Bệnh dịch Covid-19 khiến cả thế giới thấy mối rủi ro khi các hải cảng bên Trung Quốc đóng cửa, giao thông đứt đoạn, nhiều món hàng không thể giao tới bến. Nhiều xí nghiệp ở Mỹ và Âu châu phải tạm ngưng sản xuất vì thiếu những phụ tùng rẻ tiền mà ở đó không ai muốn chế tạo. Nhà thương thiếu bông, băng, kim chỉ, găng tay bằng plastic, những thứ lặt vặt nhưng không ai sản xuất nữa. Các nước đều thấy cần đề phòng, không để chuyện đó tái diễn trong tương lai.
Hội nghị của bảy quốc gia kinh tế hàng đầu mới công bố một chính sách chung. Khối G-7 họp ở Hiroshima hồi đầu tháng Năm, đồng ý phải giảm bớt mối rủi ro khi tùy thuộc vào hệ thống cung cấp từ Trung Quốc, mặc dù không cắt đứt các quan hệ thương mại. Dùng tiếng Anh, người ta nói sẽ “de-risking,” không “decoupling.”
Chữ “Decoupling” có thể dịch là “đoạn giao,” cắt đứt quan hệ. “De-risking” là “giảm bớt rủi ro.” Người đầu tiên dùng chữ “De-risking” là bà Ursula von der Leyen, chủ tịch Ủy hội Âu châu, khi bay sang Trung Quốc cùng với ông Emmanuel Macron, tổng thống Pháp, ngày 30 tháng Ba vừa qua.
Sau đó, giới ngoại giao Đức, Pháp đã lập lại chữ “de-risking” vì thấy tiện. Ông Jake Sullivan, cố vấn an ninh Tòa Bạch Ốc cũng nhắc đến trong một bài diễn văn nói về bang giao với Trung Cộng, “Chúng tôi de-risking, chứ không “decoupling.” Ông giải thích, ngày 27 tháng Tư, “Trên cơ bản, de-risking nghĩa là chúng ta duy trì những đường dây cung cấp lâu dài mà không để một nước nào bắt ép được mình (về thương mại).” Ngoại trưởng Ấn Độ ông S. Jaishankar áp dụng khái niệm đó rộng rãi hơn, ngày 17 tháng Năm mới nói: “Điều quan trọng là “de-risk nền kinh tế thế giới nhưng vẫn bảo đảm sự phát triển theo đúng tinh thần trách nhiệm giữa các quốc gia.”
Tất nhiên, Cộng sản Trung Quốc không thích nghe từ ngữ mới mẻ “de-risking.” Tạp chí Hoàn Cầu Thời Báo (Global Times) bản tiếng Anh, viết một bài xã luận chỉ trích: “Chữ ‘de-risking’ cũng chỉ là một cách nói văn hoa thay cho chữ ‘decoupling’ mà thôi.” Và, Washington không bao giờ thoát khỏi “mối ám ảnh bảo vệ địa vị bá chủ hoàn cầu.”
Bắc Kinh không chịu thừa nhận rằng mua bán với cũng như đầu tư ở Trung Quốc chứa rất nhiều thứ rủi ro. Tình trạng bất trắc không những diễn ra vì thiên tai, bệnh dịch, nhưng còn vì chính sách của họ có thể thay đổi bất ngờ. Trong một xã hội tự do dân chủ thì mọi người công khai thảo luận về các đường lối kinh tế, xã hội; ai cũng có thể đoán trước được đại cương quyết định sau cùng sẽ ra sao. Một nhà nước độc tài thì khác, họ có thể bỗng dưng ban hành một lệnh cấm gắt gao, sau đó lại xóa bỏ dễ dàng, không cần giải thích. Chính sách đối phó với Covid-19 của Cộng sản Trung Quốc là một thí dụ gần nhất. Cách đối xử của Bắc Kinh với các công ty kỹ thuật cao trong nước cũng vậy; khi thì khuyến khích, nâng đỡ, đến lúc lại thắt chặt, đe dọa. Đường lối ngoại giao của Trung Cộng cũng là một mối rủi ro, vì họ đã sử dụng nhiều lần cái “bẫy nợ,” cho các nước khác vay một cách dễ dàng rồi trở đòn “xiết nợ” một cách tàn nhẫn.
