Đường dẫn truy cập

CPJ: Số nhà báo bị giết trong khi tác nghiệp tăng vọt


Một tổ chức chuyên cổ vũ quyền tự do báo chí -có trụ sở ở Hoa Kỳ, nói rằng các ca tử vong liên quan tới các cuộc giao tranh ở Syria và những vụ giết người có chủ ý tại 3 quốc gia khác đã biến năm 2012 thành một trong những năm nhiều chết chóc nhất đối với các ký giả từ trước tới nay.

Ủy ban Bảo Vệ Ký giả, gọi tắt là CPJ, nói tính cho tới trung tuần tháng 12, có ít nhất 67 nhà báo bị giết chết, trực tiếp liên hệ tới công việc của họ, tăng 40% so với số tử vong trong năm 2011. Ủy ban Bảo vệ Ký giả cho biết là trên toàn cầu, có thêm 20 ca tử vong khác đang được điều tra.

Trong phúc trình công bố hôm nay, CPJ nói rằng những vụ bất ổn có liên quan tới cuộc đấu tranh chống chính phủ tại Syria đã đưa tới 28 ca tử vong trong giới các nhà báo, các nạn nhân hoặc bị thiệt mạng trong các cuộc giao tranh, hoặc bị nhắm tấn công và bị các lực lượng chính phủ Syria hoặc lực lượng đối lập giết chết.

Tổ chức bênh vực Ký giả nói các nhà báo công dân đã phải trả cái giá tối hậu, 13 người bị giết trong khi phục vụ như các nguồn tin cho các cơ sở truyền thông quốc tế.

Vẫn theo CPJ, 12 nhà báo bị sát hại ở Somalia. CPJ quy lỗi cho các định chế yếu kém hoặc tham nhũng tại nước này về tình trạng các hung thủ không bị truy tố về các vụ giết hại các nhà báo trong thập niên qua.

Pakistan cũng đứng cao trên danh sách với 7 vụ nhà báo bị giết chết, 4 người ở Baluchistan. CPJ nói các nhà báo thường xuyên bị nhắm tấn công tại Pakistan, và thường thì các hung thủ lọt lưới công lý.

CPJ cho hay có 4 nhà báo bị giết ở Brazil trong các ca có liên hệ trực tiếp tới công việc của họ, và tại Mexico, những hành vi bạo động bất thường cũng được dùng để kiềm chế giới truyền thông.

Một số quốc gia khác có ít nhất một ca tử vong trong giới nhà báo, kể cả Nga, Nigeria, Iran và Philippine.

Trong một phúc trình công bố trước đó, CPJ nói một con số kỷ lục lên tới 232 nhà báo đang bị cầm tù trong năm nay. Trong số các nước bị nêu danh, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và Trung Quốc là những nước tệ hại nhất.

VOA Express

XS
SM
MD
LG