Dự luật liên bang có tính lịch sử sẽ hạn chế việc trục xuất các di dân Đông Nam Á đến Mỹ sau 1975 và bảo vệ những người đang đối mặt với việc bị trục xuất vì những sai lầm trong quá khứ
Justin Nguyen là một trong số hơn 15.000 người tị nạn Đông Nam Á đang đối mặt với lệnh trục xuất cuối cùng khỏi Mỹ, một điều được xem là sự trừng phạt lần thứ hai và “bất công” đối với nhiều di dân.
“Đối với tôi và nhiều người gốc Đông Nam Á khác, việc trục xuất là một sự trừng phạt vô tận làm ly tán thêm cho các gia đình,” Justin, một di dân tị nạn từ Việt Nam, nói tại một buổi tập hợp trước tòa nhà Quốc hội Mỹ tại thủ đô Washington DC hôm 20/9 để ủng hộ Đạo luật Cứu trợ Trục xuất Đông Nam Á do dân biểu liên bang Alan Lowenthal giới thiệu.
Dự luật được xem là lịch sử này được vị dân biểu đại diện Địa hạt 47 của California, nơi có cộng đồng người Việt đông đảo nhất sinh sống, giới thiệu để nhằm chấm dứt việc trục xuất những di dân Đông Nam Á đến Mỹ sau Chiến tranh Việt Nam, thảm sát Khmer Đỏ và Chiến tranh Bí mật ở Lào.
Theo ông Lowenthal, Đạo luật Cứu trợ Trục xuất Đông Nam Á sẽ đảm bảo lời hứa của chính phủ Mỹ đối với những di dân tị nạn từ Việt Nam, Campuchia và Lào bằng cách hạn chế khả năng của Bộ An ninh Nội địa trong việc trục xuất các thành viên của cộng đồng ra khỏi Hoa Kỳ. Đạo luật cũng sẽ ngăn việc trục xuất những người tị nạn và đảm bảo quyền tiếp cận giấy phép lao động cho những người được xem là dễ bị tổn thương này.
“Thật là vô nhân đạo và không đúng với tinh thần Mỹ khi gạt các thành viên của cộng đồng chúng ta ra lề và trục xuất họ đến nơi mà họ không biết, nơi các quyền cơ bản của con người không được đảm bảo, và trong nhiều trường hợp bị lạm dụng,” dân biểu Lowenthal, người thường lên tiếng về các vấn đề nhân quyền của Việt Nam và nhận bảo trợ cho tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Hóa hiện đang bị giam cầm ở quốc gia Đông Nam Á, nói. “Chúng ta phải giữ những lời hứa long trọng mà chúng đa đã hứa với những người tị nạn.”
Kể từ năm 1975 đến 2008, đã có 1,2 triệu người tị nạn từ Việt Nam, Campuchia và Lào đến Mỹ và, theo dân biểu Lowenthal, họ đã tạo thành một số trong những cộng đồng lớn nhất và thành công nhất ở Mỹ.
“Nhưng câu chuyện chưa kết thúc khi một di dân tị nạn đến Hoa Kỳ,” dân biểu Lowenthal nói khi giới thiệu dự luật hôm 20/9. “Các di dân tị nạn phải vật lộn với những di sản của chiến tranh. Nhiều người đã trải qua những điều kiện khủng khiếp của chiến tranh ở Việt Nam. Nhiều người trải qua sự đói khổ trong khi không có được sự giúp đỡ khi tới Mỹ.”
Lỗi lầm quá khứ
Justin Nguyen cùng gia đình đặt chân đến Mỹ vào năm 1995, nhiều năm sau khi bố của anh được chính quyền Cộng sản thả ra khỏi trại cải tạo dành cho những người từng phục vụ trong chính quyền Việt Nam Cộng hòa ở miền Nam. Giống như nhiều người Việt và Đông Nam Á khác, gia đình anh có rất ít sự trợ giúp khi tới Mỹ.
“Chúng tôi tìm cách sống trong Giấc mơ Mỹ nhưng bố mẹ tôi không hiểu được những tác động của tài chính. Bố tôi nợ nần chồng chất dù tôi là một học sinh giỏi,” Justin chia sẻ câu chuyện của mình. “Tôi vào đại học và đã phải làm 3 việc cùng lúc để trả nợ.”
