Đường dẫn truy cập

Đại diện UB Ðối ngoại Hạ viện Mỹ đến Việt Nam tìm hiểu thực trạng nhân quyền


Nhà tranh đấu dân chủ Nguyễn Bắc Truyển (thứ hai từ bên phải), từng lãnh án 3 năm rưỡi tù giam hồi năm 2007 về tội danh 'tuyên truyền chống Nhà nước', chụp hình chung với các cựu tù nhân chính trị khác tại Việt Nam.
Nhà tranh đấu dân chủ Nguyễn Bắc Truyển (thứ hai từ bên phải), từng lãnh án 3 năm rưỡi tù giam hồi năm 2007 về tội danh 'tuyên truyền chống Nhà nước', chụp hình chung với các cựu tù nhân chính trị khác tại Việt Nam.
Một phái đoàn của Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Hoa Kỳ đang có mặt tại Việt Nam để tìm hiểu về thực trạng nhân quyền của Hà Nội trong bối cảnh nhân quyền Việt Nam đang bị chú ý.

Chuyến đi được thực hiện giữa lúc Việt-Mỹ thương lượng về Hiệp ước Đối tác Xuyên Thái Bình Dương TPP, giữa lúc Hoa Kỳ tuyên bố nghiêm túc xem xét việc bỏ cấm vận bán võ khí sát thương cho Việt Nam với một số điều kiện nhất định bao gồm cải thiện nhân quyền, và giữa những lời đề nghị đưa tên Việt Nam trở lại danh sách các nước cần đặc biệt quan tâm về tự do tôn giáo CPC.

Ngày 10/8, phái đoàn Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ gồm ông Hunter Strupp, cố vấn chính sách Châu Á; bà Janice Kaguyatan, phó tham mưu trưởng phe Dân chủ; và bà Joan Condon, thành viên cao cấp, cùng với 2 viên chức chính trị của tòa đại sứ Mỹ ở Hà Nội và tòa lãnh sự Mỹ tại Sài Gòn gồm ông Jonathan Hwang và bà Jennifer Neidhart de Ortiz đã có cuộc gặp với nhà đấu tranh dân chủ Nguyễn Bắc Truyển, một cựu tù nhân chính trị từng lãnh án 3 năm rưỡi tù giam hồi năm 2007 về tội danh “tuyên truyền chống Nhà nước”.

Kể từ sau cuộc gặp, ông Truyển đã bị an ninh theo dõi chặt chẽ 24/24. Trong cuộc trao đổi với với VOA Việt ngữ tối 12/8, ông Truyển cho biết thêm chi tiết:
please wait

No media source currently available

0:00 0:06:10 0:00
Tải xuống
Cuộc gặp này diễn ra trước sự kiện Việt Nam có tham gia được TPP hay không và vấn đề Mỹ đang xem xét vấn đề bán võ khí sát thương cho Việt Nam. Cuộc gặp này có liên quan đến những vấn đề đó...
Nhà tranh đấu dân chủ Nguyễn Bắc Truyển.
Ông Nguyễn Bắc Truyển: Theo lời mời của Tổng lãnh sự Hoa Kỳ, tôi gặp một vài viên chức trong Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ, trong đó có ông Hunter Strupp, phụ tá của dân biểu Ed Royce vào lúc 14:30 ngày 10/8/13. Đúng lịch hẹn, tôi đến và có gặp các vị đó trong vòng khoảng 2 tiếng. Kết thúc buổi gặp, ra khỏi khách sạn InterContinental quận I, tôi phát hiện rất nhiều công an mặc thường phục bao vây khách sạn. Tôi buộc lòng phải thông báo cho họ biết về tình trạng này. Từ đó tới nay, rất nhiều công an bao vây nhà tôi và nhà mẹ tôi. Không biết họ sẽ làm gì, nhưng họ bao vây rất đông.

VOA: Cho tới thời điểm cuộc nói chuyện này 6:15 chiều ngày 12/8, sự “bao vây” như anh nói, còn không?

Ông Nguyễn Bắc Truyển: Dạ vẫn còn, vẫn tiếp tục.

VOA: Anh ghi nhận có sự hiện diện của họ, nhưng họ không tiếp xúc hay đặt vấn đề gì với anh?

Ông Nguyễn Bắc Truyển: Họ chỉ canh, giám sát tôi thôi, họ không tiếp cận với tôi và gia đình tôi.

VOA: Đây là một cuộc hẹn đột xuất hay nhân một cơ hội đặc biệt nào không, thưa anh?

