TS Đinh Trường Hinh
Thời gian vừa qua hầu hết chúng ta ở Mỹ đều phải giam chân ở nhà, cách ly xã hội, không tụ tập gia đình ăn uống v.v. để cùng nhau chống dịch Vũ Hán hay còn gọi là Covid-19. Đối với những người Việt Nam thì chuyện cách ly này, nhất là với những người lớn tuổi, đã đem lại nhiều phiền muộn vì phần lớn tâm lý chúng ta sống với gia đình bà con họ hàng chứ không phải chỉ lủi thủi một hai người với nhau. Do đó câu hỏi thường được đặt ra là: Đến khi nào nạn dịch này mới chấm dứt để chúng ta có thể quay lui lại đời sống như trước đây. Bài này có mục đích trả lời câu hỏi như trên dựa theo các tài liệu tham khảo ở Mỹ và kiến thức của người viết.
Đối phó với COVID-19. Toàn bộ thời gian đối phó với COVID-19 có thể được chia thành ba giai đoạn. Trong giai đoạn I, do coronavirus lây lan rất nhanh qua sự tiếp xúc giữa người và người, và hiện tại không có vắc-xin cũng như phương pháp chữa trị căn bệnh này, các quốc gia đã dựa vào lockdown, cách ly xã hội, quarantine, và cô lập để đối phó với COVID-19 (1). Những biện pháp này không có ảnh hưởng gì đến vi rút mà chỉ nhằm mục đích làm phẳng đường cong lây bệnh (flattening the coronavirus curve), để cho các cơ sở y tế có thể săn sóc bệnh nhân mà không bị tràn ngập, dẫn đến tử vong không cần thiết do chăm sóc không đầy đủ. Đây là những phương pháp được biết đến nhiều nhất để làm chậm sự lây lan, mặc dù chi phí kinh tế của những hành động này, đặc biệt là về sản xuất, du lịch, thương mại và FDI, là rất lớn. Chúng ta đã và đang ở trong giai đoạn I. Trong giai đoạn II, một phần các hoạt động kinh tế và giáo dục quay trở lại bình thường, một cách chậm nhưng cẩn thận để khôi phục lại nền kinh tế trong khi đảm bảo virus được kiểm soát và sẽ không quay trở lại. Giai đoạn III là trạng thái bình thường như trước đây khi các hoạt động kinh tế và xã hội đầy đủ được khôi phục hoàn toàn, nói cách khác, khi cả cách chữa bệnh cũng như vắc-xin cho COVID-19 đã được tìm thấy. Trong bài này chúng tôi chỉ thảo luận về những gì cần phải làm trong giai đoạn II và khi nào giai đoạn III bắt đầu.
Giai Đoạn II Sắp Đến. Giai đoạn II, khôi phục dần dần kinh tế Hoa Kỳ sau COVID-19 là giai đoạn chuyển tiếp trong 12-18 tháng tới, mục đích chính là khôi phục các hoạt động kinh tế được càng nhiều càng tốt mà vẫn kiểm soát được COVID-19. Sở dĩ đây là giai đoạn chuyển tiếp vì cho đến khi tìm thấy vắc-xin (và mọi chuyên viên trên thế giới đều đồng ý là sẽ mất ít nhất 12-18 tháng nữa) và một phương pháp điều trị bệnh này được tìm ra, việc quay trở lại trạng thái bình thường như đã có trước khi virus xuất hiện là điều không thể xảy ra được. Thay vào đó, một mục tiêu hạn chế hơn là trở lại dần dần với các hoạt động kinh tế và giảm thiểu chuyện cách ly. Một mặt khác cần phải tăng cường thử nghiệm và giám sát dịch virus trong thời kỳ này. Thật sự thế giới chưa bao giờ phải đối mặt với một đại dịch như COVID-19 nên không một ai dám nói là mình biết phải làm gì. Do đó, những gì chúng tôi đề xuất dưới đây dựa trên các nghiên cứu ở Hoa Kỳ và những bài học từ các nước như Hàn Quốc và Singapore.