Bắc Kinh không tin vào Ursula von der Leyen, dù bà đã giải thích: “Bang giao quốc tế không phải là lựa chọn hoặc trắng, hoặc đen; chính sách của chúng ta cũng vậy. Đó là lý do tại sao chúng tôi chú trọng đến việc giảm bớt rủi ro mà không cắt đứt quan hệ với Trung Quốc (de-risk, not decouple).” Giảm bớt rủi ro tức là không để cho mình bị lệ thuộc vào nguồn cung cấp hàng hóa từ Trung Quốc.
Bà von der Leyen còn minh xác: “Theo tôi nghĩ, đoạn giao với Trung Quốc là điều khó thực hiện, mà cũng không đúng với quyền lợi của châu Âu.”
Giáo sư Giuliano Noci, phó viện trưởng Đại học Bách Khoa (Politecnico) ở Milano, nước Ý, nói với Đài CNBC: “Với địa vị của thị trường Trung Quốc tiêu thụ rất nhiều hàng hóa, với mức độ liên hệ quấn quít trong hệ thống cung cấp toàn cầu, ai cũng thấy không thể đoạn tuyệt kinh tế với họ.” Ông nói thêm, “Cô lập hóa Trung Quốc là điều khó làm, mà còn nguy hiểm nữa… Chúng ta không còn sống trong một thế giới với nước Mỹ là siêu cường duy nhất mà đã bước vào một thế giới lưỡng cực, hay đa cực.”
Trong thực tế, Trung Quốc là khách hàng lớn nhất mua bán với Liên hiệp Âu châu, hơn tất cả các nước khác! Họ cũng là nước mua bán nhiều nhất với Nhật Bản, Nga, Nam Hàn, Việt Nam và Đài Loan; cũng như các nước xa hơn như Ukraine, Nam Phi, Kenya, Brazil và Saudi Arabia.
Đoạn tuyệt kinh tế với Trung Quốc rất khó. Năm 2018, chính phủ Mỹ đã tìm cách giảm bớt số khiếm hụt mậu dịch, ngăn chặn ảnh hưởng Trung Quốc, đánh thuế quan trên hàng ngàn món hàng nhập cảng. Nhưng hậu quả là các xí nghiệp Trung Cộng đưa máy móc qua sản xuất ở các nước khác với lương công nhân rẻ hơn, nước Mỹ lại nhập cảng từ các nước đó. Cán cân thương mại của Mỹ vẫn khiếm hụt nặng hơn, Trung Cộng còn thặng dư hơn trước. Chính phủ Joe Biden vẫn tiếp tục chính sách cũ, còn cấm bán nhiều món hàng kỹ thuật cao cấp, như các con chíp cực nhỏ cũng như khí cụ dùng để làm chíp, rồi trợ cấp để khuyến khích chế tạo các thứ chip rẻ tiền ở trong nước để khỏi cần mua bên Trung Quốc. Nhưng trong năm 2022, giao dịch giữa hai nước vẫn tăng lên, đạt một kỷ lục mới. Mỹ mua hàng hóa của Trung Quốc nhiều hơn, vẫn khiếm hụt $383 tỷ.
Australia cũng cho thấy Trung Cộng muốn đoạn tuyệt kinh tế nhưng thất bại. Kinh tế hai nước bổ túc cho nhau: Úc giàu tài nguyên, quặng mỏ; Trung Quốc thì cần nhập cảng tất cả các thứ đó.
