Đường dẫn truy cập

Dân Thượng Hải chật vật ứng phó với chi phí sinh hoạt cao


Hình ảnh Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình được dán kín trên một tòa nhà ở Thượng Hải.
Hình ảnh Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình được dán kín trên một tòa nhà ở Thượng Hải.

Đối với nhiều người tìm công ăn việc làm ở Trung Quốc, những nơi dễ tìm việc làm nhất là những thành phố lớn ở ven biển như Thượng Hải, nơi hơn phân nửa của số dân 24 triệu người là những người đến từ những nơi khác. Trong lúc chi phí sinh hoạt tiếp tục tăng cao và nền kinh tế tăng trưởng chậm lại, một số người ở thành phố này đang tính tới chuyện về quê để tìm việc làm, nhưng nhiều người nhận thấy đó không phải là một chuyện dễ dàng. Thông tín viên Bill Ide của đài VOA tại Thượng Hải tường thuật.

Anh Vương Công Nhiên là một người thợ làm nghề lau cửa kính ở Thượng Hải. Anh rời quê ở tỉnh Hà Nam khi mới lên 15 tuổi và hầu hết khoảng thời gian từ đó cho tới nay anh sống ở Thượng Hải.

Anh từng làm công nhân ở nhà máy, nhưng anh thích làm nghề của anh bây giờ hơn.

"Tôi quen với cái nghề này rồi. Nếu tôi phải làm nghề khác, nếu tôi phải làm ở công xưởng, tôi nghĩ rằng tôi sẽ không chịu được. Hơn nữa, lương công nhân nhà máy quá ít ỏi."

Anh Vương cho biết anh cảm thấy lo lắng cho tương lai vì công ăn việc làm mỗi ngày một ít.

"Nếu căn nhà mà vợ chồng tôi đang ở bị giải toả, có lẽ là chúng tôi sẽ không có chỗ nào để ở. Ở Thượng Hải mọi thứ đều quá đắt đỏ."

Là một thành phố lớn ven biển và là trung tâm tài chánh của cả nước, Thượng Hải lâu nay vẫn là một thỏi nam châm cuốn hút những người tìm kiếm công ăn việc làm.

Cô Lý Nhạc tốt nghiệp đại học năm ngoái và đã làm việc ở thành phố Cáp Nhĩ Tân. Giờ đây cô muốn dọn tới Thượng Hải, nhưng tìm ra một việc làm ở thành phố này không còn dễ dàng như trước.

Cô cho biết như sau trong lúc tham gia một hội chợ tuyển dụng nhân viên.

"Trung Quốc có quá nhiều người và quá nhiều sinh viên đại học. Và có quá nhiều người tài giỏi hơn tôi."

Cô Lý Học Đông, bạn của cô Lý Nhạc, sẽ ra trường vào mùa hè này. Cô cho biết cô cảm thấy bực tức, vì cô chỉ có thể xin làm thực tập sinh vào lúc này vì chưa có bằng.

"Lương thực tập sinh rất thấp, lại không có trợ cấp nhà ở. Nếu tôi không có việc làm đàng hoàng thì khó thể sống nổi với giá cả đắt đỏ ở Thượng Hải."

Cô Đái Nhạn đã từ tỉnh Giang Tô tới Thượng Hải cách nay 7 năm. Từ đó tới nay, tiền thuê nhà của cô đã tăng gấp ba. Cô muốn về Giang Tô, nhưng đó là một chuyện không dễ dàng.

"Cuộc sống ở Thượng Hải và cuộc sống ở quê tôi khác nhau quá xa. Đặc biệt là bạn bè của tôi phần lớn là ở đây, và cách suy nghĩ và cách sống ở những người ở đó cũng khác. Tôi khó có thể thích nghi với cuộc sống ở đó.
Mặc dù tăng trưởng kinh tế bị chậm lại, một số người cho rằng vẫn còn rất nhiều cơ hội ở Thượng Hải, nhất là trong ngành công nghệ thông tin."

Cô Cảnh Tiền đến sống ở Thượng Hải cách nay 4 năm và đang làm việc trong ngành bán hàng trên mạng. Cô cho biết như sau.

"Một số người có thể than vãn, chê bai Thượng Hải, nhưng họ chỉ nói vậy thôi chứ họ không thể từ bỏ những cơ hội và những mức lương cao ở đây."

Và nếu không có thay đổi lớn, nhiều người có phần chắc sẽ tiếp tục ở lại Thượng Hải trong lúc cư dân của những nơi khác tiếp tục rủ nhau tới thành phố này.

VOA Express

VOA có ứng dụng mới

Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.

Tải ứng dụng VOA trên App StoreGoogle Play!

XS
SM
MD
LG