Đường dẫn truy cập

Các lãnh đạo thế giới bắt đầu phát biểu tại Hội nghị COP 26


Hội nghị COP26 này được coi là quyết định sự thành bại của cuộc chiến chống biến đổi khí hậu
Hội nghị COP26 này được coi là quyết định sự thành bại của cuộc chiến chống biến đổi khí hậu

Hôm 1/11, các nhà lãnh đạo thế giới đã bắt đầu đến hội nghị quan trọng của Liên Hợp Quốc nhằm ngăn chặn những hậu quả thảm khốc nhất của biến đổi khí hậu. Thách thức họ đối mặt thậm chí còn trở nên khó khăn hơn bởi các nước công nghiệp hàng đầu đã không thể đồng ý đưa ra cam kết mới đầy tham vọng.

Hội nghị COP26 tại thành phố Glasgow của Scotland khai mạc một ngày sau khi các nền kinh tế G20 không thể cam kết về một mục tiêu cho đến năm 2050 là ngừng phát thải carbon ròng – thời hạn được nhiều người nêu lên là cần thiết để ngăn chặn tình trạng nóng lên toàn cầu khắc nghiệt nhất.

Thay vào đó, các cuộc đàm phán của họ ở Rome chỉ thừa nhận việc ngừng phát thải ròng có ‘tầm quan trọng chủ chốt’ vào giữa thế kỷ, không đưa ra thời gian biểu để tiến tới ngừng khai thác than ở trong nước và giảm bớt những hứa hẹn cắt giảm khí thải metan, một loại khí nhà kính mạnh hơn nhiều lần so với carbon dioxide.

Nhà hoạt động người Thụy Điển Greta Thunberg đã kêu gọi hàng triệu người ủng hộ ký một bức thư ngỏ cáo buộc các nhà lãnh đạo phản bội.

“Là công dân trên khắp hành tinh, chúng tôi kêu gọi quý vị đứng lên đối mặt với tình trạng khẩn cấp về khí hậu,” cô viết trên Twitter. “Không phải năm sau. Không phải tháng tới. Mà là bây giờ.”

Nhiều lãnh đạo trong số đó đã lên bục phát biểu ở Glasgow để bảo vệ thành tích của họ, cũng có khi đưa ra cam kết mới vào lúc bắt đầu các cuộc đàm phán kéo dài hai tuần mà nước chủ nhà Anh coi là quyết định sự thành bại của mục tiêu chống biến đổi khí hậu.

“Nhân loại lâu nay đã để đồng hồ biến đổi khí hậu trôi qua. Chỉ còn một phút nữa là đến nửa đêm và chúng ta cần phải hành động ngay bây giờ,” Thủ tướng Anh Boris Johnson nói trong lễ khai mạc.

“Nếu chúng ta không nghiêm túc về biến đổi khí hậu ngay ngày hôm nay, sẽ là quá muộn để con cái chúng ta hành động vào ngày mai.”

Bất đồng giữa một số nước phát thải lớn nhất thế giới về cách cắt giảm than đá, dầu mỏ và khí đốt, và làm sao giúp các nước nghèo thích nghi với nóng lên toàn cầu, sẽ không làm cho mọi thứ dễ dàng hơn.

Tại G20, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã chỉ ra Trung Quốc và Nga, hai nước mà lãnh đạo của họ đã không đến Glasgow, là đã không đưa ra đề xuất lên bàn đàm phán.

Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan, đi cùng Tổng thống Biden trên máy bay Air Force One, cho biết hội nghị Glasgow có thể gây áp lực lên những người chưa tích cực nỗ lực, nhưng nỗ lực toàn cầu sẽ không chấm dứt với hội nghị này.

“Điều quan trọng là chúng ta phải nhận ra rằng công việc sẽ phải tiếp tục sau khi mọi người về nhà,” ông nói với các phóng viên.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, nước phát thải khí nhà kính lớn nhất, hơn cả Mỹ, sẽ gửi bài phát biểu bằng văn bản tới hội nghị, theo lịch trình chính thức.

Tổng thống Nga Vladimir Putin, một trong ba quốc gia sản xuất dầu hàng đầu thế giới cùng với Mỹ và Saudi Arabia, đã từ bỏ kế hoạch tham gia cùng lúc vào bất kỳ cuộc đàm phán nào thông qua video, Điện Kremlin cho biết.

Hứa hẹn và hứa hẹn

Bị hoãn một năm vì đại dịch Covid-19, COP 26 đặt mục tiêu giữ vững mục tiêu hạn chế sự ấm lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C so với thời tiền công nghiệp – mức độ mà các nhà khoa học cho rằng sẽ tránh được các hậu quả thảm khốc nhất.

Để làm được điều này, hội nghị cần đảm bảo có được các cam kết tham vọng hơn để giảm phát thải, dành riêng hàng tỷ đô la tiền hỗ trợ về khí hậu cho các nước đang phát triển và hoàn thành các quy tắc thực thi Thỏa thuận Paris 2015, vốn được gần 200 quốc gia ký kết.

Các cam kết hiện tại về cắt giảm khí thải sẽ khiến nhiệt độ bề mặt trung bình của hành tinh tăng 2,7 độ C trong thế kỷ này, điều mà Liên Hợp Quốc cho biết sẽ đẩy nhanh sự tàn phá mà biến đổi khí hậu đã gây ra khi nó làm cho bão mạnh hơn, khiến nhiều người phải chịu cái nóng và lũ lụt chết người, làm mực nước biển dâng và phá hủy môi trường sống tự nhiên của các sinh vật.

Hồi tuần trước, các nước phát triển xác nhận rằng họ bị chậm 3 năm trong việc thực hiện lời hứa được đưa ra hồi năm 2009 là sẽ cung cấp 100 tỷ đô la một năm để viện trợ khí hậu cho các nước đang phát triển cho đến năm 2020.

“Châu Phi chỉ tạo ra 3% lượng khí thải toàn cầu, nhưng người châu Phi đang phải gánh chịu hậu quả thảm khốc nhất của khủng hoảng khí hậu,” nhà hoạt động Uganda Evelyn Acham nói với tờ la Stampa của Ý.

“Họ không tạo ra cuộc khủng hoảng, nhưng họ vẫn đang phải trả giá cho chủ nghĩa thực dân, vốn đã khai thác tài nguyên của châu Phi trong nhiều thế kỷ,” bà nói. “Chúng ta phải chia sẻ trách nhiệm một cách công bằng”.

Sau hai ngày phát biểu của các nhà lãnh đạo thế giới bắt đầu từ hôm 1/11 sẽ là các cuộc đàm phán kỹ thuật. Sẽ không có bất kỳ thỏa thuận nào có thể đạt được cho đến gần hoặc thậm chí sau ngày kết thúc hội nghị vào ngày 12/11.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG