Mặc dù bất bình trước chính sách bảo hộ thương mại của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump, nhưng những khác biệt cơ bản về lợi ích chiến lược giữa Tokyo và Bắc Kinh khiến cho Nhật không thể nào xích lại gần hơn với Trung Quốc, ông Berkshire Miller, một chuyên gia về quan hệ quốc tế đóng ở Tokyo của Hội đồng Đối Ngoại – một viện nghiên cứu chiến lược của Mỹ - nhận định.
Ông Miller đã đưa ra nhận định này trong bài viết có tiêu đề: “Thỏa thuận ký với Trung Quốc của Nhật thuần túy là thực dụng. Ngay cả Donald Trump cũng không thể đẩy Tokyo vào vòng tay của Bắc Kinh” đăng trên Foreign Policy, tạp chí về các vấn đề chính sách đối ngoại hàng đầu của Mỹ, hôm 3/7.
Một số nhà phân tích mới đây đã cho rằng những động thái trong chính sách đối ngoại chưa từng thấy và thẳng thừng của Mỹ dưới thời của Tổng thống Donald Trump đã khiến cho Nhật Bản – đồng minh quan trọng nhất của Mỹ ở Đông Á – xích lại gần hơn với Trung Quốc. Một bài báo trên tờ Wall Street Journal chạy tít ‘Chiến tranh thương mại của Trump đưa Nhật và Trung lại với nhau’ và gọi hai nước này là ‘đồng sàng dị mộng’. Một số người khác còn dùng sự bất an do chính quyền Trump gây ra để làm nền tảng cho sự tan băng trong quan hệ giữa hai kinh địch ở Đông Á.
“Mặc dù những lập luận này cũng có chỗ đúng, Tokyo cũng sẽ không mau chóng bỏ rơi Washington để quay sang Bắc Kinh,” ông Miller nhận định. “Chính sách của Nhật đối với Trung Quốc sẽ trở nên thực dụng hơn trước sự gia tăng sức mạnh của Trung Quốc và vai trò trở nên bất định của Mỹ, nhưng điều cuối cùng mà Tokyo không muốn nhìn thấy là Mỹ triệt thoái khỏi Đông Á.”
Theo ông Miller, những biến động to lớn trong chính sách đối ngoại của ông Trump được cảm nhận sâu sắc ở Nhật Bản. Khi vừa mới lên cầm quyền được một tuần, ông Trump đã loan báo rút Mỹ ra khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) – một thỏa thuận thương mại đa phương mà trước đó do Washington làm đầu tàu với sự hỗ trợ đắc lực của Thủ tướng Nhật Shinzo Abe. Ngay sau đó, ông Trump đã tìm cách giảm quy mô của các liên minh lâu đời của Mỹ ở Đông Á, trong đó quan hệ với các đồng minh Nhật Bản và Hàn Quốc, với lời cáo buộc rằng các nước này lợi dụng liên minh an ninh với Mỹ với chi phí thấp nhất.
Mới đây nhất, cuộc tấn công của ông Trump trên mặt trận thương mại đã nhằm vào cả đối thủ lẫn đồng minh, trong đó đó Nhật, Canada và Liên minh châu Âu. Chính quyền của ông đã áp đặt thuế cao lên nhôm và thép nhập khẩu từ Nhật và viện dẫn những điều luật hà khắc để đóng khung những động thái đó là cần thiết cho an ninh quốc gia của Mỹ.
Tokyo cũng quan ngại rằng chính quyền ông Trump đang tung hô quá mức một thỏa thuận với Bình Nhưỡng vốn không có nhiều thực tế trên cơ sở Washington đang thiếu một chiến lược toàn diện để đối phó với sự quả quyết của Bắc Kinh trong khu vực. Mặc dù Nhật Bản là nước nhiệt thành ủng hộ chiến dịch gây sức ép tối đa của ông Trump nhằm để đưa Bắc Triều Tiên vào bàn đàm phán, họ cũng cảnh giác trước những diễn biến mới đây mà họ xem là ‘nhượng bộ Bình Nhưỡng mà không có gì đáp lại’.
