Theo bảng xếp hạng toàn cầu mới nhất về chỉ số hạnh phúc do Liên Hiệp Quốc bảo trợ, Việt Nam tiến một bậc lên vị trí 94 trong tổng số 156 nước có tên.
Trong khi đó Anh tăng bốn bậc về hạnh phúc đứng ở vị trí 15 bất chấp cuộc khủng hoảng hiện nay liên quan tới Brexit.
Là người sống tại Anh nhưng theo dõi sát những diễn biến tại Việt Nam, tôi có thể hiểu được tại sao có sự khác biệt quá lớn giữa độ hài lòng của người dân Anh và các đồng hương của tôi tại Việt Nam.
Điều lớn nhất chính là sự tự do quyết định các vấn đề trong cuộc sống của mình mà không có sự can thiệp quá lố của chính quyền.
Nếu một ngày đẹp trời bạn chán công việc tẻ nhạt và muốn lập công ty kinh doanh, bạn chỉ việc lên mạng, điền các thông tin cần thiết và nộp vài chục bảng lệ phí. Chỉ sau một, hai ngày bạn đã đàng hoàng là giám đốc công ty tư nhân mà bạn vừa lập ra với trụ sở tại tư gia.
Nếu bạn chán chính quyền và muốn rủ vài chục bạn cũng chán chính trị gia đương quyền giống bạn xuống đường, bạn chỉ việc đăng ký với cảnh sát nơi bạn muốn biểu tình. Họ sẽ đảm bảo an ninh trật tự giúp bạn thay vì cử người tới nhà canh để bạn khỏi đi biểu tình.
Nếu bạn chán nước Anh và muốn đi đây đi đó, bạn có thể tới cả trăm nước mà không cần xin visa.
Nước Anh nơi tôi đang sống cũng không đòi hỏi người dân phải có hộ khẩu. Để chứng minh nơi ở, bạn cần có hoá đơn điện, nước và giấy tờ ngân hàng gửi tới địa chỉ của bạn. Nếu thuê nhà, bạn cần có hợp đồng thuê nhà cộng thêm với giấy tờ ngân hàng gửi tới chẳng hạn.
Họ cũng không bắt người ta phải có chứng minh thư nhân dân. Bạn ra đường chẳng cần mang giấy tờ gì trong người. Nếu bạn phạm luật, người ta cho bạn hai tuần để mang giấy tờ ra cho họ xem.
Có lẽ điều không kém phần quan trọng là Anh vẫn nằm trong số 10 nước phát triển hàng đầu thế giới còn Việt Nam vẫn nằm ngoài 100 nước đầu bảng tính theo thu nhập bình quân đầu người.
Sự giàu có tương đối và tư duy phụng sự người dân thay vì hành họ khiến Anh có hệ thống an sinh xã hội tốt. Những phụ nữ nuôi con một mình được chính quyền địa phương ưu tiên cấp nhà cho họ ở. Các gia đình có con cái có khuyết tật được hưởng trợ cấp và ưu đãi của nhà nước. Anh cũng có hệ thống y tế khám chữa bệnh miễn phí. Khi bạn có bệnh người ta chỉ quan tâm tới chuyện chữa trị cho bạn thay vì hỏi bảo hiểm y tế hay khả năng chi trả của bạn.
Ngay cả cuộc khủng hoảng hiện nay trong chính trường Anh cũng cho thấy hệ thống kiểm soát quyền lực của họ hoạt động tốt. Thủ tướng không thể muốn làm gì thì làm như trường hợp ông Nguyễn Tấn Dũng làm mưa, làm gió, cho quân đốt nhiều tỷ đô la vào những dự án không hề khả thi mà các ông nghị gật cũng chẳng dám ho he nói gì.
Tôi nhớ Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng từng được mời tới dự một phiên chất vấn thủ tướng của Quốc hội Anh khi ông tới thăm nước này hồi năm 2013. Tuy nhiên ông Trọng không dự vì ốm. Người thay ông đi dự là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hiện thời, lúc đó là phó cho ông Dũng. Ông Phúc hẳn không thể quên màn chất vấn Thủ tướng David Cameron tại Hạ viện Anh cách đây sáu năm. Có thể các nhà lãnh đạo Việt Nam coi lãnh đạo phương Tây thật bất hạnh khi chịu sự kìm kẹp và kiểm soát của Quốc hội, toà án và báo chí.
Ở góc độ nào đó, quan chức càng khổ sở vì bị soi bao nhiêu, người dân có lẽ càng hạnh phúc bấy nhiêu. Phải chăng đây là lý do người dân Anh có chỉ số hạnh phúc tăng tới bốn bậc cho dù đất nước đang trong cơn khủng hoảng. Phải chăng họ hài lòng vì đã dạy cho các chính trị gia một bài học rằng người dân mới thực sự là các ông bà chủ?