Đường dẫn truy cập

Đại biểu QH đề xuất ‘tù tại gia’, nhiều người lo lắng về bất công


Ước tính có khoảng 200.000 tội phạm đang bị giam giữ trong các nhà tù Việt Nam
Ước tính có khoảng 200.000 tội phạm đang bị giam giữ trong các nhà tù Việt Nam

Một đại biểu quốc hội Việt Nam mới đây đề xuất việc xem xét áp dụng hình thức “tù tại gia”, một ý tưởng được một số người ủng hộ song cũng có nhiều người khác lo lắng rằng cách thi hành án này có thể bị lợi dụng, tạo ra những bất công.

Theo các báo trong nước, ông Hồ Đức Phớc nêu ra ý tưởng hôm 12/11 trong một phiên thảo luận về Dự luật Thi hành án. Vị đại biểu của tỉnh Nghệ An được các báo như Giao Thông và Vietnam Finance trích lời nói rằng ông đề nghị nghiên cứu hình thức “tù tại gia” để “giảm bớt áp lực quá tải trại giam” cũng như “giảm áp lực chi tiêu của ngân sách nhà nước”.

Ông Phớc, người cũng giữ chức Tổng Kiểm toán Nhà nước, phát biểu rằng cách làm này có thể áp dụng đối với những trường hợp “phạm tội nhẹ, ít có khả năng gây nguy hiểm cho xã hội”, các bản tin cho hay.

Ngược lại, ông Phớc nhấn mạnh rằng tội phạm về ma tuý, tham nhũng, giết người, hay tội phạm an ninh quốc gia vẫn “phải cách ly với xã hội”, theo các bản tin.

Về quản lý tù nhân tại gia, ông Phớc gợi ý việc giam giữ trong “khung nhà sắt” rồi giao cho gia đình chăm sóc, còn giám thị có thể “định kỳ hoặc đột xuất kiểm tra”, nếu để tù nhân trốn mất, gia đình người đó sẽ phải chịu trách nhiệm, một bản tin của báo Giao Thông cho hay.

Bên cạnh đó, bài báo cũng tường thuật rằng ông Phớc còn gợi ý một cách làm khác là gắn chip điện tử để theo dõi đối tượng “tù tại gia” giống một số nước khác đã làm. Tù nhân loại này sẽ “chỉ được đi loanh quanh trong một khu vực nhất định”, ông nói.

Điều được vị đại biểu của Nghệ An cho là “vấn đề quan trọng nhất” trong đề xuất của ông là phải có quy trình và quy định về loại tội nào, mức án nào mới được hưởng “tù tại gia”.

Bộ trưởng Công an Việt Nam Tô Lâm
Bộ trưởng Công an Việt Nam Tô Lâm

Bộ trưởng rất thận trọng bởi vấn đề quá mới ... Từ xưa đến nay, với tội phạm các thứ người ta cứ muốn tống vào tù, nhốt thật chặt. Cái đấy bây giờ cũng cần thay đổi tư duy đi
Nhà báo Nguyễn Như Phong

Các báo trong nước cho hay ý tưởng của ông Phớc nhận được sự đồng tình của Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Quốc hội Lê Thị Nga. Trong khi đó, khi được hỏi về vấn đề này, Bộ trưởng Công an Tô Lâm chỉ phát biểu ngắn gọn với báo chí rằng “Đây là vấn đề mới, chúng tôi ghi nhận ý kiến của đại biểu Quốc hội và sẽ nghiên cứu”.

Nhà báo kỳ cựu Nguyễn Như Phong, người từng giữ cấp bậc đại tá trong ngành công an, chia sẻ với VOA về nhận định của ông:

“Bộ trưởng rất thận trọng bởi vấn đề quá mới. Thứ hai là nó còn liên quan đến văn hóa của từng nước, từng dân tộc. Từ xưa đến nay, với tội phạm các thứ người ta cứ muốn tống vào tù, nhốt thật chặt. Cái đấy bây giờ cũng cần thay đổi tư duy đi”.

Qua nhiều năm làm báo cho ngành công an và hiểu biết khá rõ về các trại giam, ông Phong nói với VOA rằng ở những nơi đó “có nhiều cái phức tạp” nhưng ông không đi vào chi tiết, mà ông nói thêm rằng “nếu để cho một số người được cải tạo tại nhà, đó cũng là một hình thức rất hay, rất nhân đạo”.

