Đường dẫn truy cập

'Mỹ không biết trước về lễ thượng kỳ Đài Loan ở Washington'


Lễ thượng kỳ tại Phòng Đại diện Kinh tế Văn hóa Đài Bắc ngày 1/1/2015 có sự tham dự của hơn 100 người, trong đó có đặc sứ hàng đầu của Đài Loan, ông Thẩm Lữ Tuần.
Lễ thượng kỳ tại Phòng Đại diện Kinh tế Văn hóa Đài Bắc ngày 1/1/2015 có sự tham dự của hơn 100 người, trong đó có đặc sứ hàng đầu của Đài Loan, ông Thẩm Lữ Tuần.

Giới hữu trách Mỹ nói rằng họ không biết trước về lễ thượng kỳ Trung hoa Dân quốc nhân dịp Năm Mới tại văn phòng đại diện chính phủ Đài Loan ở Washington. Theo tường thuật của thông tín viên Victor Beattie của đài VOA, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã lên án buổi lễ và hối thúc Hoa Kỳ ngăn không cho tái diễn những sự việc tương tự.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Jen Psaki hôm thứ hai tuyên bố chính phủ Mỹ không hay biết trước về một sự kiện bao gồm lễ chào quốc kỳ Đài Loan tại dinh thự Twin Oaks, nơi được dùng làm văn phòng đại diện chính của Đài Loan ở Washington.

"Chúng tôi không biết trước về lễ thượng kỳ ngày 1 tháng 1 ở Twin Oaks. Buổi lễ đó không phù hợp với chính sách của Mỹ. Chúng tôi tiếp tục cam kết một cách đầy đủ với chính sách một nước Trung Hoa dựa trên ba thông cáo chung và Đạo luật Quan hệ với Đài Loan. Không có nhân viên nào của chính phủ Mỹ tham dự sự kiện đó với bất kỳ tư cách nào."

Trước đó trong ngày thứ hai, Trung Quốc đã lên án buổi lễ của Đài Loan. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói rằng Trung Quốc kiên quyết phản đối và đã trình bày lập trường này với Washington. Bà Hoa nói thêm rằng Washington phải tuân thủ chính sách một nước Trung Hoa và vấn đề Đài Loan cần phải được xử lý một cách cẩn thận và thỏa đáng.

Thứ bảy vừa qua, tờ Trung Quốc Thời báo của Đài Loan loan tin lễ thượng kỳ Trung hoa Dân Quốc nhân dịp Năm Mới đã được cử hành lần đầu tiên trong vòng 36 năm kể từ khi Thông cáo chung Mỹ-Trung được ký kết năm 1979. Văn kiện này chuyển sự thừa nhận ngoại giao của Mỹ từ Đài Bắc sang bắc Kinh, thừa nhận chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung hoa là chính phủ hợp pháp duy nhất của Trung Quốc và thừa nhận Đài Loan là một phần của Trung Quốc.

Bản tin của tờ Trung Quốc Thời báo nói rằng lễ thượng kỳ tại Phòng Đại diện Kinh tế Văn hóa Đài Bắc có sự tham dự của hơn 100 người, trong đó có đặc sứ hàng đầu của Đài Loan, ông Thẩm Lữ Tuần. Ông Thẩm nói rằng nhờ chính phủ Mỹ mà buổi lễ được cử hành.

Tờ Taipei Times mô tả lễ thượng kỳ là biểu tượng của một sự tiến bộ đáng kể trong mối quan hệ giữa Đài Loan với Hoa Kỳ. Họ nói rằng chính phủ Mỹ được thông báo trước và đã chấp thuận với điều kiện buổi lễ không được chiếu trên truyền hình.

Ông William Sharp, một chuyên gia về vấn đề Đài Loan của Đại học Hawaii-Pacific, nói rằng Trung Quốc đã có phản ứng quá đáng đối với vụ này.

"Trung Quốc quá nhạy cảm về những vấn đề loại này. Theo tôi, bất cứ vấn đề nào đụng chạm tới chủ quyền, Trung Quốc cũng đều có xu hướng phản ứng quá độ. Trên thực tế thì những gì mà họ đang làm là họ giúp cho Đài Loan được báo chí chú ý tường thuật nhiều hơn. Báo chí Mỹ phần lớn không chú ý tới Đài Loan. Đài Loan bị vấn đề Trung Quốc che phủ. Việc này chỉ làm cho Đài Loan được chú ý nhiều hơn. Đó là một tình huống mà Trung Quốc không muốn xảy ra."

Giáo sư Sharp nói rằng nói rằng lễ thượng kỳ tại dinh thự Twin Oaks không phải là lễ chào cờ tại một cơ sở ngoại giao, mà là tại một tư dinh.

Ông cũng nói rằng quan hệ giữa Hoa Kỳ và Đài Loan đã được cải thiện dưới thời Tổng thống Mã Anh Cửu, một phần là vì Đài Bắc đã làm giảm đi những mối căng thẳng với Trung Quốc dọc theo eo biển Đài Loan, nơi có bề rộng 180 kilo mét. Hồi tháng 11, một giới chức Bộ Ngoại giao Mỹ, ông Kurt Tong đã đến thăm Đài Loan để thảo luận về những vấn đề thương mại và đầu tư. Tháng 12, Tổng thống Obama phê chuẩn kế hoạch bán cho Đài Loan 4 chiếc hộ tống hạm lớp Perry có trang bị phi đạn điều hướng. Kế hoạch này gặp phải sự phản đối kịch liệt của Trung Quốc.

Giáo sư Sharp nói rằng Trung Quốc có thể cũng lo ngại là Đài Loan đang tìm cách xa lánh Trung Quốc, mặc dù mối quan hệ kinh tế giữa đôi bên một ngày một gần gũi hơn.

"Như quí vị đã biết, có một phong trào Hoa Hướng Dương ở Đài Loan hồi tháng 3 và tôi nghĩ rằng Bắc Kinh xem đó là dấu hiệu của thái độ cứng rắn của dân chúng Đài Loan. Ý thức về bản sắc Đài Loan đang gia tăng. Bắc Kinh hiểu rằng dân chúng Đài Loan không mấy sốt sắng về việc thống nhất với Hoa Lục."

Trong phong trào Hoa Hướng Dương, sinh viên và các đoàn thể xã hội đã chiếm Viện Lập pháp Đài Loan trong một thời gian ngắn để phản đối việc ký kết hiệp định thương mại tự do về dịch vụ mà họ tin là sẽ làm cho Đài Loan khó lòng chống đỡ trước những áp lực chính trị của Trung Quốc.

Quốc Dân Đảng đương quyền của Tổng thống Mã Anh Cửu đã bị đại bại trong cuộc bầu cử chính quyền địa phương hồi tháng 11, khiến ông phải từ chức chủ tịch đảng. Một số nhà phân tích nói rằng sự thất bại đó phát xuất một phần từ những chính sách của ông nhằm thắt chặt các mối quan hệ với Trung Quốc.

VOA Express

XS
SM
MD
LG