Không lâu sau khi Tổng thống Donald Trump gặp nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un ở Singapore, ông Trump đã đề xuất dừng tập trận với Hàn Quốc. Tuyên bố của ông Trump, rõ ràng là không có sự tham vấn các đồng minh Nhật Bản hay Hàn Quốc, đã làm nảy sinh những nghi ngờ về cách tiếp cận của Mỹ đối với bán đảo Triều Tiên. Tokyo cũng hết sức lo lắng trước việc ông Trump mô tả những cuộc tập trận này là ‘khiêu khích’ và ‘tốn kém’. Cách mô tả như thế càng khoét sâu quan ngại rằng Nhà Trắng đang xem các đồng minh trong khu vực là gánh nặng tài chính và an ninh chứ không phải là một phần cốt yếu trong chính sách châu Á của Mỹ và ổn định khu vực.
Cùng lúc đó, đã có những tiến triển nổi bật trong quan hệ Trung-Nhật. Hồi tháng trước, Tokyo đã tiếp đón Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường. Trong chuyến thăm này, Tokyo và Bắc Kinh đồng ý thiết lập Hội đồng Vành đai, Con đường và chốt lại cơ chế tiếp xúc trên không và trên biển vốn đã được bàn thảo từ lâu để tránh những vụ va chạm không cố ý trên vùng Biển Hoa Đông – nơi hai nước có tranh chấp chủ quyền đối với một chuỗi đảo.
Còn trên mặt trận thương mại, cả hai nước đều có lợi ích trong việc đẩy lùi những động thái bảo hộ của chính quyền Trump và thúc đẩy một môi trường thương mại ổn định hơn trong khu vực. Hai nước đang tiếp tục đàm phán thỏa thuận mậu dịch tự do Trung-Nhật-Hàn và một hiệp ước Đối tác Kinh tế Khu vực Toàn diện rộng hơn, gọi tắt là RCEP.
Tuy nhiên, những tiến triển mà chúng ta thấy, theo ông Miller, chỉ ở mức khiêm tốn và từ từ. Thứ nhất, giữa Nhật và Trung vẫn còn những vấn đề cấu trúc về việc thiếu lòng tin chiến lược – từ tranh chấp đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư và tài nguyên trên Biển Hoa Đông, sự mạnh bạo của Trung Quốc trong khu vực và tốc độ hiện đại hóa quân sự nhanh chóng của Trung Quốc, sự hiện diện của liên minh quân sự Mỹ-Nhật cho đến mối quan hệ giữa Nhật với Đài Loan – những vấn đề này đều có cội rễ sâu xa và vẫn chưa được giải quyết.
Thứ hai, mặc dù có những quan ngại chính đáng của Nhật, và của hầu hết các đồng minh của Mỹ, về luận điệu ngày càng thù địch của chính quyền Trump đối với các đồng minh, Tokyo vẫn dính chặt với Washington với tư cách là người bảo trợ an ninh cho họ. Điều này vẫn không thay đổi ngay cả với những luận điệu chua chát của ông Trump.
Do đó, thay vì chỉ đích danh Washington để chỉ trích vì lập trường bảo hộ mậu dịch – một động thái sẽ càng giảm lòng tin vào vai trò của Mỹ ở châu Á và củng cố vị thế của Trung Quốc – Nhật Bản đã và đang tìm cách giữ cho Mỹ can dự vào khu vực thông qua một chiến dịch ngoại giao tăng cường, ông Miller nhận định. Điều này nhận thấy rõ nhất ở khu vực Nam Á và đông nam Á, nơi ông Abe đang tìm cách thúc đẩy mối quan hệ chiến lược của Nhật đối với các nước như Ấn Độ, Việt Nam và Philippines. Mục tiêu của hành động này không phải là cân bằng lại trước một Washington không còn đáng tin mà là để giữ cho Mỹ can dự vào khu vực thông qua một mạng lưới các quan hệ để ủng hộ cho mục tiêu của Mỹ ở khu vực, chẳng hạn như tự do hàng hải và giải quyết tranh chấp bằng luật pháp quốc tế.
Cuối cùng, mặc dù Tokyo vẫn tiếp tục điều chỉnh lại lập trường an ninh quốc phòng dưới thời của ông Abe, động thái này là một phần của nỗ lực đã diễn ra nhiều thập niên dưới nhiều chính phủ Nhật khác nhau. Những động thái của Abe, chẳng hạn như thành lập Hội đồng An ninh Quốc gia, Chiến lược An ninh Quốc gia, chủ yếu là để bổ sung và củng cố liên minh Mỹ-Nhật chứ không phải xoay trục ra nơi khác do những mối quan ngại về lập trường của Mỹ.