Ủy ban Bảo vệ Ký giả (CPJ) và tổ chức Văn bút Hoa Kỳ (PEN America) vừa lên án việc Phạm Đoan Trang bị chuyển tới trại giam xa xôi và cho rằng đây là hành động “trả đũa” của nhà cầm quyền đối với nhà báo bất đồng chính kiến nổi danh của Việt Nam.
Gia đình của Đoan Trang cho biết trong một thông báo đăng tải trên mạng xã hội hồi đầu tháng này rằng nhà báo đang thụ án 9 năm tù vì tội “tuyên truyền chống nhà nước” đã “chính thức chuyển sang giai đoạn thi hành án và bị chuyển tới Trại giam An Phước (Bình Dương) từ ngày 1/10.”
Theo gia đình, Đoan Trang bị chuyển từ Nhà tù Hỏa Lò ở Hà Nội tới trại giam mới ở cách thành phố Hồ Chí Minh gần 100 cây số. Tạp chí The Vietnamese, ấn phẩm tin tức độc lập do bà Trang đồng sáng lập, cũng đưa tin về việc nhà báo, được cộng đồng quốc tế công nhận vì những hoạt động cổ vũ cho dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam, bị chuyển tới trại giam An Phước cách Hà Nội hơn 1.500km.
Trong tuyên bố của CPJ, tổ chức có trụ sở ở New York chuyên thúc đẩy cho tự do báo chí trên toàn thế giới, đại diện Cấp cao Đông Nam Á Shawn Crispin nói rằng “CPJ lên án gay gắt việc chuyển nhà báo Phạm Đoan Trang đến một cơ sở giam giữ cách xa gia đình của bà”.
Tương tự, PEN America, tổ chức cổ vũ cho quyền tự do được viết cũng như bảo vệ quyền tự do biểu đạt ở Mỹ và trên toàn thế giới, cũng “lên án việc chuyển nhà văn và nhà báo Phạm Đoan Trang tới cơ sở giam giữ xa xôi” và gọi đây là “hành động trả đũa cho việc thực thi quyền tự do ngôn luận (của Đoan Trang)”.
Các cuộc gọi của VOA tới Bộ Công an, nơi quản lý các nhà tù và trại giam ở Việt Nam, trong đó có trại giam An Phước, để xin bình luận không được hồi đáp.
Theo CPJ, chính quyền Việt Nam “có một thói quen khó chịu là di chuyển các nhà báo bị bỏ tù ra xa gia đình, luật sư và đồng nghiệp của họ để ngăn cản việc thăm tù thường xuyên cũng như cản trở việc truyền thông về việc điều trị sức khỏe của họ”. Tổ chức này kêu gọi chấm dứt “hành vi xâm hại” này.
Trong khi đó, bà Karin Deutsch Karlekar, giám đốc về Tự do Biểu đạt của Chương trình Rủi ro tại PEN America, cho rằng “từ việc Phạm Đoan Trang bị giam giữ bất hợp pháp kéo dài đến bản án 9 năm tù hoàn toàn bất công và vô lý vào năm ngoái, không có gì ngạc nhiên khi bà phải đối mặt với một biện pháp trả đũa khác từ chính phủ Việt Nam”.
“Chúng tôi kêu gọi các cơ quan chức năng của Việt Nam duy trì cam kết đối với các tiêu chuẩn quốc tế và tôn trọng các quyền cơ bản của công dân được đối xử công bằng và nhân đạo theo pháp luật”, bà Karlekar nói.
Việt Nam chưa công khai phản ứng trước sự lên án và những lời kêu gọi của CPJ và PEN America. Tuy nhiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao ở Hà Nội nhiều lần nói rằng Việt Nam luôn tôn trọng nhân quyền và khẳng định không bỏ tù những người bất đồng chính kiến mà chỉ xử lý những người vi phạm pháp luật.
Trại giam An Phước cũng là nơi nhà báo Nguyễn Tường Thụy và nhà hoạt động sinh viên vì nhân quyền Trần Hoàng Phúc đang bị giam giữ. Việc chuyển các tù nhân chính trị tới các cơ sở giam giữ xa xôi thường được xem là một hình thức “trừng trị bổ sung”. Vào tháng trước, hai nhà hoạt động cho quyền đất đai, Trịnh Bá Phương và Nguyễn Thị Tâm, cũng đã bị chuyển đến các trại giam xa gia đình, lần lượt là An Điềm ở Quảng Nam cách Hà Nội 800km và Gia Trung ở Gia Lai cách Hà Nội gần 1.200km.
Bà Bùi Thị Thiện Căn, mẹ của Đoan Trang, không hồi âm đề nghị phỏng vấn của VOA. Bà Phạm Thị Lân, vợ ông Tường Thụy và là người đưa bà Căn cùng anh trai của Đoan Trang tới trại An Phước hôm 12/10, cho VOA biết gia đình Đoan Trang từ chối trả lời phỏng vấn. Bà Lân, trong một lần trả lời phỏng vấn VOA trước đây, cho biết trại giam An Phước “ở vùng hoang vu” và “khắc nghiệt lắm”.
Sau khi lần đầu tiên đến thăm Đoan Trang ở đó, gia đình cho biết trong một đăng tải công khai trên mạng xã hội rằng “sức khỏe Trang suy giảm đôi chút nhưng có vẻ cơ bản vẫn ổn định, tinh thần vẫn tốt… Trại giam cho Trang được nhận đàn guitar (dĩ nhiên là phải để đàn ở khu sinh hoạt chung, muốn chơi phải ra đó)”.
Trong một bức thư được công bố trên trang Facebook Pham Doan Trang hồi tháng 9, bà Căn cho biết bà đã sang Geneva, Thụy Sỹ, nhận giải nhân quyền quốc tế thay con gái bà và rằng bà rất tự hào vì “như thế là quốc tế ghi nhận những đóng góp của (Đoan Trang) trong tiến trình dân chủ hóa đất nước”.
Đoan Trang nằm trong số 4 người sẽ được CPJ vinh danh là những nhà báo dũng cảm tại một buổi lễ ở New York vào ngày 17/11. Một tòa phúc thẩm ở Hà Nội hồi cuối tháng 8 tuyên y án 9 năm tù cho nhà báo có nhiều cuốn sách bị cấm xuất bản ở Việt Nam, như “Phản kháng bất bạo động” và “Cẩm nang nuôi tù”.
Trước phiên xét xử phúc thẩm hôm 25/8, Đoan Trang, qua lời của luật sư bào chữa Ngô Anh Tuấn, gửi lời nhắn tới giới lãnh đạo Việt Nam rằng: “Nay đã là năm 2022, thế giới đã đổi khác, không ai còn bắt bớ, giam cầm những người cầm bút nữa; Việt Nam cũng nên như vậy”.
Cả CPJ, PEN America cùng nhiều tổ chức nhân quyền và các chính phủ phương Tây, trong đó có Mỹ, đã lên án việc Việt Nam kết án Đoan Trang cũng như kêu gọi trả tự do cho nhà báo này.
Việt Nam bị CPJ đưa vào nhóm 4 nước bỏ tù nhà báo nhiều nhất, với 23 nhà báo bị giam sau song sắt tính đến tháng 12/2021. Còn theo Chỉ số Tự do được Viết của PEN America, Việt Nam bỏ tù số lượng nhà văn và trí thức cao thứ 8 trên toàn cầu trong năm 2021.
Diễn đàn