Trên Facebook cá nhân, vị cựu đại tá công an viết cụ thể hơn rằng “Nói một cách phũ phàng, trần trụi, thì nhà tù là nơi ‘rèn’ cho người phạm tội thêm ý chí, thêm thủ đoạn để đối phó với pháp luật”. Ông cũng đưa ra quan sát cá nhân rằng đối với một số người, “những năm tháng tù đã giúp cho họ ‘ngộ’ ra cái giá của sự tự do... Nhưng thực sự, số này không phải là nhiều”.

Sau khi báo chí đưa tin về ý tưởng “tù tại gia” của đại biểu Hồ Đức Phớc, những người sử dụng mạng xã hội đã có nhiều thảo luận về đề tài này.

Quản chế tại gia khác với tù tại gia. Bởi vì tù có nghĩa là anh sẽ làm một cái nhà tù ngay trong nhà của anh thì không nên.
Nhà báo Nguyễn Như Phong

Một số người cho rằng đại biểu Phớc dường như đã nhầm giữa hình thức quản chế và hình phạt tù. Cựu đại tá Nguyễn Như Phong có cùng quan điểm. Ông nói với VOA:

“Có thể là nhầm lẫn đấy. Quản chế tại gia khác với tù tại gia. Bởi vì tù có nghĩa là anh sẽ làm một cái nhà tù ngay trong nhà của anh thì không nên. Nhưng mà anh đeo một cái còng hay khóa ở cổ chân và quy định rằng anh chỉ được phép đi ra, lấy cái tâm nhà ra ngoài được 30 m hay 20 m. Còn anh đi quá là anh đã phạm tội, thì tôi nghĩ bây giờ công nghệ có thể hoàn toàn làm được việc đó”.

Gác vấn đề khái niệm nào là đúng sang một bên, trên Facebook, các cuộc thảo luận trong diễn đàn “Góc nhìn Báo chí – Công dân” hay trên các trang cá nhân của luật sư Lê Luân, các nhà báo Hoàng Linh, Nguyễn Như Phong, nhà văn Trần Quốc Quân, là các Facebooker có số lượng theo dõi đông đảo, cho thấy nhiều người lo ngại về các lỗ hổng sẽ bị lợi dụng, nếu “tù tại gia” được thi hành.

Mối lo được nhiều người đề cập nhất trong số hàng trăm lời bình luận là những kẻ tội phạm có nhiều tiền, đặc biệt là tội phạm tham nhũng, có thể “chạy án” làm “biến tướng” việc thi hành án, chưa kể bên cạnh đó là những điều còn chưa được làm rõ về trách nhiệm của giám thị và quyền được giám sát của công dân đối với vấn đề này.

Tội phạm tham nhũng ở Việt Nam vẫn có thể phải nhận án tù nặng nề theo luật hiện hành
Tội phạm tham nhũng ở Việt Nam vẫn có thể phải nhận án tù nặng nề theo luật hiện hành
Khi người ta đã tham nhũng để bằng mọi cách người ta có tiền, thì đối với loại tội đấy cứ phạt tiền thật nặng. Nó còn ác hơn là đi tù.
Nhà báo Nguyễn Như Phong

Nhà báo Nguyễn Như Phong có cách nhìn riêng về việc trừng trị tội phạm tham nhũng. Ông nói với VOA:

“Với tội tham nhũng nên có cách phạt hay nhất là phạt tiền. Khi người ta đã tham nhũng để bằng mọi cách người ta có tiền, thì đối với loại tội đấy cứ phạt tiền thật nặng. Nó còn ác hơn là đi tù. Còn nói thật là đi tù với loại tội đấy chả giải quyết gì đâu”.

Theo luật hình sự hiện hành của Việt Nam, tội tham ô và nhận hối lộ có thể nhận án tù thấp nhất là 2 năm, cao nhất là tử hình, tùy theo mức độ vi phạm.

Đề xuất về “tù tại gia” của đại biểu quốc hội Hồ Đức Phớc được đưa ra trong bối cảnh mà bản thân ông mô tả với báo chí là “các cơ sở giam giữ đang quá tải, tất cả các tội phạm nhẹ hay nặng đều được đưa vào các cơ sở giam giữ, và ngân sách nhà nước phải chi một khoản không nhỏ cho việc này”.

Không có các con số chính thức được Việt Nam công bố về tổng chi phí cho việc giam giữ các tù nhân. Các nguồn khác nhau ước tính không chính thức rằng đến năm 2016, Việt Nam có xấp xỉ 200.000 tù thường phạm hoặc hình sự.

VOA Express

XS
SM
MD
LG