Quyền giám đốc Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan Mỹ (ICE) Tony Phạm, người từng là một di dân tị nạn gốc Việt, sẽ từ chức vào cuối năm nay, sau một thời gian lãnh đạo một loạt các hoạt động chống lại những người nhập cư bất hợp pháp trên toàn Hoa Kỳ kể từ khi lên nắm quyền vào tháng 8 vừa qua, theo truyền thông Mỹ.
Thông tin ông Tony Phạm, một luật sư - thẩm phán gốc Việt được chính quyền Tổng thống Donald Trump bổ nhiệm làm lãnh đạo ICE cách đây 4 tháng, dự kiến từ chức vào tháng sau được các báo của Mỹ đưa tin và sau đó được chính ông xác nhận trong một tuyên bố.
“Tôi biết ơn chính quyền Trump vì đã mang đến cho tôi một niềm vinh dự cao nhất trong sự nghiệp phụng sự đất nước đã cưu mang tôi với cả hai tư cách là Trưởng Cố vấn Pháp lý và Quan chức Cấp cao đảm nhiệm chức vụ Giám đốc Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan Hoa Kỳ,” ông Tony Phạm nói trong tuyên bố xác nhận việc từ chức được BuzzFeed News, trang tin cho rằng ông là “lãnh đạo gây tranh cãi” của ICE, đăng tải và sau đó được CNN và Fox New trích dẫn.
Nói với VOA vài ngày trước khi đảm nhận chức vụ cao nhất của ICE hôm 31/8, ông Tony Phạm tin rằng ông là “người Mỹ gốc Á đầu tiên đảm nhận vai trò này” và ông cũng “chắc chắn” rằng ông “là người Việt Nam đầu tiên” được bổ nhiệm làm lãnh đạo cơ quan thực thi pháp luật của liên bang trực thuộc Bộ An ninh Nội địa Mỹ (DHS).
Cựu di dân tị nạn gốc Việt thay thế ông Matt Albence, người đã ủng hộ Tổng thống Trump về vấn đề người nhập cư bất hợp pháp, để lãnh đạo ICE trong thời gian ông Trump ráo riết vận động tái tranh cử tổng thống Mỹ. Trước đó vào tháng 1/2020, ông Tony Phạm được bổ nhiệm vào chức Trưởng Cố vấn Pháp lý của ICE tại thủ đô Washington để lãnh đạo hơn 1.100 công tố viên và hàng trăm nhân viên thực thi pháp lý liên quan đến việc trục xuất các di dân bất hợp pháp trên khắp lãnh thổ Hoa Kỳ.
“Lãnh đạo một cơ quan thực thi pháp luật với một lực lượng tận tâm như vậy là vinh dự của cả đời người,” ông Tony Phạm nói trong tuyên bố. “Tôi được gặp gỡ nhiều nhân viên phi thường trên khắp nước Mỹ. Tôi sẽ tiếp tục là người ủng hộ không mệt mỏi cho những người đang làm việc miệt mài tại ICE.”
Tuy nhiên, ông Tony Phạm cho biết rằng “vào cuối năm nay, tôi sẽ trở về nhà ở Richmond, VA (Virginia), để gần gũi hơn với gia đình.”
Trong thời gian ông Tony Phạm lãnh đạo ICE, cơ quan này đã phát động một chiến dịch được cho là gây nhiều tranh cãi, nhằm dựng lên các bảng hiệu lớn dọc đường quốc lộ xuyên Pennsylvania, một tiểu bang “chiến trường” quan trọng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vừa qua, mà trên đó có hình ảnh các khuôn mặt “của những người vi phạm luật di trú đang chạy trốn, có khả năng gây hiểm hoạ cho an toàn công cộng” như cơ quan này mô tả.
Cũng trong thời gian ông Tony Phạm điều hành ICE, một số tổ chức và cá nhân bảo vệ người nhập cư đã lên tiếng kêu gọi ông trả tự do cho những di dân bị cơ quan này giam giữ trong bối cảnh các trại giam bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Hồi tháng 10, lãnh đạo một nhóm hoạt động của người Việt tại Philadelphia đã bị bắt với cáo buộc liên hệ tới cuộc biểu tình bên ngoài tư gia của ông Tony Phạm “nhằm bày tỏ quan tâm về cách đối xử với những người bị cơ quan di trú liên bang giam giữ.”
Trước đó vào cuối tháng 9, 30 dân biểu liên bang Hoa Kỳ kêu gọi ông Tony Phạm “chấm dứt việc bắt giam và trục xuất các di dân tị nạn gốc Đông Nam Á, bao gồm từ Việt Nam, Campuchia và Lào” qua một bức thư chung do dân biểu Alan Lowenthal đưa ra, trong đó bày tỏ quan ngại về việc 30 di dân gốc Việt, gồm cả những người đến Mỹ tị nạn trước năm 1995 được bảo vệ bởi một hiệp định ký giữa hai chính phủ Hoa Kỳ và Việt Nam, bị DHS trục xuất về nước.
Là con trai của cựu trung tá Công binh Việt Nam Cộng hòa, ông Tony Phạm rời Sài Gòn sang Hoa Kỳ lánh nạn cùng với gia đình năm 1975 khi ông mới hai tuổi. Ông có gần 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực pháp lý, từng là một công tố viên và giám sát một nhà tù tại tiểu bang Virginia.
Theo mô tả về người người đang nắm quyền giám đốc ICE trên trang web của cơ quan này, ông Tony Phạm trở thành công dân Hoa Kỳ sau 10 năm tới Mỹ. Ông nói trong phần mô tả bản thân rằng ông và gia đình “tới đất nước này như những người tị nạn tìm kiếm hy vọng và cơ hội” và “quyền tự do cũng như cơ hội” mà ông có được là một “món nợ” mà ông phải trả cho nước Mỹ.