Trước những khó khăn đó, Justin đã bị cuốn vào con đường lầm lỗi và, vào năm 2006, anh bị kết tội liên quan đến ma túy. Anh bị bắt ngay trước ngày đi tuyên thệ để trở thành công dân Mỹ.
Sau khi thi hành bản án 2 năm rưỡi trong tù, anh bị đưa tới trung tâm giam giữ của Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan Hoa Kỳ (ICE) chờ bị trục xuất về Việt Nam. Sau 13 tháng bị giam tại đây, anh chấp nhận lệnh trục xuất cuối cùng của ICE nhưng do chính phủ Việt Nam từ chối nhận những người như anh, Justin được thả khỏi trại giam của ICE vào tháng 4/2010 nhưng phải trình diện theo định kỳ với Sở Di trú Mỹ.
“Kể từ đó, tôi đã hoàn toàn xây dựng lại cuộc sống của mình và trở thành một công dân hợp pháp,” Justin, người hiện có một gia đình nhỏ cho riêng mình và là chủ sở hữu của 7 tiệm làm móng cùng công việc môi giới nhà đất, cho biết.
Nhưng vào tháng 3/2017, Justin bị bắt trở lại trại giam của ICE và bị giam giữ ở đó một năm. Trong thời gian này anh đã tập hợp những người gốc Việt cũng bị giam giữ như anh và chia sẻ câu chuyện của mình tới các tổ chức đang giúp đỡ các di dân bị giam giữ. Anh và những người này đã tham gia vào một vụ kiện lên Bộ An ninh Nội địa Mỹ.
“Cho tới lúc này, tôi vẫn luôn nghĩ rằng nếu tôi bị trục xuất thì tôi sẽ không bao giờ có thể có cơ hội chăm sóc con trai tôi, con gái tôi, vợ tôi và bố mẹ tôi được nữa,” Justin nói.
Hàng trăm nghìn di dân tị nạn chiến tranh Việt Nam tới Mỹ trước 12/7/1995, ngày hai nước bình thường hóa quan hệ, được bảo vệ không bị trục xuất trở lại Việt Nam theo một hiệp định được ký kết giữa hai chính phủ vào năm 2008. Tuy nhiên chính quyền Tổng thống Donald Trump đã diễn giải lại hiệp định này khi cho rằng những di dân gốc Việt có tiền án tiền sự sẽ phải bị trục xuất về nơi họ đã rời bỏ đi, cho dù họ đã thụ xong án tù.
Ông Lowenthal và gần 40 thượng nghị sỹ cùng dân biểu Hoa Kỳ hồi đầu năm ngoái đã nêu lên quan ngại của họ về việc giam giữ và trục xuất người tị nạn Việt.
Cơ hội thứ hai
Dự thảo đạo luật mới mà ông Lowenthal và gần 20 dân biểu khác vừa giới thiệu không chỉ nhằm bảo vệ di dân chiến tranh Việt Nam mà cả những di dân Đông Nam Á khác đến Mỹ từ năm 19975 đến 2008.
“Nhiều người khi tới Mỹ đã tái định cư trong điều kiện khó khăn, không được tiếp cận đầy đủ với các nguồn lực và sức khỏe tâm thần hoặc kinh tế xã hội trong khi vẫn phải đang vật lộn với đau thương của chiến tranh,” Dân biểu Lowenthal nói hôm 20/9. “Kết quả là nhiều người trong số họ đã mắc sai lầm khi còn trẻ. Mặc dù nhiều người đã trả nợ và đóng góp cho cộng đồng của họ, nhưng hơn 2.000 người đã bị trục xuất và khoảng 15.000 người vẫn sống ở Mỹ với lệnh trục xuất cuối cùng kể từ năm 1998.”
Hiện có hàng triệu di dân Đông Nam Á đang sinh sống ở Mỹ – gồm hơn 2,1 triệu người gốc Việt, hơn 338.000 người gốc Campuchia và hơn 254.000 người gốc Lào, theo dữ liệu của Khảo sát Cộng đồng Mỹ 2019 được trích dẫn trong bản dự thảo Đạo luật Cứu trợ Trục xuất Đông Nam Á 2022. Phần đông trong số này tới Mỹ cách đây hơn 40 năm do hậu quả của cuộc chiến tranh của Hoa Kỳ ở Việt Nam.
