Đại hội đảng ở Việt Nam hôm nay đồng ý cho 29 ứng viên có nguyện vọng không tái cử, trong đó có ông Nguyễn Tấn Dũng, rút khỏi đề cử Ban chấp hành Trung ương khóa 12.
Theo kết quả về cuộc bỏ phiếu kín, trong 29 nhân sự xin rút có 23 đề cử ủy viên chính thức gồm ông Dũng cũng như Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, và 6 đề cử ủy viên dự khuyết.
Báo chí trong nước cho biết, hiện đại hội tiếp tục bỏ phiếu vòng hai nhằm đảm bảo giữ lại đúng số dư không quá 30%, và sau đó sẽ hoàn thiện danh sách để sáng mai, 26/1, bầu cử Ban chấp hành trung ương khoá mới.
Tin cho hay, với quy định số dư không quá 30%, ngoài danh sách 221 đại biểu được Ban Chấp hành khóa XI đề cử, đại hội sẽ lựa chọn để chốt 36 đại biểu đưa vào danh sách bầu Ban Chấp hành khóa XII.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chưa có bất kỳ bình luận nào về các diễn biến chính trị liên quan tới ông thời gian qua.
Trước đó, hôm 24/1, báo chí trong nước đưa tin, ông Dũng nằm trong số hơn 60 người được các đoàn đề cử nhân sự Ban chấp hành Trung ương khoá mới, khiến dư luận hy vọng rằng cuộc đua vào vị trí người lãnh đạo đảng giữa Thủ tướng Dũng và đương kim tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ gay cấn đến phút chót, dù “cơ hội của ông khá mong manh”.
Một ngày trước đó, một quan chức trong nước xác nhận rằng ông Dũng đã “xin rút” và ông Trọng “ở lại” liên quan tới cuộc đua vào chức Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam.
Thượng tướng Võ Tiến Trung, Ủy viên trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Quốc phòng, nói với báo chí trong nước: "Trung ương khoá 11 giới thiệu bốn người ở lại, cùng với đồng chí Nguyễn Phú Trọng là năm. Nhưng cả bốn người, trong đó có đồng chí Nguyễn Tấn Dũng đều xin rút", Ông Trung nói rằng ông Trọng là "trường hợp đặc biệt" vì “lớn tuổi nhưng ở lại để ứng cử vào chức Tổng Bí thư khóa XII”.
Chính vì ông Dũng “xin rút” nên ông không có tên trong danh sách ban chấp hành trung ương khóa 12, nhưng sự đề cử của các đoàn tại đại hội đã khiến nhiều người hy vọng ông sẽ “lật ngược thế cờ”.