Đường dẫn truy cập

Đại Hội của các bô lão lẩm cẩm?


Các quan chức đếm phiếu trong phiên bầu chọn tại Đại hội đảng lần thứ 11 ngày 17/1/2011.
Các quan chức đếm phiếu trong phiên bầu chọn tại Đại hội đảng lần thứ 11 ngày 17/1/2011.

Thế là Đại Hội XII của đảng cộng sản sắp khai mạc. Về nội dung sẽ không có gì thay đổi. Đây là điều nguy hiểm nhất. Vì vẫn là cái cùm Mác-xít đã hoen rỉ, cái cùm chủ nghĩa xã hội viễn vông, cái cùm chủ nghĩa cộng sản bị thế giới gọi là tội ác chống nhân loại, cái cùm độc đảng cổ lỗ trơ trẽn, cái cùm «ruộng đất của toàn dân» thực tế là biến nông dân thành vô sản, cái cùm «quốc doanh là chủ đạo» thực tế là phá hoại nền kinh tế tận gốc.

Một chuyện đau buồn và ô nhục sẽ diễn ra là toàn bộ học thuyết, đường lối chính sách cơ bản kể trên sẽ được thông qua dễ dàng, trôi chảy, khi tất cả các thứ ấy đã bị cả loài người lắc đầu phủ nhận từ lâu, không ai còn nghĩ đến, viết đến, coi là rác rưởi đã thối rữa do loài người đào thải, mà nay lại được hơn 1.500 nhân vật được coi là tinh túy của đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN) hân hoan nhai đi nhai lại, nuốt trọn một cách ngon lành.

Phần nội dung chính trị của đại hội sẽ xuôi chiều mát mái, tán thành 100 %, trừ phi có một vài tiếng nói trẻ dũng cảm bộc phát trước sự ngơ ngác của hội trường và sự ủng hộ của tuổi trẻ và toàn thể trí thức dân tộc và toàn dân. Sao lại không như thế được? Tôi xin hỏi và đặt vấn đề với gần 200 đại biểu nam và nữ trẻ, có độ tuổi từ 20, 22 đến 38, 40 có mặt trong đại hội này. Các bạn đâu cả rồi? Ai bịt mồm các bạn?

Tôi hy vọng điều bất ngờ ấy sẽ xảy ra, theo đúng quy luật của tự nhiên và xã hội. Một cây lúa chín mãi ắt phải chết để nhường cho vụ lúa khác. Vì sao trong các Đại hội VII, VIII, IX, đã thảo luận rất nhiều về hạn tuổi vào Trung ương và Bộ Chính trị, 60 tuổi, 65 tuổi coi là hạn tuổi cao nhất, với tinh thần rất tiến bộ, rất khoa học là coi trọng tuổi trẻ đất nước ta, «hậu sinh khả úy», trẻ hóa lãnh đạo. Thế mà nay các bô lão trên 60 tuổi là thiểu số vẫn đóng vai trò quyết định mọi thứ, vẫn áp đặt mọi mặt, từ nội dung đến nhân sự, theo quan điểm già cỗi cổ hủ của họ cho đại hội này, còn nặng nề, trơ tráo hơn cả các đại hội trước nữa.

Trong Đại hội IX đã có lúc trước các ý kiến xin được tiếp tục phục vụ của một số bô lão trên 65 tuổi, đại hội đã quyết là nguyên tắc phải tôn trọng, không có chuyện du di, 9 bỏ làm 10, du di mãi thì các lão già trên 70 hoặc 80 tuổi vẫn sẽ tại vị, vậy thì đề ra hạn tuổi làm gì nữa? Năm nay các bô lão lại đề ra trong một quyết định về du di và châm chước, để cho 5, 6 bô lão trong Bộ Chính trị không chịu về nghỉ hưu, lại còn tại chức trên các cương vị cao nhất.

Vậy thì tại sao một số đại biểu trẻ không nổi giận một cách chính đáng, đòi thay đổi hẳn nội dung các văn kiện cho thật trẻ trung, đổi mới, hợp thời đại, hủy bỏ 5 gông cùm quái ác, và đề ra một dàn lãnh đạo mới thật trẻ từ 50 đến 60 tuổi, kể cả trong độ tuổi 40? Đây sẽ là một đề nghị rất chính đáng, đúng lúc, hợp lòng dân, hợp thời đại, một cuộc cách mạng trong phòng họp, chuyển biến và đột phá lên phía trước, bù đắp bao thời gian đã bỏ phí.

