Một cuộc biểu tình phản đối đề nghị tu chính hiến pháp ở Burkina Faso rốt cuộc đã trở thành một cuộc nổi dậy buộc Tổng thống lâu năm Blaise Campaore từ chức và chạy ra khỏi nước. Một số nhà phân tích cho rằng làn gió dân chủ của phong trào Mùa Xuân Ả Rập ở Trung Đông và Bắc Phi giờ đây đã thổi tới Tây Phi. Mời quí vị theo dõi thêm chi tiết qua bài tường thuật của thông tín viên Mariama Diallo của đài VOA.
Hôm qua, hai ngày sau khi lật đổ Tổng thống Blaise Campaore, hàng ngàn người đã rủ nhau xuống đường ở thủ đô Ouagadoudou để đòi quân đội giao lại quyền hành cho giới hữu trách dân sự.
Một số người mang theo biểu ngữ với hàng chữ “Quân đội đã cướp đoạt cuộc cách mạng của chúng tôi.” Một người biểu tình phát biểu như sau.
"Những nền dân chủ lớn nhất thế giới đều do phe dân sự nắm quyền cai trị, chứ không phải quân đội."
Một người biểu tình khác cũng bày tỏ một ý kiến tương tự.
"Vai trò của quân đội là bảo vệ lãnh thổ quốc gia. Tôi cho rằng họ phải từ bỏ quyền hành chính trị."
Tại Washington, Tiến sĩ Sulayman Nyang, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phi Châucủa Đại học Howard, nói rằng những biến cố ở Burkina Faso nên được xem xét trong bối cảnh của những diễn tiến tại những khu vực khác ở Phi châu.
"Chúng ta phải trở lại với tình hình ở Bắc Phi cách nay hai năm. Phong trào được gọi là Mùa Xuân Ả Rập phải được chuyển thành ngọn gió Harmatan chính trị thổi từ phương bắc xuống phương nam. Phải mất một thời gian dài như vậy để ngọn gió Harmattan thổi tới Tây Phi."
Giáo sư Nyang nói rằng giới trẻ Burkina Faso đã hành động không phải chỉ vì họ không ưa Tổng thống Campaore."
"Họ đang tranh đấu bởi vì họ không muốn những kẻ độc tài tiếp tục ở đó và tạo ra tham nhũng, thiếu minh bạch và quản trị tệ hại. Họ không tranh đấu cho một cá nhân hay cho những người lãnh đạo quân đội. Họ tranh đấu cho công lý."
Ông Nyang cho biết có nhiều nguyên do làm cho Tổng thống Campaore đã có thể nắm quyền trong 27 năm.
"Ông Campaore rất gần gũi với Houphouet Boigny (ở Cote D’Ivoire), Charles Taylor (ở Liberia), Fode Sanko (ở Sierra Leone). Ông ấy có khả năng để nắm giữ vai trò trung gian và điều giải hòa bình giữa các thế lực kình chống nhau. Và điều đó giúp cho ông ấy có được tính chất hợp pháp."
Theo qui định của hiến pháp Burkina Faso, người đứng đầu Quốc hội sẽ lên nắm quyền trong trường hợp không có tổng thống. Tuy nhiên, có tin nói rằng nhân vật này cũng đã bỏ chạy ra khỏi nước và quân đội đã giải tán quốc hội và chỉ định ông Yacouba Isaac Zida, viên chỉ huy phó của lực lượng bảo vệ tổng thống làm người lãnh đạo trong giai đoạn chuyển tiếp.
Ông Mouni Kouda, Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ ở Burkina Faso, đã về nước sau nhiều năm sinh sống ở Mỹ. Ông nói như sau với đài VOA về hiện tình của nước ông.
"Chúng tôi sắp sửa rơi vào một tình huống hỗn loạn, trong đó ai nấy đều tìm cách để làm tổng thống. Đây là lúc cộng đồng quốc tế phải can thiệp và giúp cho mọi việc tiến về phía trước."
Ông Kouda cũng kêu gọi dân chúng Burkina Faso đoàn kết sau lưng ông Zida trong giai đoạn chuyển tiếp.
"Sau 27 năm đất nước nằm dưới sự cai trị của ông Blaise Campaore, hiện giờ không có một tổ chức tốt nào có thể đưa chúng tôi tới một cuộc chuyển tiếp tốt đẹp ngoại trừ quân đội. Đó là quan điểm của tôi."
Tuy nhiên, giáo sư Nyang không tán thành chủ trương để cho quân đội nắm quyền.
"Ở Ai Cập và Libya, họ có những phe phái chống đối lẫn nhau, và quân đội trở thành phe duy nhất nắm giữ quyền hành. Chúng ta nên quay lại với hiến pháp và làm thế nào để chủ tịch Hạ viện tạm thời nắm quyền lãnh đạo trong một khoảng thời gian. Nhưng sau đó họ phải trở lại với dân chúng và tổ chức bầu cử, nếu không đất nước sẽ rơi vào hỗn loạn."
Đại diện đặc biệt của Liên hiệp quốc, ông Mohamed Ibn Chambas hôm qua lên tiếng hô hào đối thoại và nói rằng “chúng tôi hy vọng có được một cuộc chuyển tiếp do một nhân vật thuộc phe dân sự lãnh đạo và phù hợp với hiến pháp”.
Các nhà phân tích cũng cho rằng trong bối cảnh của đại dịch Ebola trong khu vực, giới lãnh đạo lâm thời ở Burkina Faso cần phải phục hồi hoạt động của guồng máy hành chánh và cung cấp các dịch vụ công cộng càng sớm càng tốt.