Việc chuyển sang Giai đoạn II chỉ nên làm khi một quốc gia có thể chẩn đoán, điều trị và cách ly một cách an toàn các ca bệnh COVID-19 và các thân nhân của họ. Trong giai đoạn này, các trường học và doanh nghiệp có thể lần lượt mở cửa trở lại, và phần lớn cuộc sống bình thường có thể bắt đầu và tiếp tục theo cách tiếp cận dần dần. Tuy nhiên, một số biện pháp về social distancing và hạn chế cho các cuộc tụ họp sẽ vẫn cần được áp dụng để ngăn chặn việc vi rút truyền tải tăng tốc trở lại. Trong khi đó, kiểm tra, giám sát và truy tìm COVID-19 sẽ được tăng cường. Đối với người cao tuổi (những người trên 60 tuổi), những người có vấn đề về sức khỏe tiềm ẩn –underlying medical conditions--và các nhóm dân số khác có nguy cơ cao từ COVID-19, việc tiếp tục giới hạn sinh hoạt cộng đồng sẽ rất quan trọng.
Vệ sinh công cộng sẽ cần được cải thiện mạnh mẽ và việc làm sạch các không gian chung sẽ phải trở nên thường xuyên hơn (đây là một trong những lý do tại sao các hoạt động nhà hàng và quán bars nên hạn chế lúc đầu và chỉ được mở ra dần dần). Các bề mặt dùng chung sẽ phải được vệ sinh thường xuyên hơn. Ngoài các biện pháp can thiệp dựa trên việc xác định và cách ly những người mắc bệnh và những người họ đã tiếp xúc, mọi người trong thời gian đầu sẽ được yêu cầu hạn chế tụ tập, và đeo khẩu trang trong cộng đồng để giảm bớt nguy cơ lây lan không có triệu chứng. Những người bị bệnh sẽ được yêu cầu ở nhà và lo đi xét nghiệm COVID-19. Việc xét nghiệm sẽ trở nên phổ biến và thường xuyên hơn khi các điểm chăm sóc và chẩn đoán được triển khai đầy đủ (xin xem dưới đây).
Kiểm Sóat COVID-19 trong Giai Đoạn II. Trong khi các hoạt động kinh tế bắt đầu lại, thì COVID-19 phải được kiểm soát một cách hiệu quả nhất. Hiện tại có hai trường phái tiếp cận vấn đề này. Trường phái đầu tiên là trường phái giám sát dựa trên công nghệ để mọi người dân xử dụng ứng dụng --app-- trong điện thoại của họ để định vị địa lý các di chuyển của họ. Do đó nếu họ tiếp xúc với bất kỳ ai mà người đó sau này bị phát hiện là có Covid-19, thì họ lập tức sẽ được cảnh báo và thời gian cách ly xã hội có thể bắt đầu. Tương tự như vậy, mọi người sẽ quét mã QR (Quick Response) khi dùng các phương tiện di chuyển công cộng hay đi vào các khu vực công cộng có sác xuất lây bệnh cao. Phương pháp theo dõi bằng GPS có thể được sử dụng để thực hiện quarantine kiểm dịch cho những người có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19, như đang được thực hiện ở Đài Loan. Cách tiếp cận này có lẻ sẽ không được ưa chuộng ở Tây phương hay Hoa Kỳ vì bị coi là xâm phạm quyền tự do cá nhân. Một cách tiếp cận thứ hai được đề xuất bởi Paul Romer (cựu Phó Chủ Tịch Ngân hàng Thế giới và người đoạt giải Nobel kinh tế) dựa hoàn toàn vào thử nghiệm. Đề xuất của Romer là triển khai thử nghiệm trên quy mô lớn để toàn bộ quốc gia được thử nghiệm cứ mỗi sau 14 ngày và bất kỳ ai kiểm tra dương tính đều phải được cách ly nhanh chóng. Ở Hoa Kỳ, điều này đòi hỏi 22 triệu xét nghiệm (tests) mỗi ngày. Romer cho thấy, qua một loạt các mô hình, là dù ngay cả khi xét nghiệm có tỷ lệ âm tính giả cao đi chăng nữa, việc tái xét nghiệm cũng đủ để ngăn chận virus, và do đó Hoa Kỳ c có thể trở lại bình thường một cách nhanh chóng. Tuy nhiên, cách tiếp cận này tốn kém cả về tiền tệ và hành chính. Quyết định nên chọn cách tiếp cận nào phải được dựa trên căn bản lợi ích chi phí cũng như các khuynh hướng chính trị.
