Cuộc thi tuyển vào đại học ở Đài Loan sẽ diễn ra trong tuần này, khi hàng vạn học sinh vật lộn với những câu hỏi về toán và sinh ngữ để tìm cách lọt vào các trường danh tiếng. Nhưng việc thi cử lệ thuộc nhiều vào trí nhớ này đang ở vào những năm cuối vì giới hữu trách lo ngại các cuộc thi tuyển này làm cho khả năng cạnh tranh của Đài Loan bị sút giảm. Từ Đài Bắc, thông tín viên Ralph Jennings của đài VOA gởi về bài tường thuật.
Các giới chức Đài Loan tin rằng nền kinh tế của họ đang mất dần sức cạnh tranh trước các nước láng giềng như Trung Quốc và Nam Triều Tiên vì giới trẻ ở đảo quốc này thường né tránh những mối rủi ro của việc lập ra một công ty mới hoặc phát minh một thiết bị công nghệ cao.
Để gia tăng tinh thần sáng tạo của người dân, Bộ Giáo dục Đài Loan đang chuẩn bị thực hiện một chương trình chọn lọc mới để các trường đại học hàng đầu có thể nhận thêm những sinh viên có đầu óc sáng tạo và kinh doanh. Hệ thống mới, bắt đầu được áp dụng từ năm 2018, sẽ bao gồm những cuộc thi vấn đáp và để cho học sinh tốt nghiệp trung học chứng tỏ những năng lực ngoài lớp học, chứ không phải chỉ nhớ những gì đã được dạy trong lớp.
Bà Mã Tương Bình, Phó Vụ trưởng Vụ Đại học của Bộ Giáo dục Đài Loan, cho biết một chế độ thi cử đa dạng hơn sẽ có ích cho việc tuyển chọn những sinh viên có đầu óc sáng tạo và kinh doanh.
"Nếu mọi người, nếu những nước khác, đều không ngừng sáng tạo thì khả năng cạnh tranh của chúng tôi sẽ bị sút giảm. Chúng tôi hy vọng nền giáo dục cơ bản 12 năm của chúng tôi chẳng phải chỉ chú trọng tới việc thi cử mà thôi. Chúng tôi muốn biết một học sinh tốt nghiệp trung học có những tài năng nào khác hay không, ngoài khả năng “học gạo.” Chúng tôi muốn giảm bớt tầm quan trọng của những kỳ thi viết. Thi viết chỉ là một cách để chúng tôi biết được học sinh có những kiến thức cơ bản hay không."
Bộ Giáo dục dự trù thay đổi các cuộc thi viết tiêu chuẩn hóa hiện nay trong khoảng thời gian từ năm 2018 đến năm 2021. Điều này sẽ giúp Đài Loan chiếm được vị trí tiên phong trong vùng Đông Bắc Á, nơi các cuộc thi tuyển đại học vẫn chú trọng rất nhiều vào khả năng học thuộc bài của thí sinh.
Bà Mã Tương Bình cho biết Đài Loan sẽ áp dụng cách thức tuyển sinh của những nước Tây phương, chú trọng nhiều hơn tới những kiến thức ngoại khóa; và để tăng cường khả năng sáng tạo của học sinh, bộ giáo dục sẽ sửa đổi chương trình giảng dạy của các trường trung, tiểu học.
Cô Trương Duy Quân, sinh viên luật năm thứ 3 của Đại học Minh Truyền ở Đài Bắc, cho rằng giáo dục bậc đại học của Đài Loan cũng cần được cải tổ.
"Nếu chính phủ muốn thúc đẩy cho tinh thần sáng tạo, họ nên quảng bá cho tinh thần tự lập ở đại học. Họ nên khuyến khích sinh viên tạo lập sự nghiệp riêng. Hiện nay, nhiều sinh viên không dám đứng ta tạo lập sự nghiệp riêng, vì nền giáo dục từ trước đến nay vẫn thiếu tính chất thực tiễn."
Trong bảng xếp hạng hàng năm về sức cạnh tranh toàn cầu của Học viện Phát triển Quản trị Quốc tế (IMD) ở Thụy Sĩ hồi năm ngoái, Đài Loan chiếm vị trí 14, nhưng vẫn còn thua các đối thủ cạnh tranh ở Á châu như Hồng Kông, Singapore và Malaysia.
Bà Mã Tương Bình nói rằng truyền thống văn hóa làm cho nhiều thanh niên không muốn theo đuổi những sự việc mới mẻ. Nhưng bà nói thêm rằng những lớp học chú trọng tới tinh thần sáng tạo tại các trường đại học ở Đài Loan hiện nay lúc nào cũng đông nghẹt sinh viên.
"Các bậc cha mẹ có đầu óc bảo thủ thường khuyên con họ nên tìm kiếm một công ăn việc làm ổn định. Đó là một phần của văn hóa truyền thống. Nhưng cũng có nhiều sinh viên muốn ra ngoài để làm một việc gì đó có tính chất mới mẻ, như lập ra một cơ sở kinh doanh riêng."
Mỗi năm, có khoảng 300.000 sinh viên ở Đài Loan tốt nghiệp đại học.
Kết quả cuộc trắc nghiệm năm nay sẽ quyết định việc nhập học của khoảng 146.000 người, trong đó có nhiều người muốn được nhận vào học ở 10 trường hàng đầu trong số khoảng 150 trường đại học ở Đài Loan.