Tháng Ba, 2023, Úc bán hàng nhiều hơn 28% so với tháng trước, và tăng 31% so với một năm qua, theo Sở Thống Kê, Australian Bureau of Statistics.
Tuần báo Economist ngày 23 tháng 5, 2023, kể chuyện nước Úc đã bị Trung Cộng cưỡng ép bằng những đòn kinh tế nhiều lần, nhưng đã chống lại và thành công. Hai phần ba (32.2 phần trăm) nền ngoại thương Australia là trao đổi với Trung Quốc. Năm 2020, Cộng sản Trung Quốc bất bình vì chính phủ Úc yêu cầu thế giới điều tra nguồn gốc Covid-19 ở Vũ Hán. Họ tính chuyện “trừng phạt” Úc bằng cách ngưng nhập cảng đủ thứ, từ than đá, gỗ, rượu vang, tôm càng lobsters, đến lúa mì barley. Trong thời gian Covid, mặc dù số xuất cảng của Úc bị giảm sút 5.5%, mất $24 tỷ đô la Australia ($16 tỷ đô la Mỹ) nhưng đối với Trung Quốc vẫn tăng 6.3%. Nước Úc không bị khuất phục.
Sau ba năm Trung Cộng phải chịu thua; năm ngoái thặng dư mậu dịch lên tới mức kỷ lục, bằng 7% Tổng Sản Lượng Nội Địa. Trong ba tháng đầu năm nay các công ty Trung Quốc đã mua than đá trị giá $1.2 tỷ đô la Úc; rồi mua đến bông gòn và đồng. Thuế quan đánh trên lúa mì cũng được xét lại vì Canberra kiện ra Tổ chức Mậu dịch Thế giới, WTO. Ngày 18 tháng 5 vừa qua, Bắc Kinh bãi bỏ lệnh cấm mua gỗ của Úc.
Nhưng Úc cũng không thể đoạn tuyệt kinh tế với Trung Quốc, vì hợp tác bao giờ cũng có lợi. Thí dụ, nước Úc làm chủ 53 phần trăm số quặng lithium trên thế giới. Trung Quốc có hàng trăm nhà máy chế hóa quặng lithium và họ nhiều kinh nghiệm nhất, chi phí lao động rẻ nhất. Lithium là nguyên liệu tối cần thiết để làm “pin điện.” Hầu như tất cả đá quặng lithium được gửi từ Úc sang Trung Quốc. Những công ten nơ chở “bột đá quặng” màu xanh rêu được đưa sang Trung Quốc chế hóa, vứt bỏ 94%, chỉ giữ lại 6% thành chất lithium dùng làm pin trong đủ thứ, máy xe hơi chạy điện hay điện thoại cầm tay.
Chính phủ Úc đang tìm cách “giảm bớt tủi ro,” de-risking, không muốn lệ thuộc vào các nhà máy chế hóa lithium ở Trung Quốc. Họ có thể lập cơ xưởng ở Úc, dự trù đến năm 2027 sẽ biến chế trong nước một số lithium lớn, bằng 20% số lượng dùng trên cả thế giới – so với hiện nay chỉ có 1%. Một trở ngại là chi phí. Lập một nhà máy “lithium hydroxide” ở Úc sẽ tốn tiền gấp hơn hai lần so với ở Trung Quốc, theo tính toán của Ngân hàng UBS. Các công ty Úc cũng có thể mở nhà máy ở Mỹ, vì đạo luật mới của chính phủ Biden trợ cấp cho các công ty năng lượng sạch.
Những nỗ lực trên nằm trong chính sách “de-risking,” giảm bớt rủi ro trên nguồn cung cấp một thứ nguyên liệu tối cần thiết trong thế kỷ 21. Thế giới không thể để yên cho một quốc gia, như Trung Quốc, kiểm soát hầu hết việc chế biến những thứ quặng mỏ quan trọng. Nhóm G-7 đã công bố chủ trương này, chắc các quốc gia khác cũng sẽ làm theo.
Diễn đàn