Các Yếu Tố Kích Hoạt Cho Giai đoạn II. Đối với cách tiếp cận giám sát, sau đây là các yếu tố kích hoạt để chuyển sang Giai đoạn II:
• Hoàn thành việc lockdown dẫn đến việc giảm các ca bệnh mới liên tục trong 14 ngày. Theo một số chuyên viên, mức độ phù hợp là khoảng chừng 18 ca mới mỗi ngày cho mỗi triệu người, con số của Nam Hàn trong thời kỳ chống dịch, tức là khoảng 6 ngàn ca mới mỗi ngày cho Hoa Kỳ, hiện đang có 330 triệu dân.
• Tăng cường xét nghiệm đến mức độ mà tất cả mọi người bị sốt có thể được xét nghiệm và hộ gia đình của họ cũng phải được xét nghiệm. Trong trường hợp của Hàn Quốc (Hàn Quốc và Singapore được coi là hai quốc gia thành công chống dịch COVID-19), điều này tương đương với khoảng 8 ngàn xét nghiệm (tests) cho mỗi một triệu dân. Đối với Hoa Kỳ, điều này có nghĩa là cả nước phải có khả năng thực hiện khoảng 2 triệu 650 ngàn cuộc xét nghiệm (tests) cho COVID-19. Để giảm thiểu rủi ro lây truyền trong bệnh viện và giảm gánh nặng cho các bệnh viện, Hàn Quốc đã thiết lập các phòng khám sàng lọc tại các trung tâm y tế công cộng và trung tâm drive-in để xét nghiệm các cá nhân có triệu chứng bị nhiễm bệnh.
• Tất cả nhân viên chăm sóc sức khỏe tuyến đầu như bác sĩ và y tá phải có các Thiết bị Bảo vệ Cá nhân (PPE).
- Phải nên xét nghiệm ngẫu nhiên vì các cá nhân không có triệu chứng vẫn có thể mang vi-rút (carriers).
• Khả năng theo dõi và cách ly mọi người đã có tiếp xúc với một người có dương tính bị nhiễm bệnh. Do có tới một nửa bệnh COVID-19 bị lan truyền từ các cá nhân chưa có triệu chứng nên việc theo dõi tiếp xúc bằng người (hay hành chánh) không đủ nhanh để làm chậm đi sự lan truyền. Ở Hoa Kỳ, công nghệ có thể được sử dụng để tiến hành theo dõi liên lạc tức thời, loại bỏ chậm trễ giữa việc xác nhận trường hợp nhiễm bệnh và thông báo đến các cá nhân liên hệ. Ở Hàn Quốc và Singapore, hai quốc gia đã ngăn chận lan truyền dịch, việc sử dụng công nghệ để tiến hành theo dõi liên lạc tức thời đã là mấu chốt cho thành công của họ. Các quốc gia này sử dụng các ứng dụng điện thoại di động hoặc cơ sở hạ tầng viễn thông di động để thông báo cho các cá nhân trên điện thoại di động của họ thông qua các thông báo hoặc tin nhắn nếu họ đã ở gần một cá nhân đã thử nghiệm dương tính với COVID-19. Các phương pháp này sử dụng GPS, Bluetooth, tháp di động và mạng Wi-Fi để xác định xem người dùng điện thoại có ping các tín hiệu giống như điện thoại của một cá nhân có dương tính với COVID-19 trong cùng khoảng thời gian hay không. Tại Hàn Quốc, cảnh báo di động và bản đồ công cộng thông báo cho công chúng về địa điểm của các trường hợp COVID-19.
• Cảnh báo và lập bản đồ công khai để thông báo cho công chúng về vị trí của các trường hợp COVID-19
• Cách ly những người thử nghiệm dương tính
- Bắt buộc sử dụng khẩu trang, cùng với hướng dẫn cách đeo đúng cách.
• Hạn chế các phương tiện giao thông công cộng, it ra là trong giai đoạn ban đầu khi nền kinh tế bắt đầu được mở cửa trở lại. Về lâu về dài, bằng chứng mà các hành khách không có COVID-19 có thể được đưa ra là giấy chứng nhận khả năng miễn dịch từ xét nghiệm huyết thanh kèm theo kiểm tra sốt tại chổ.
