Hôm 12 tháng 7, nhân danh Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Tòa án Tối cao chính thức xác định cần “cách ly vĩnh viễn” Đặng Văn Hiến với xã hội. Bởi bản án phúc thẩm là chung thẩm – hệ thống tòa án của Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam sẽ không thẩm xét nữa - nên ông Hiến, 47 tuổi, chỉ có thể thoát cảnh bị hệ thống tư pháp hành quyết là xin và được Chủ tịch Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam ân xá.
Có một điểm đáng chú ý là cả hệ thống truyền thông chính thức lẫn dư luận đều không tán thành với quyết định tử hình ông Hiến – người được xác định là thủ phạm chính trong việc tạo ra thảm án vào ngày 23 tháng 10 năm 2016 ở xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông, khiến ba người chết, 13 người bị thương. Thậm chí, các thẩm phán tham gia xét xử ông Hiến cũng áy náy với hình phạt tử hình do chính họ tuyên nên liên tục nhắc nhở để ông Hiến đừng bỏ lỡ cơ hội xin ân xá (1)!..
***
Giống như nhiều vùng khác ở Tây Nguyên, xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông là túi chứa di dân tự do – những cá nhân lìa bỏ nơi chôn nhau, cắt rốn, dắt díu nhau đi khai hoang, lập nghiệp ở những vùng đất mới với hi vọng có thể thoát khỏi khốn cùng. Ở Tây Nguyên, đất mới là những khu rừng nguyên sinh đã bị khai thác đến cạn kiệt rồi bỏ hoang… Tuy hoang hóa nhưng đất rừng luôn là công thổ và tất nhiên chỉ hệ thống công quyền mới có quyền định đoạt công thổ.
Năm 2008, chính quyền tỉnh Đắk Nông quyết định cho Công ty Long Sơn thuê 1.079 héc ta rừng ở xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức. Tiếng là rừng nhưng một phần không nhỏ trong 1.079 héc ta đó giờ chính là nơi cư trú, là vườn, là rẫy... đó không chỉ là sinh kế mà còn là tương lai của hàng trăm gia đình di dân. Sau khi được thuê 1.079 héc ta rừng ở xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, chủ Công ty Long Sơn đã bán cả công ty lẫn quyền khai thác hàng ngàn héc ta đất cho gia đình ông Nghiêm Xuân Thiên Sửu.
Kể từ đó, gia đình ông Sửu – chủ mới của Công ty Long Sơn bắt đầu tiến trình xua đuổi di dân tự do ra khỏi khu vực mà công ty toàn quyền… khai thác. Vườn, rẫy – cơ hội đổi đời của hàng trăm gia đình bị chặt phá, bị đốn hạ, nhà cửa bị giật sập. Sau vài thập niên đổ mồ hôi, sôi nước mắt, dốc hết sức lực, vốn liếng vào việc khai hoang, định cư, hàng trăm gia đình đối diện với viễn cảnh vừa trắng tay, vừa vô gia cư… Họ bắt đầu tất tả ngược xuôi xin cứu xét.
Khai phá – sử dụng công thổ để mưu tìm cơm no, áo ấm có thể là sai nhưng lẽ nào lại gạt bỏ thực tế khai thác - sử dụng công thổ cũng như tất cả những tình tiết có liên quan khác để cho phép Công ty Long Sơn phủi tay, không bồi thường, không hỗ trợ? Nếu cho thuê 1.079 héc ta rừng ở xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức nhằm phát triển kinh tế - xã hội địa phương, tại sao không cho những gia đình di dân tự do thuê lại phần đất họ đã khai hoang mà lại dành quyền thuê cả thổ cư, vườn, rẫy của họ cho riêng Công ty Long Sơn?..
Không thể trả lời những thắc mắc ấy, năm 2010, chính quyền tỉnh Đắk Nông yêu cầu Công ty Long Sơn thảo luận với dân chúng địa phương về chuyện bồi thường. Năm năm sau, chính quyền tỉnh Đắk Nông quyết định thu hồi 265/1.097 héc ta đã giao cho Công ty Long Sơn vì phần đất này vốn là nơi cư trú, vườn, rẫy của hàng trăm gia đình. Năm sau nữa (tháng 7 năm 2016), sau khi thị sát tại chỗ, ông Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Việt Nam đã yêu cầu chính quyền tỉnh Đắk Nông ngăn chặn Công ty Long Sơn “cưỡng chế - thu hồi đất” để kiểm tra lại.