Vấn đề tôi quan ngại nhất là tự do trên internet. Gần đây đã có nghị định 72 kiểm soát thông tin được truyền trên mạng. Vấn đề thứ hai mà tôi quan tâm là việc các tù nhân bị phân biệt đối xử trong trại giam, tình trạng bắt bớ từ 2010 đến nay...
Ông Nguyễn Bắc Truyển.
Ông Nguyễn Bắc Truyển: Theo lịch làm việc của phái đoàn Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ, họ đến Việt Nam để tìm hiểu vấn đề nhân quyền Việt Nam. Đây không phải là cuộc hẹn đột xuất. Chuyến đi của họ là muốn tìm hiểu tình hình nhân quyền trong thời gian qua.

VOA: Thường các cuộc gặp với những nhà bất đồng chính kiến hay diễn ra trước các cuộc đối thoại nhân quyền Việt-Mỹ hay trước các sự kiện quan trọng nào đó như trước các chuyến thăm qua lại chẳng hạn. Cuộc gặp lần này có nằm trong bối cảnh hay sắp có sự kiện nào không?

Ông Nguyễn Bắc Truyển: Cuộc gặp này diễn ra trước sự kiện Việt Nam có tham gia được TPP hay không và vấn đề Mỹ đang xem xét vấn đề bán võ khí sát thương cho Việt Nam. Cuộc gặp này có liên quan đến những vấn đề đó.

VOA: Xin cho biết nội dung trao đổi trong 2 tiếng đồng hồ đó, những vấn đề họ đặc biệt quan tâm?

Ông Nguyễn Bắc Truyển: Cuộc gặp gồm 2 phần. Trước tiên, họ đặt câu hỏi về các tình trạng vi phạm nhân quyền. Những gì họ biết, họ muốn kiểm tra lại xem có chính xác hay không. Thứ hai, họ quan tâm đến chuyện đàn áp tôn giáo ở Việt Nam, đặc biệt tại các vùng có người dân tộc thiểu số, Phật giáo thiểu thừa của người Khmer ở đồng bằng sông Cửu Long, Phật giáo Hòa Hảo, Cao Đài, Tin Lành, và Thiên Chúa giáo ở các miền Thượng ở Trung phần. Kế đó, họ hỏi các nhà hoạt động có ý kiến gì về vấn đề đàm phán TPP, vấn đề bán võ khí sát thương cho Việt Nam, và việc Việt Nam bị đề nghị đưa lại vào danh sách các nước cần đặc biệt quan tâm về tự do tôn giáo CPC.

VOA: Trong dịp này, anh đã nêu ra những quan tâm thế nào?

Ông Nguyễn Bắc Truyển: Vấn đề tôi quan ngại nhất là tự do trên internet. Gần đây đã có nghị định 72 kiểm soát thông tin được truyền trên mạng. Vấn đề thứ hai mà tôi quan tâm là việc các tù nhân bị phân biệt đối xử trong trại giam, tình trạng bắt bớ từ 2010 đến nay có khoảng 200 nhà hoạt động, dân oan, blogger bị bắt với tổng cộng các bản án lên tới hàng ngàn năm tù. Đó là những vấn đề tôi nhấn mạnh.

VOA: Đây có phải là cuộc trao đổi đầu tiên của anh với các giới chức Mỹ về vấn đề nhân quyền Việt Nam?

Ông Nguyễn Bắc Truyển: Dạ không. Từ trứơc tháng 8/2012 tôi bị quản chế nên các cuộc gặp gỡ thế này hết sức khó khăn với tôi. Nhiều lần ông Daniel Baer sang muốn tới thăm tôi tại gia đình cũng không được gặp, họ cũng ngăn cản không cho ông vào. Sau khi hết thời hạn quản chế, việc đi đứng của tôi có dễ dàng hơn. Do đó, tôi cũng thường xuyên gặp gỡ các quan chức Mỹ.

VOA: Anh ghi nhận cuộc gặp lần này có những đặc điểm nào khác biệt so với những lần gặp trước, nếu có sự so sánh?

Ông Nguyễn Bắc Truyển: Tôi có cảm nhận thế này. Trước đây, tôi thường gặp các viên chức chính trị của đại sứ quán, tổng lãnh sự Mỹ. Đó là các viên chức thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ. Lần này, tôi gặp những người bên Quốc hội Mỹ, những đại diện của người dân Mỹ. Một bên là hành pháp, còn một bên là lập pháp. Sau lần gặp này, tôi thấy cả hành pháp lẫn lập pháp Mỹ đều thống nhất quan điểm về vấn đề nhân quyền Việt Nam. Chính phủ cũng như Quốc hội Hoa Kỳ có sự quan tâm đến việc này. Họ đi gần 10 ngàn cây số từ Mỹ sang đây, chứng tỏ thật sự họ rất quan tâm.

VOA: Xin chân thành cảm ơn anh đã dành thời gian cho cuộc trao đổi này.

VOA Express

XS
SM
MD
LG