Trong khi tiếp tục cảm thấy lo ngại về nền kinh tế Trung Quốc, những nhà kinh tế đang tranh luận về khả năng nước này có thể xảy ra một vụ “hạ cánh cứng” hoặc suy thoái kéo dài. Nhưng đối với hầu hết những người ở Trung Quốc, dù có tranh luận hay không thì suy thoái kinh tế đã trở thành một hiện thực và vấn đề quan trọng nhất là tìm ra một cách thức để tiếp tục công cuộc kinh doanh. Thông tín viên Bill Ide của đài VOA gởi về bài tường thuật từ Trung Quốc.
Ở thành phố thương mại Nghĩa Ô trên triền núi, những thương gia đang cảm nhận rõ tác động của suy thoái, nhưng cũng đang tìm cách chống chọi với cơn bão.
Gia đình của ông Khấu Đức Huyên kinh doanh đồ sứ mấy chục năm nay. Và hoạt động kinh doanh của ông rất phát đạt khi nền kinh tế tăng trưởng nhờ xuất khẩu của Trung Quốc bùng nổ. Nhưng giờ đây, khi nền kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng với tốc độ chậm nhất trong hơn một phần tư thế kỷ, việc kinh doanh đĩa, ấm trà bằng sứ và những đồ đựng trang trí tinh xảo là một việc có nhiều rủi ro bị đổ vỡ.
Giống như những sản phẩm mà ông bán.
Ông Khấu Đức Huyên nói rằng không chỉ có nền kinh tế trong nước chậm lại. Chiến tranh ở nước ngoài, biến động tiền tệ và tình trạng bất ổn kinh tế rộng lớn hơn đều góp phần tạo ra những thách thức.
Cắt giảm lợi nhuận
Ông cho biết trong hai năm qua, doanh số bán hàng đã giảm khoảng 20 phần trăm. Để bám trụ, ông phải cắt giảm sản lượng và chi phí đóng gói, thậm chí cả lợi nhuận của riêng mình.
Ông Khấu nói: "Khách hàng của chúng tôi cũng bị ảnh hưởng, vì thế chúng tôi cố gắng hạn chế lợi nhuận của mình với hy vọng rằng chúng tôi có thể giữ cho doanh nghiệp hoạt động."
Ông Khấu có một cửa hàng trong thị trường bán sỉ khổng lồ của Nghĩa Ô, một khu thương mại trải dài mấy cây số và có hơn 60.000 cửa hàng mặt tiền. Những người vận hành cơ sở này nói nếu bạn vào mỗi cửa hàng ít nhất ba phút thì sẽ mất ít nhất 13 tháng để tham quan hết toàn bộ cơ sở.
Tọa lạc tại tỉnh Chiết Giang ở đông nam Trung Quốc, Nghĩa Ô cách không xa hai thành phố cảng Thượng Hải và Ninh Ba.
Nhưng các thương gia xem Nghĩa Ô một nơi thuận lợi để kinh doanh vì sự hỗ trợ và sự tự do mà chính quyền địa phương dành cho giới bán buôn, từ những ưu đãi về thuế cho tới sự can thiệp tương đối ít vào hoạt động kinh doanh.
Và dù vị trí địa lý của nó thiếu một số những lợi thế của những đô thị thương mại và sản xuất ven biển lớn của Trung Quốc, khu vực này lâu nay vốn là cơ sở cho những thương nhân.
Chính phủ do Đảng Cộng sản Trung Quốc lãnh đạo đã tìm cách triệt tiêu thương mại nhưng không thành công, và sau đó cho phép thương mại phát triển mạnh mẽ khi những cải cách thị trường khởi sự vào những năm 1980.
Ngày nay, nó được gọi là thủ đô những mặt hàng nhỏ bán sỉ của thế giới.
Hầu như tất cả mọi thứ và bất cứ thứ gì sản xuất tại Trung Quốc đều có thể tìm được và mua được trong thành phố này. Từ đây, hàng hóa được vận chuyển ra khắp toàn cầu tới Châu Phi, Trung Đông, Châu Âu và Châu Mỹ.
Thị trường đặc biệt
Một số khách hàng chính của ông Khấu ở Trung Đông và Châu Âu. Ông nói rằng dù những thương nhân như ông có thể không làm được gì nhiều để thay đổi môi trường tổng thể mà họ đang phải đối mặt, song ông đang tìm cách bảo vệ doanh nghiệp của mình, trong đó có việc tập trung vào những sản phẩm đặc biệt cho khách hàng của ông.
Ông Khấu cho biết: "Với mỗi sản phẩm, bạn phải liên tục cải tiến. Nếu bạn không thể tiếp tục làm điều đó thì thị trường sẽ bỏ bạn lại phía sau."
Trong mấy chuyến thăm gần đây đến khu thương mại này, phóng viên của VOA nhận thấy có rất ít người qua lại. Nhiều người chủ chỉ ngồi trong cửa hàng của mình, một số người xem phim Hàn Quốc và những người khác tán gẫu với bạn bè.
Tuy nhiên, một số cửa hàng lại rất bận rộn trong việc tiếp đón và bàn bạc với những thương nhân từ Châu Phi, Azerbaijan, Thổ Nhĩ Kỳ và Nam Mỹ đến đây để đặt hàng.