Trong thời gian từ 1945 đến 1975, Mỹ đã can thiệp vào Campuchia, Lào và Việt Nam nhằm ngăn chặn sự bành trướng của chủ nghĩa Cộng sản ở Đông Nam Á qua các can thiệp quân sự trực tiếp, như Chiến tranh Việt Nam, hay các hoạt động bí mật, như Chiến tranh Bí mật ở Lào, theo dự thảo đạo luật.
“Chiến tranh đã làm bao gia đình tan nát và hệ thống di dân này của chúng ta không thể tiếp tục như cũ được,” Justin nói và cho biết rằng giống như nhiều người Mỹ khác, anh đã phạm sai lầm nhưng đã sửa chữa và làm lại cuộc đời. Tuy nhiên việc anh có thể bị trục xuất bất cứ lúc nào khiến Justin lo sợ về tương lai của mình.
Giống như Justin, Kab Pheng, một di dân gốc Campuchia và là nạn nhân của Khmer Đỏ tới Mỹ cách đây 40 năm, cho biết rằng “chu kỳ bạo lực” vẫn theo đuổi anh khi phải đối mặt với mối nguy bị trục xuất do một sai lầm mà anh phạm phải khi mới 17 tuổi. Anh cũng đã lập gia đình và có con nhưng nỗi lo bị trục xuất làm anh thấy như “đang sống lại với sự tổn thương của một người tị nạn.”
“Chính phủ Mỹ không nên trục xuất những người di dân trở lại đất nước nơi mà họ có thể phải đối mặt với sự đàn áp hoặc vi phạm nhân quyền,” Dân biểu Zoe Lofgren đại diện Địa hạt 19 của California và là một trong số 17 đại diện khác trong Hạ viện Mỹ cùng tài trợ cho dự thảo đạo luật, nói. “Đạo luật Cứu trợ Trục xuất Đông Nam Á 2022 sẽ giữ lời hứa của chúng ta đối với những người tị nạn Đông Nam Á và bảo vệ họ khỏi bị trục xuất.”
Còn Dân biểu Pramila Jayapal, đại diện Địa hạt 7 của Washington và là người cùng bảo trợ cho dự luật này, cho biết bà sẽ cùng làm việc với các cộng sự của mình ở Quốc hội Mỹ để “chấm dứt sự mất nhân tính nhắm vào những người tị nạn Đông Nam Á và sửa chữa những luật lệ cũng như những chính sách sai lầm đang ảnh hưởng tới cộng đồng của chúng ta.”
Dự thảo đạo luật này được các tổ chức dân sự đại diện cộng đồng gốc Đông Nam Á trên khắp nước Mỹ, gồm cả Trung tâm Hành động Nguồn lực Đông Nam Á (SEARAC) và Mạng lưới Tự do Đông Nam Á (SEAFN), ủng hộ.
Quyen Dinh, giám đốc điều hành của SEARAC – tổ chức cổ vũ cho quyền dân sự của cộng đồng gốc Việt, Campuchia và Lào tại Mỹ – hôm 20/9 kêu gọi những thành viên khác trong Quốc hội Mỹ tham gia ủng hộ cho đạo luật này để “những gia đình tị nạn người Mỹ gốc Đông Nam Á có thể hoàn toàn phục hồi từ những thương tổn do không ngừng bị giam giữ và trục xuất.”
Đối với Kab Pheng và những cựu di dân Đông Nam Á như anh, đạo luật này sẽ giúp anh “có cơ hội để thực sự làm lại cuộc đời và tiếp tục được ở bên gia đình và cộng đồng của mình.”
Còn Justin cho biết, đạo luật này, nếu được Hạ viện và Thượng viện Mỹ thông qua, sẽ công nhận rằng anh đã thay đổi cuộc đời của mình và đảm bảo rằng anh và gia đình sẽ được ở bên nhau lâu dài.
“Tôi luôn tin vào cơ hội thứ hai ở đất nước này bởi vì chúng ta luôn sửa chữa cho đúng,” Justin nói. “Với Đạo luật Cứu trợ Trục xuất Đông Nam Á, cuối cùng thì gia đình tôi và cộng đồng sẽ có được cơ hội để phục hồi hoàn toàn từ những tổn thương.”
Diễn đàn