Song tất cả những động tác vừa kể chỉ có giá trị trên… giấy, trong thực tế, Công ty Long Sơn vẫn liên tục điều động các loại xe chuyên dụng và “công nhân” dỡ bỏ nhà cửa, hủy diệt những vườn tiêu, vườn điều, vườn cà phê,… trên phần đất mà chính quyền tỉnh Đăk Nông đã cho công ty này… thuê. Trong quá trình “cưỡng chế - thu hồi đất”, “công nhân” của Công ty Long Sơn đã đánh đập, gây thương tích cho nhiều người dân ở xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức chỉ vì họ “dám” bảo vệ nhà cửa, vườn tược vốn là của họ.
Suốt tám năm, toàn bộ hệ thống công quyền từ xã đến tỉnh ở Đắc Nông án binh bất động trước tất cả các đợt “cưỡng chế - thu hồi đất” mà Công ty Long Sơn thực hiện, bất kể dân chúng xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, có người bị “công nhân” của Công ty Long Sơn dùng rựa vạt mất gần nửa hộp sọ, tuy may mắn không mất mạng nhưng sẽ sống với cái đầu bị móp ấy cho đến hết đời. Có phụ nữ bị trụy thai do “công nhân” của Công ty Long Sơn đạp vào bụng,…
Đó cũng là lý do dân chúng xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức quyết định tự cứu mình bằng cách tự vũ trang với súng tự chế. Sau khi bị 30 “công nhân” Công ty Long Sơn hành hung vì ngăn cản Công ty Long Sơn dỡ nhà, phá vườn của mình trong đợt “cưỡng chế - thu hồi đất” mà công ty này tiến hành vào ngày 23 tháng 10 năm 2016, ông Hiến đã chạy về nhà lấy súng tự chế, bắn chỉ thiên để cảnh cáo, bởi “công nhân” Công ty Long Sơn vừa lao đến, vừa ném đá… ông Hiến có thêm sự hỗ trợ của hàng xóm chĩa thẳng súng vào đám đông bóp cò…
Chỉ đến khi có ba người chết, 13 người bị thương, hệ thống công quyền ở tỉnh Đắk Nông mới chuyển động. Tuy nhiên những chuyển động ban đầu chỉ nhắm tới chuyện trừng phạt Đặng Văn Hiến, Ninh Viết Bình, Hà Văn Trường vì “giết người”, Đoàn Văn Diện vì “che giấu tội phạm”… Một tuần sau thảm án, ông Nghiêm Xuân Thiên Sửu, chủ Công ty Long Sơn vừa dọa sẽ kiện nhiều cơ quan truyền thông chính thức ra tòa vì thông tin sai sự thật, vừa chỉ dẫn báo chí “lên huyện, lên tỉnh” để tìm… “sự thật” (2).
Mũi dùi công lý chỉ chĩa vào Công ty Long Sơn khi công chúng sôi lên vì giận: Chuyện doanh nghiệp này tự tổ chức cưỡng chế - thu hồi đất bằng cách trang bị dao, rựa, gậy gộc, khiên, đá,… để “công nhân” tấn công dân lành được xác định là “trái pháp luật”. Cũng phải tới lúc đó, đại diện chính quyền tỉnh Đắk Nông mới phân trần, rằng… quyết định giao đất cho Công ty Long Sơn chỉ dựa vào bản đồ, chưa đo đạc thực địa nên không rõ hoạt động cưỡng chế - thu hồi đất của doanh nghiệp này có chính xác hay không!
Cũng phải tới lúc đó, hệ thống công quyền Việt Nam mới thừa nhận một sự thật khác, trong 1.079 héc ta rừng mà chính quyền tỉnh Đắk Nông cho Công ty Long Sơn thuê có 539 héc ta là rừng tự nhiên, 540 héc ta là đất lâm nghiệp không còn rừng. Từ năm 2008 đến ngày xảy ra thảm án Quảng Trực, công ty Long Sơn đã phá trụi 501/539 héc ta rừng mà lẽ ra công ty này phải giữ, 38 héc ta còn lại không bị tác động chỉ vì đó là rừng… “nghèo kiệt” (3).
***
Khi xét xử phúc thẩm thảm án xảy ra ở xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông, Tòa án Tối cao đã quyết định giảm cho ông Ninh Viết Bình hai năm tù (còn 18 năm tù), giảm cho ông Hà Văn Trường ba năm tù (còn 9 năm tù) cùng về tội “giết người”, chuyển hình phạt 9 tháng tù giam dành cho ông Đoàn Văn Diện vì “che giấu tội phạm” thành án treo.