Trong một số cửa hàng, người chủ đang chất lại hàng hóa lên kệ. Những cửa hàng khác thì im lìm với tấm bảng "cho thuê" dán trên cửa sổ.
Internet – Con dao hai lưỡi
Một số người nhận thấy sự sáng tạo là cách chắc chắn để tiếp tục hoạt động, bất kể những thách thức.
Ông Tông Phàm Trung, một người thiết kế đồng hồ, bán những chiếc đồng hồ đặc chế của ông tại khu thương mại Nghĩa Ô. Ông nói nhờ lấy được bằng sáng chế cho những sản phẩm độc đáo của ông, được bán ở Nhật Bản và Hàn Quốc cũng như ở Thổ Nhĩ Kỳ và Iran, mà công cuộc kinh doanh của ông được bảo vệ. Ông cũng nhận thấy Internet là phao cứu sinh và là một cách thức quan trọng để giữ cho doanh nghiệp của ông tiếp tục hoạt động.
Ông Tông nói: "Chúng tôi đang sử dụng những trang mạng như TMall và Taobao và việc này đã giúp bù đắp doanh số bán hàng. Thương mại nước ngoài đã sụt giảm đáng kể kể từ năm ngoái, khoảng từ 30 đến 50 phần trăm."
Nhưng không phải ai cũng sẵn lòng hoặc có thể chuyển sang bán hàng trực tuyến.
Ông Tiết Á Thanh là một nhân viên bán hàng cho Alibaba, người đang tìm cách giúp những chủ cửa hàng bán được hàng. Ông nói rằng từ công việc của mình, ông có thể nhìn thấy tác động của nền kinh tế đang chậm lại.
Ông Tiết nói: "Một số chủ cửa hàng đang thua lỗ, không kiếm được chút lời nào và nợ nần đang chồng chất, và chính vì thế, một số người chỉ ở đây một thời gian rồi sau đó phải đóng cửa doanh nghiệp của mình."
Ông Tiết hy vọng có thể đưa họ lên mạng để giúp họ. Nhưng không phải ai cũng sẵn lòng.
"Một số người đã buôn bán trong cửa hàng từ nhiều năm rồi và từ quan điểm của họ thì họ không cần," ông nói.
Và với một số lượng lớn những cửa hàng trực tuyến, sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt.
Ông Hà Kinh Sinh từng điều hành một doanh nghiệp gia đình nhỏ bán hoa tai và chuỗi hạt đeo cổ cùng những phụ kiện thời trang khác. Ông đã cố gắng đưa cửa hàng của mình lên mạng, với sự giúp đỡ của con gái, nhưng cuối cùng sự bão hòa của những cửa hàng tương tự trên mạng và những khách hàng không có điều mà ông gọi là "đạo đức nghề nghiệp" làm cho ông không thể tiếp tục kinh doanh.
Ông nói: "Một số người không chịu thanh toán đúng hạn và đã gây cho chúng tôi rất nhiều áp lực, và vì lý do đó chúng tôi rời khỏi thị trường vào đầu năm nay," ông nói.
Giờ ông làm tài xế taxi tư nhân 15 tiếng một ngày, sử dụng ứng dụng Dididache của Trung Quốc, một dịch vụ gọi xe đưa rước qua Internet tương tự như Uber. Ông nói đây không phải là công việc thích hợp cho độ tuổi của ông, nhưng "người ta phải kiếm sống thôi."
Khách hàng trên hết
Nhiều thương nhân đang ứng phó với tác động của suy thoái kinh tế có một vài điểm chung; họ làm chủ những nhà máy riêng của mình và tập trung vào những gì mà họ biết rõ nhất.
Có những khách hàng lâu năm và có khả năng tìm cách thích ứng với những nhu cầu thay đổi trong một thị trường toàn cầu ngày càng thắt chặt cũng là điều quan trọng, theo lời ông Thúc Kế Châu, chủ tịch của Vifa Group.
Ông Thúc nói: "Chúng tôi thực sự nỗ lực với khách hàng của chúng tôi. Chúng tôi đang chi nhiều tiền hơn cho sản phẩm, chất lượng và kiểm soát chi phí cũng như phát triển sản phẩm mới. Với những mối quan hệ gần gũi với khách hàng của chúng tôi, chúng tôi làm việc theo một cách rất có tính chiến lược."
Ông nói dù công ty của ông cũng đang chịu tác động, nhưng suy thoái vẫn chưa khiến công việc làm ăn của công ty bị trì trệ. Trong 5 năm qua, lợi nhuận của công ty ông tiếp tục tăng lên và mới đây, ông đã có thể mua thêm chỗ để nới rộng văn phòng vì giá nhà đất xuống thấp.
Nhìn từ quan điểm của ông Thúc, cuộc khủng hoảng kinh tế là có thực, nhưng cũng còn có nhiều cơ hội để làm ăn.
Ông nói: "Tất cả chỉ tùy thuộc vào bản thân của mình mà thôi, không có thứ gì khác. Tất cả đều tùy thuộc vào cách bạn kinh doanh. Hầu hết mọi người đang khổ sở. Đó là sự thật. Nhưng thế giới quá lớn. Có rất nhiều cơ hội. Ngành nghề nào cũng đều có cơ hội cả."