55 phiếu đại cử tri của tiểu bang này. Trong khi đó ông B lại thắng bà A ở 10 tiểu bang nhỏ khác là Maine, Vermont, West Virginia, Mississippi, Montana, Arkansas, South Dakota, Kentucky, Alabama và North Dakota. Tại mỗi nơi này ông B hơn bà A 1,000 phiếu, tổng cộng 10,000 phiếu. Đến khi tính phiếu Cử Tri Đoàn, thì mười tiểu bang nhỏ cộng lại chỉ có 50 đại cử tri. Thế là bà A đắc cử vì hơn ông B 5 phiếu đại cử tri, dù thua ông B tới 7,000 phiếu của dân. Một “quốc phụ” nước Mỹ là ông Madison đã yêu cầu xóa bỏ điều luật “winner-takes-all” này; nhưng tới nay vẫn chưa ai làm được. Sửa đổi bản hiến pháp nước Mỹ rất khó!
Cuối cùng, các nhà chính trị và dân chúng Mỹ, Anh hay Pháp phải chấp nhận các hệ quả của quy tắc “winner-takes-all,” được ăn cả, ngã về không. Vì đó là một luật chơi ai cũng đồng ý trước khi giao đấu!
Diễn đàn