Ông Nghiêm Xuân Thiên Sửu (Phó Giám đốc Công ty Long Sơn) và ông Phạm Công Thiện (Trưởng Ban Quản lý nhân sự của Công ty Long Sơn) từng bị tòa án cấp sơ thẩm phạt sáu năm tù và bốn năm tù cùng về tội “hủy hoại tài sản hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản” cũng được Tòa án Tối cao giảm mỗi người hai năm tù.
So hình phạt chung thẩm mà hệ thống tư pháp mới dành cho ông Sửu và ông Thiện với quyết định khởi tố cả hai ông mà Cơ quan Cảnh sát Điều tra của Bộ Công an công bố hồi tháng 12 năm 2016, người ta thấy hệ thống tư pháp Việt Nam đã tha, không lý giải tại sao không truy cứu trách nhiệm hình sự của cả hai ông về hành vi “phá rừng”.
Xét về tổng thể, mức độ “khoan hồng, nhân đạo” mà hệ thống tư pháp Việt Nam đã giành cho ông Sửu, ông Thiện có phần… nhỉnh hơn ông Bình, ông Trường, ông Diện. Ngay cả khi bị áp giải tới pháp đình, đối diện với công lý xã hội chủ nghĩa, ông Sửu, ông Thiện vẫn không mất ưu thế!
Liệu sự “khoan hồng, nhân đạo” mà ông Bình, ông Trường, ông Diện được hưởng có phải là một thứ “xái” từ sự “khoan hồng, nhân đạo” mà hệ thống tư pháp Việt Nam muốn dành cho ông Sửu, ông Thiện? Nếu không, tại sao ông Hiến không được hưởng sự “khoan hồng, nhân đạo” ấy, cho dù các tình tiết có liên quan tới thảm án cho thấy, rõ ràng ông Hiến đã phạm tội trong tinh thần bị kích động mạnh do hành vi trái pháp luật của các nạn nhân và hình phạt không thể vượt quá bảy năm tù?
Dù muốn hay không cũng phải thừa nhận ông Nghiêm Xuân Thiên Sửu có lý khi khuyên báo giới “lên huyện, lên tỉnh” tìm… “sự thật”! Tiếc là báo giới không dụng công, hệ thống tư pháp Việt Nam cũng không thèm bận tâm nên tới giờ, những câu hỏi như: Tại sao lại giao cho Công ty Long Sơn 1.079 héc ta rừng, bất kể trong phần đất rừng ấy có đến vài trăm héc ta mà di dân tự do đã khai hoang, sinh sống ổn định, góp phần không nhỏ trong việc phát triển kinh tế - xã hội địa phương? Tại sao những đợt “cưỡng chế, thu hồi đất” do Công ty Long Sơn tổ chức thực hiện là công khai “hủy hoại tài sản công dân”, xâm phạm tính mạng, sức khỏe nhiều người trong một thời gian dài, bất tuân cả yêu cầu của chính quyền địa phương (phải thương thảo về bồi thường, phải giao trả 265 héc ta đất), lẫn chỉ đạo của chính phủ (tạm ngưng thực hiện “cưỡng chế, thu hồi đất”) mà hệ thống công quyền từ địa phương đến trung ương không làm gì cả cho đến khi xảy ra thảm án? Khắp Việt Nam, đã, đang và sẽ còn có bao nhiêu trường hợp như xã Quảng Trực, có bao nhiêu doanh nghiệp, cá nhân được giao đất, giao rừng, hành xử tùy tiện như Công ty Long Sơn?.. vẫn không có câu trả lời.
Thiếu những câu trả lời làm nền cho một sự chấn chỉnh toàn diện, thỏa đáng trên diện rộng, các “dự án phát triển kinh tế - xã hội” vẫn chỉ là một vòng luẩn quẩn vấy mồ hôi, nước mắt và máu dân lành, những thảm án mà ngay cả thân nhân của các nạn nhân đã uổng mạng cũng cảm thấy bất an, bất phục khi chỉ có những nông dân vùng dậy phản kháng do bị đẩy tới đường cùng bị xác định là thủ phạm.
Chú thích
(1) https://tuoitre.vn/ong-dang-van-hien-bi-tuyen-y-an-tu-hinh-20180712145538175.htm
(2) http://plo.vn/thoi-su/chung-toi-chi-san-ui-phan-dat-bi-lan-chiem-661945.html
(3) https://news.zing.vn/vu-xa-sung-o-dak-nong-bat-pho-giam-doc-cong-ty-long-son-post708464.html