• Ngay cả khi các chuyến đi quốc tế được nối lại, các nhân viên vận chuyển, bao gồm đại lý bán vé, người sàng lọc quản lý an ninh giao thông , tiếp viên, tài xế xe buýt và nhân viên tàu điện đều là những người cần phải được bảo vệ bằng mặt nạ N95, găng tay, v.v. Các cách bảo vệ khác bao gồm:
- Hành khách của hãng hàng không phải tải vào phone ứng dụng liên lạc theo dõi (Contact Tracing App), phải xác định không có tiếp xúc với ai có dương tính và vượt qua cuộc kiểm tra sốt cùng cung cấp giấy chứng nhận có khả năng miễn dịch từ xét nghiệm huyết thanh.
- Nhân viên sân bay phải điều chỉnh các quy trình sàng lọc để đảm bảo khoảng cách xa –2 mét--và chỉ cho phép hành khách đã có vé vào sân bay.
- Máy bay, xe lửa, xe buýt và xe chở hàng phải được vệ sinh hoá bằng cách tẩy trùng và làm sạch sâu –deep cleaning--hàng ngày.
- Tàu điện, xe buýt và trạm trung chuyển phải giới hạn số lượng hành khách ở mức 50 phần tram thông thường.
- Xe buýt phải cài đặt chỗ tách bảo vệ cho người lái xe buýt.
Kết Luận. Hiện chúng ta đang còn ở giai đoạn I. Sau khi các yếu tố kích năng đã hoàn thành và giai đoạn II bắt đầu, các hoạt động kinh tế giáo dục sẽ lần lượt được phục hồi. Tuy nhiên đời sống chúng ta sẽ vẫn còn bị giới hạn, tức là sẽ không còn như cũ trước khi có Virus, cho đến khi nào một vắc xin hữu hiệu cùng với phương pháp trị bệnh an toàn cho COVID-19 được tìm ra. Với đội ngũ khoa học xuất sắc nhất thế giới của Mỹ và các phương tiện tối tân, chắc chắn chuyện này sẽ làm được trong một thời gian gần. Tuy nhiên để được an toàn, các cơ quan y tế của Mỹ sẽ thử nghiệm kỹ càng trước khi cho lưu hành các loại thuốc này. Do đó hầu như mọi chuyên viên đều cho rằng ít nhất phải cần 12-18 tháng nữa thì đời sống mới bắt đầu như cũ. Có người bi quan hơn còn cho rằng chúng ta sẽ không bao giờ quay lùi lại như cũ vì đời sống xã hội, văn hóa, kinh tế, v.v. không những ở Mỹ mà còn trên toàn thế giới đều đã đảo ngược sau cơn đại dịch này.
(1) Lockdown là khi mọi người được lệnh ở trong một khu vực và bị ngăn không cho rời khỏi khu vực đó. Cách ly xã hội (social distancing) là việc giữ khoảng cách không gian giữa bản thân và người khác, ví dụ để ở cách người khác ít nhất 6 feet (2 mét) và tránh xa những nơi đông người và tụ tập đông người. Quarantine được sử dụng để giữ một người đã tiếp xúc với COVID-19 khỏi những người khác. Isolation hay là cách biệt được sử dụng để tách người bệnh khỏi những người khỏe mạnh.
Washington, D.C., April 15, 2020
Tác giả: Tiến sỹ kinh tế Đinh Trường Hinh hiện là Chủ Tịch Công Ty EGAT (www.EGATCO.CO) tại Virginia, Hoa Kỳ. Ông nguyên là Chuyên gia kinh tế chính, Văn phòng Phó chủ tịch và Chuyên gia kinh tế trưởng, Ngân hàng Thế giới ở Washington, D.C. (1978-2014). Nghiên cứu của ông tập trung vào các lĩnh vực tài chính công, tài chính quốc tế, công nghiệp hóa, và phát triển kinh tế. Hiện sống tạ̣i bang Virginia, Hoa Kỳ, ông đã đăng tải các tác phẩm Công nghiệp Nhẹ Châu Phi (2012), Các Câu Chuyện Kể Từ Mặt Trận Phát Triển Kinh Tế (2013), Phát Triển Công Nghiệp Nhẹ tại Việt Nam (2013), và Công Việc Làm, Kỹ Nghệ Hoá, và Toàn Cầu Hoá (2017).