Trong khi Tổng thống Mỹ Joe Biden bay qua Hiroshima, Nhật Bản, dự hội nghị G7 bàn hỗ trợ Ukraine và đối phó với Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình cũng họp giới lãnh đạo 5 nước vùng Trung Á.
Địa điểm cuộc họp ở thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây, rất có ý nghĩa. Đó là kinh đô Trường An từ đời Hán, đời Đường. Trong hơn một ngàn năm những vị tướng Trung Hoa như Phó Giới Tử, Mã Viện, Địch Nhân Kiệt từng kéo quân chinh phạt những dân tộc gốc Thổ Nhĩ Kỳ này nhiều lần. Tập Cận Bình hứa hẹn bảo đảm an ninh và viện trợ tài chánh cho các nước thuộc Liên Xô cũ, bây giờ mang tên là Kyrgyzstan, Tajikistan, Kazakhstan, Turkmenistan và Uzbekistan. Các nước này cùng chung mối lo sẽ bị Vladimir Putin xâm lăng, giống như số phận Ukraine hiện nay.
Chính tại Kazakhstan, Tập Cận Bình đã công bố Kế hoạch “Nhất Đới, Nhất Lộ” (Một vòng đai, một con đường) tái lập Con Đường Tơ Lụa cũ, dự định đầu tư $400 tỷ mỹ kim vào 160 quốc gia, vượt xa ngân sách $130 tỷ của Kế hoạch Marshall tái thiết Âu châu sau Đại chiến Thứ hai. Tổng số trao đổi thương mại giữa Trung Quốc và 5 nước trên đã lên mức kỷ lục $70 tỷ đô la trong năm 2022.
Tập Cận Bình tìm cách lôi kéo các nước Trung Á ra khỏi ảnh hưởng của Nga, liên kết chống lại sức thu hút của Mỹ, đồng thời củng cố một khối lớn đang thành hình. Trong hai ngày, các hiệp ước song phương được ký kết, cho phép dân Trung Hoa được nhập cảnh các nước trên không cần visa, thúc đẩy các trao đổi thương mại, đầu tư vào các công nghiệp mới, xây dựng hạ tầng cơ sở.
Nhưng Tập Cận Bình đang phải đối phó với cảnh trì trệ trong nền kinh tế Trung Quốc; không hy vọng trở lại thời phồn thịnh như 30 năm trước đây. Những biện pháp ngăn cấm, hạn chế lưu thông để ngừa bệnh dịch Covid-19 kiến hoạt động của các cơ sở kinh doanh bị đình trệ trong khi người tiêu thụ, rút kinh nghiệm những ngày ngăn sông cấm chợ, chỉ lo tiết kiệm. Tháng 12 năm ngoái, Trung Cộng đã bãi bỏ chính sách Covid khắt khe, chấp nhận cho vi khuẩn lây lan, nhưng phản ứng của người tiêu thụ không như nhà nước mong đợi. Khi dân chúng vẫn chưa dám bỏ tiền ra mua sắm thêm thì các xí nghiệp cũng ngần ngại không muốn đầu tư và tuyển dụng công nhân mới.
Trong tháng Tư 2023, số hàng nhập cảng vào Trung Quốc đã giảm bớt tám phần trăm, vì dân bớt xài tiền. Giá hàng bán từ các công ty liên tiếp phải giảm xuống trong nhiều tháng, tình trạng “giảm phát,” trái với lạm phát, là mối đe dọa trước mắt. Trong tháng qua, giá sinh hoạt tăng với tốc độ thấp nhất kể từ hai năm nay. Số hàng xuất cảng vào tháng Tư chỉ tăng 8.5%, giảm gần một nửa so với tỷ số tăng gần 15% trong tháng Ba.
Một dấu hiệu của tình trạng đầu tư sa sút là các xí nghiệp bớt đi vay tiền. Trong tháng Tư, các ngân hàng chỉ cho vay 719 tỷ đồng nguyên, tương đương với $104 tỷ mỹ kim, thấp hơn một phần năm tổng số cho vay trong tháng trước.
Một lý do khiến kinh tế Trung Quốc không phục hồi nhanh được là lựa chọn kinh tế mới của Tập Cận Bình. Bắc Kinh không chú trọng vào các công ty quốc doanh kỹ nghệ nặng nữa mà chuyển qua chính sách thúc đẩy hàng tiêu thụ, khuyến khích các ngành kỹ thuật mới và dịch vụ. Theo thuật ngữ của đảng Cộng sản, họ sẽ không chú trọng phát triển về số lượng mà lo phát triển về phẩm chất. Thay vì cố gắng vượt chỉ tiêu trong việc sản xuất thép và xi măng, bây giờ sẽ đề cao các ngành hoạt động hướng đến tương lai như chất bán dẫn (semiconductors), “máy làm thay người” (robotics), trí khôn nhân tạo (artificial intelligence).
Thời kỳ chuyển tiếp này tất nhiên sẽ rất dài. Những doanh nghiệp nhà nước không thể sa thải hàng triệu công nhân trong vài ba năm. Các công ty kỹ thuật mới cũng không thể nhảy vọt, nhất là chính họ còn đang bị guồng máy Đảng và Nhà nước nghi ngờ, kiểm soát và kiềm chế.
Trong thời gian bệnh dịch, Bắc Kinh đã cho phép các ngân hàng do nhà nước làm chủ cho các địa phương vay nợ; nhắm mục đích thúc đẩy kinh tế, nhưng kết quả lại trái ngược. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), các tỉnh, huyện và thành phố, thị xã nợ tổng cộng 66 ngàn tỷ đồng nguyên, tương đương với $10,000 tỷ mỹ kim và bằng một nửa sản lượng quốc gia (GDP). Đến giờ, họ không biết làm sao thanh toán số nợ chất đống này.
Sau 10 năm cầm đầu đảng và chính phủ, Tập Cận Bình đã củng cố quyền hành tuyệt đối và được bảo đảm kéo dài vĩnh viễn, không cho phép ai phê bình, chỉ trích. Những chuyên gia kinh tế, tài chánh trong guồng máy nhà nước đều phải ngậm miệng.
Trong khi chờ đợi, Tập Cận Bình vẫn phải lo một vấn đề rắc rối hơn: Nạn thất nghiệp lên cao trong giới sinh viên mới tốt nghiệp.
Bộ Giáo dục Trung Cộng cho biết tháng Sáu tới sẽ có khoảng 11.6 triệu sinh viên ra trường, tăng 820 ngàn so với năm ngoái, theo báo New York Times ngày 19 tháng 5 năm 2023. Ngay bây giờ, trong lớp tuổi từ 16 đến 24, hơn 20 phần trăm không có việc làm; tỷ số cao nhất từ năm 2018, là năm bắt đầu công bố các số thống kê về thất nghiệp.
Một khó khăn khiến giới trẻ thất nghiệp là những công việc cần người làm lại không thích hợp với khả năng và việc họ muốn làm. Theo nhà kinh tế Nhiếp Nhật Minh (聂日明), thuộc Viện Nghiên cứu Tài chánh và Pháp luật ở Thượng Hải, các sinh viên tốt nghiệp đi tìm việc ở các ngành kỹ thuật, giáo dục và y tế; nhưng những ngành này phát triển rất chậm trong thời gian vừa qua. Nhiều ngành công nghiệp không những không mở mang thêm mà còn bị gây trở ngại, ông Nhiếp nhận xét.
Trong mấy năm qua, các ngành giáo dục tư, đặc biệt là các lớp học trên mạng bị chính quyền ngăn cản và thắt chặt tầm kiểm soát. Hàng trăm ngàn kỹ thuật gia mất việc làm, các công ty dè dặt không tuyển thêm người và giới đầu tư cũng bỏ đi. Trong khi số xí nghiệp kỹ thuật cao không tăng hoạt động thì số sinh viên ra trường vẫn lên cao hơn.
Kinh tế trên thế giới vẫn chưa hồi phục sau bệnh dịch, trừ nước Mỹ. Tình trạng này khiến nhu cầu nhập cảng hàng Trung Quốc vẫn chưa lên bằng trước khi có Covid.
Hy vọng của nền kinh tế Trung Quốc hiện nay là chờ đến khi dân tiêu thụ bắt đầu mở túi lấy tiền xài. Trong thời gian bệnh dịch, người ta không có cơ hội mua hàng, khi hết bệnh họ sẽ tiêu pha nhiều hơn để bù lại, như đã diễn ra ở Mỹ, một lý do khiến lạm phát tăng lên. Dân tiêu thụ Trung Quốc đã tiết kiệm một số tiền lớn hơn $2 ngàn tỷ mỹ kim. Nhưng thói quen tiêu thụ của người dân thay đổi chậm chạp. Nhất là dân Trung Hoa với kinh nghiệm sống trong cảnh tương lai bất trắc, vì chính trị thay đổi khiến xã hội rối loạn. Họ cũng không biết Đảng và Nhà nước sẽ còn can thiệp vào nền kinh tế như thế nào, cho nên phải dè dặt.
Thế giới cũng lo lắng khi nhìn thấy kinh tế Trung Quốc chưa tiến nhanh hơn, vì khi hơn một tỷ người chưa tiêu tiền thì những tỷ người khác cũng không thể bán hàng. Nếu kinh tế Trung Quốc hồi phục, họ sẽ nhập cảng nhiều hơn, các nước khác sẽ được nhờ.
Trong thời gian thế giới bị khủng hoảng tài chánh và kinh tế, những năm 2008 – 2009, Bắc Kinh đã tung tiền ra trợ cấp cho dân tiêu thụ để giữ kinh tế được ổn định. Một hệ quả là kinh tế các nước khác cũng khá hơn khi người Trung Hoa nhập cảng các thứ nguyên liệu, quặng mỏ và khí cụ sản xuất.
Trong 5 năm tới, nếu dân Trung Quốc chịu khó tiêu tiền thì sẽ giúp cho kinh tế thế giới tăng thêm hơn 22%, so với ảnh hưởng chỉ có 11% của hơn ba trăm triệu dân Mỹ!
Khi giới lãnh đạo các nước Mỹ, Anh, Pháp, Ý, Đức, Nhật, Canada họp ở Hiroshima, mời thêm Nam Hàn, Ấn Độ và cả Tổng thống Ukraine tới dự, họ không nhắm mục đích ngăn cản kinh tế Trung Quốc phát triển. Điều làm cả thế giới quan ngại là Trung Cộng dùng các áp lực kinh tế để đạt mục tiêu bành trướng và chế ngự các nước khác.
Điều này đã diễn ra ở các nước vay nợ từ Bắc Kinh, như Pakistan, Sri Lanka, Kenya, Zambia, Lào và Mongolia. Nhiều quốc gia đang lo trả tiền lãi trên các món nợ Trung Quốc nhiều đến nỗi phải cắt bớt các chi phí về giáo dục, y tế, xã hội trong nước mình. Năm nước Trung Á chắc đã biết chuyện này rồi, họ sẽ phải lo phòng thân trước!
Diễn đàn