Những mối căng thẳng ở bán đảo Triều Tiên lại tăng cao hồi đầu tuần này khi Hoa Kỳ và Nam Triều Tiên tiến hành những cuộc thao dượt quân sự hỗn hợp. Trong khi đó, người từng đứng đầu phái đoàn Mỹ tại cuộc đàm phán 6 bên về chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên đã đưa ra một nhận định bi quan về triển vọng hòa bình của bán đảo này. Thông tín viên đài VOA Brian Padden tường thuật từ Seoul.
Hàng năm Hoa Kỳ và Nam Triều Tiên tiến hành một cuộc thao dượt quân sự qui mô lớn kéo dài nhiều tuần lễ với sự tham gia của hàng ngàn binh sĩ để chuẩn bị ứng phó với một cuộc tấn công mà Bắc Triều Tiên có thể sẽ thực hiện. Và năm nào Bình Nhưỡng cũng phản ứng bằng cách đưa ra những lời lẽ hung hãn và những sự phô trương sức mạnh quân sự.
Năm nay cũng vậy. Bắc Triều Tiên đã bắn hai phi đạn vào Biển Nhật Bản hôm thứ hai. Và hôm nay, Bộ trưởng ngoại giao Bắc Triều Tiên cảnh báo rằng nước ông có khả năng hạt nhân để thực hiện một vụ tấn công phủ đầu.
Những phản ứng của cả hai bên phản ánh một sự thật là những nỗ lực ngoại giao trong quá khứ đã không làm cho căng thẳng trong khu vực giảm bớt.
Cựu Đại sứ Mỹ ở Nam Triều Tiên Christopher Hill đã phát biểu tại một cuộc hội thảo ở Seoul về triển vọng hòa bình của bán đảo Triều Tiên. Ông Hill cho rằng lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong Un dường như cũng có cùng một ý định như ý định của thân phụ ông, ông Kim Jong Il, là làm cho Bắc Triều Tiên trở thành một cường quốc hạt nhân.
"Nếu ông Kim Jong Un muốn từ bỏ vũ khí hạt nhân, tôi có thể nói như thế này, ông ấy chưa cho thấy ý định đó.'
Đại sứ Hill là thương thuyết gia trưởng của Mỹ dưới thời Tổng thống George W Bush trong thập niên 2000 tại cuộc đàm phán 6 bên nhằm hạn chế chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên. Cuộc đàm phán -- bao gồm 2 miền Triều Tiên, Nhật Bản, Trung Quốc, Nga và Hoa Kỳ, đã bị đổ vỡ vào năm 2008.
Từ đó tới nay Bắc Triều Tiên đã thực hiện thêm hai vụ thử nghiệm hạt nhân và nhiều vụ thử nghiệm phi đạn đạn đạo. Liên hiệp quốc đã áp đặt nhiều biện pháp chế tài nghiêm nhặt đối với chế độ ở Bình Nhưỡng.
Việc mở lại cuộc đàm phán giờ đây đã trở nên phức tạp hơn nữa.
Washington tuyên bố họ sẽ không thương thuyết nếu Bình Nhưỡng không có những hành động để giới hạn chương trình hạt nhân của mình.
Trong lúc Bắc Triều Tiên dồn nhiều tiền của cho quân đội và chương trình phát triển vũ khí hạt nhân, dân chúng nước họ tiếp tục đối mặt với nạn nghèo túng và suy dinh dưỡng trên diện rộng. Trung Quốc vẫn cung cấp hỗ trợ kinh tế cho Bắc Triều Tiên, nhưng họ cũng cải thiện các mối quan hệ với Nam Triều Tiên.
Moscow đang tìm cách tăng cường quan hệ với Bình Nhưỡng, nhưng Đại sứ Hill nói rằng ý định đó chưa chuyển hóa thành một chương trình viện trợ.
"Tôi tin rằng chúng ta sẽ nhìn thấy một số dấu hiệu của sự xích lại gần nhau giữa Nga và Bắc Triều Tiên. Nhưng tôi nghĩ rằng rốt cuộc thì Nga luôn luôn muốn thấy rõ các yếu tố lợi hại, và tôi không biết chắc là Bắc Triều Tiên có hiểu được khái niệm đó hay không."
Ông Hill cho rằng Hoa Kỳ và các nước đồng minh phải kiềm chế mối đe dọa hạt nhân của Bắc Triều Tiên cho tới khi nào chế độ Bình Nhưỡng bị sụp đổ dưới sức nặng của nền kinh tế suy sụp. Khi đó, sẽ cần có những nỗ lực ngoại giao để quản lý giai đoạn chuyển tiếp ở Bắc Triều Tiên và trấn an Trung Quốc.
"Tôi không muốn thấy một tình huống, trong đó có một quan điểm chính sách ở Trung Quốc là điều này làm suy yếu vị thế chiến lược của họ, một thắng lợi của Mỹ, một thất bại của Trung Quốc. Chúng ta cần phải né tránh tình huống đó."
Sự chuẩn bị sẵn sàng để ứng phó với khả năng xảy ra chiến tranh tiếp tục là một ưu tiên ở cả hai miền Nam, Bắc Triều Tiên trong lúc căng thẳng đang ở mức cao và viễn ảnh hòa bình không mấy sáng sủa.