Để hỗ trợ cho ý kiến trên, tôi xin kể một số nhà chính trị trẻ trong thời đại chúng ta.

Thủ tướng Canada Justin Trudeau hiện tại, được bầu tháng 10/2015 khi 44 tuổi. Vậy mà ông cũng không phải là thủ tướng trẻ nhất của Canada: năm 1979, ông Joe Clark lên làm thủ tướng lúc 39 tuổi. Hiện nay nước Estonia có Thủ tướng Taavi Roivas mới 34 tuổi. Ở Georgia năm 2013, ông Irakli Garibashvili nhậm chức thủ tướng lúc 31 tuổi. Thủ tướng Nhật Bản hiện nay là ông Shinzo Abe lên làm thủ tướng khi 58 tuổi. Nước Singapore có ông Lý Hiển Long được bầu làm thủ tướng khi 52 tuổi. Tổng thống Barack Obama nhậm chức Tổng thống Hoa Kỳ ngày 20/1/2009 khi 48 tuổi, năm 2012 lại tái đắc cử khi 51 tuổi. Ở Pháp, có ông Laurent Fabius làm Thủ tướng từ năm 1984, khi mới 36 tuổi; hiện nay ông cũng là ngoại trưởng Pháp. Ở Anh, Thủ tướng hiện nay là ông David Cameron nhậm chức thủ tướng năm 2010, khi 43 tuổi.

Ở gần Việt Nam, Indonesia có ông Joko Widodo làm tổng thống từ tháng 10/2014, khi 53 tuổi. Ngày 16/1/2016 sẽ có cuộc Tổng tuyển cử ở Đài Loan; ứng cử viên Thái Anh Văn là Chủ tịch đảng Dân Tiến khi 51 tuổi, năm nay 58 tuổi, có phần chắc sẽ đánh bại đối thủ là Chủ tịch Quốc Dân Đảng Chu Lập Luân với tỷ lệ 45% trên 39 %, (theo AP, Reuteurs 3/1/2016).

Ở nước ta đến bao giờ giới trẻ và phụ nữ mới được giao trách nhiệm lèo lái con tàu quốc gia như các nước xung quanh? Đảng ra bao nhiêu nghị quyết, bồi dưỡng tuổi trẻ, nhưng chỉ những những người trẻ là con cháu các cụ bô lão mới được chiếu cố. Những người này lười học ham chơi, tư duy già nua, lẩm cẩm hơn cả các cụ, bảo hoàng hơn vua, thì làm sao đất nước tiến lên được!

Lẽ ra theo đúng quy luật, Đại hội XII nên ra quyết định cám ơn giới bô lão từ 60 tuổi trở lên, mời tất cả về nghỉ hưu, để cho giới trẻ thực sự tham gia lãnh đạo đất nước. Như thế mới chấm dứt được tệ bảo thủ, giáo điều, cực đoan và tham nhũng, mới giải thoát cho nhân dân khỏi 5 chiếc cùm học thuyết và đường lối già nua cổ hủ, vốn là nguyên nhân của mọi khổ ải bất công lạc hậu trong xã hộI.

Mong rằng tuổi trẻ trong toàn xã hội ta bật dậy và yêu cầu các đại biểu trẻ trong đại hội cần dứt khoát loại bỏ khỏi lãnh đạo giới bô lão cằn cỗi về tư duy để thay bằng một thế hệ lãnh đạo mới mẻ, năng động, làm động lực cho Tổ quốc VN hồi sinh mạnh mẽ.

Xin đừng để cho đại hội này trở thành diễn đàn riêng của các bô lão trên dưới 60, 70 tuổi, lẩm cẩm hết cỡ, tư duy cằn cỗi như đã phơi bày một cách lộ liễu trước công luận suốt mấy tháng qua.

* Blog của nhà báo Bùi Tín là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

  • 16x9 Image

    Bùi Tín

    Nhà báo Bùi Tín hiện sống tự do ở Pháp, là một nhà báo chuyên nghiệp, một nhà bình luận thời sự quốc tế, và là cộng tác viên thường xuyên của đài VOA. Ðối tượng chính của nhà báo Bùi Tín là giới trí thức trong và ngoài nước, đặc biệt là tuổi trẻ Việt Nam quan tâm đến quê hương tổ quốc.

VOA Express

XS
SM
MD
LG