Đường dẫn truy cập

Cơn lo âu, mỏi cơ và kali máu thấp


Thính giả Le Huyen Tran hỏi:

“Thưa Bác sĩ,

Xin bác sĩ trả lời dùm bệnh của tôi.

Tôi 40 tuổi, hiện sống ở Mỹ.

Tháng trước tôi bị khó thở, tim đập nhanh và cảm giác hụt hơi, bàn tay và chân tê lạnh, kèm theo mỏi cơ và phải đi tiểu liền.

Vô Emergency chụp CT, MRI scan kết quả bình thường. Thử máu thì potassium quá thấp.

Sau đó bác sĩ gia đình nói bị anxiety. Uống thuốc thì bớt.

Nhưng khi tôi tập gym lại, thì bệnh lại tái phát với cùng triệu chứng trên.

Tôi giờ không biết phải làm sao với bệnh này.

Xin Bác sĩ giúp dùm. Cảm ơn nhiều."

Bác sĩ Hồ Văn Hiền:

Cơn lo âu, mỏi cơ và kali máu thấp
please wait

No media source currently available

0:00 0:20:48 0:00
Tải xuống

Cũng như nhiều lần trước, rất tiếc tôi không trả lời được là vị thính giả mắc bịnh gì. Theo lối thực hành y khoa ở Mỹ, có lẽ còn nhiều tin tức khác từ các thử nghiệm mà chúng ta không có ở đây. Bác sĩ gia đình từng định bịnh do “lo âu” và có lẽ đó là điểm khởi đầu để bác sĩ theo dõi người bịnh sau này.

Rối loạn lo âu (anxiety disorder): Thường gặp nhất là rối loạn lo âu lan tỏa (generalized anxiety disorder). Về tâm lý, bịnh nhân thấy tinh thần căng thẳng, sợ sệt, khó tập trung, lo lắng. Về triệu chứng cơ thể (somatic complaints), một số lớn triệu chứng gây ra do bộ phận giao cảm của thần kinh thực vật (sympathetic nervous system) kích thích mãn tính: tim đập nhanh, hồi hộp thở nhanh, tay chân mồ hôi, khó ngủ, mệt mỏi, khó sinh hoạt về tính dục. Ngoài ra còn sinh ra vòng luẩn quẩn: hồi hộp gây ra lo sợ đau tim, hồi hộp thêm, khó thở làm hoảng hốt, sợ chết, làm khó thở thêm.

Một trong những tiêu chuẩn định bịnh này là triệu chứng kéo dài hơn 6 tháng, triệu chứng đầu tiên xuất hiện khoảng 20-25 tuổi, nữ giới nhiều hơn nam giới một chút. Tuy nhiên người lớn tuổi cũng thường bị chứng rối loạn lo âu mà không được chẩn đoán , săn sóc.

Một số biểu hiện khác thường gặp của chứng rối loạn lo âu là:

-Những cơn khủng hoảng lo sợ với những triệu chứng dữ dội như đau, tức ngực, ngộp thở (panic attacks)
-Sợ đến chỗ trống trải hoặc đông người (agarophobia), chỉ thích ở nhà, tránh phải nói chuyện với đám đông,
-Sợ người ta nhìn mình, thấy mình ngớ ngẩn, phải xấu hổ (social phobia).

Tuy nhiên chúng ta có thể cùng nhau học hỏi cách suy luận và truy tầm, phân biệt chẩn đoán

(diagnosis, differential diagnosis) trong nghề y khoa trong một số nhận xét sau đây:

1) Hoàn cảnh lúc xảy ra triệu chứng lần đầu như thế nào, ví dụ: đang tập gym như lần thứ nhì? hay day khi làm việc nặng nhọc, ví dụ exercise, chạy marathon? bịnh nhân trước đây có làm việc đó bao giờ chưa? khí hậu như thế nào? có nóng quá hay không? bịnh nhân có nhịn ăn , uống trước đó hay không? có uống nhiều chất kích thích như cà phê? có uống thuốc thuốc xổ (nhuận trường, laxative) làm giảm cân? thuốc lợi tiểu (làm tiểu nhiều), ví dụ để hạ áp huyết? thử máu lúc bịnh nhân ở tình trạng bình tỉnh hay chưa (ví dụ, thở quá nhanh do lo âu làm potassium (K) trong máu tăng, nhưng sau đó có thể lật ngược xuống quá thấp một thời gian).

2) Một kết quả thí nghiệm đơn độc có thể có rất nhiều ý nghĩa định bịnh (chẩn đoán), nhưng nếu không được xác nhận, lập lại thì có thể chỉ là một "artefact"(kết quả giả tạo) hay như trong y giới thường gọi là "con cá mòi đỏ" (red herring) gây lạc hướng (nguồn gốc câu chuyện,trong một câu chuyện nước Anh TK 19, con cá mòi hun khói trở thành màu đỏ, được dùng để đánh lạc hướng các con chó săn).

Potassium (Kalium, Kali) được cung cấp qua thực phẩm và có thể qua các viên phụ trợ dinh dưỡng ("thuốc bổ", nutritional supplements). Nhu cầu người lớn chừng 1600 to 2000 mg (40 to 50 milliequivalents [mEq])/ ngày. Thiếu kali có thể gây suy nhược cơ, nhịp tim không đều, thay đổi tâm trạng, hoặc buồn nôn và ói mửa. Ít người thiếu potassium tới mức có triệu chứng, nhưng nói chung potassium là một chất hay bị thiếu sót trong đồ ăn của người Mỹ trung bình. Một số thuốc nhất là thuốc lợi tiểu (làm đi tiểu nhiều, diuretic) để giảm huyết áp cao có thể gây ra mức potassium trong máu quá thấp. Cơ năng của tim, nhất là nhịp tim đập tuỳ thuộc rất nhiều vào mức potassium trong máu và mức quá cao hoặc quá thấp đều có thể nguy hiểm cho bịnh nhân.

Giống như calcium (Ca) và Sodium (Na), potassium là một khoáng chất được tìm thấy trong một số loại thực phẩm:

Nguồn thực phẩm của Potassium (Kali)

Theo Webmd: “Nhiều loại thực phẩm bạn đang ăn có chứa kali. Các loại thực phẩm được liệt kê dưới đây có hàm lượng kali cao. Nếu bạn cần tăng lượng kali trong chế độ ăn uống, hãy lựa chọn thực phẩm lành mạnh bên dưới để thêm vào thực đơn.

Nhiều loại trái cây tươi và rau quả giàu kali:

Chuối, cam, dưa đỏ, mật ong, mơ, bưởi (một số loại trái cây khô, như mận khô, nho khô, và chà là (dates)

Rau spinach nấu chín

Bông cải broccoli xanh nấu chín

Khoai tây

Khoai lang

Nấm

Đậu Hà Lan

Dưa leo

Quả bí

Cà tím

Bí ngô

Rau lá xanh

Nước ép trái cây:

Nước cam

Nước ép cà chua

Nước ép mận

Nước ép mơ

Nước bưởi

Một số sản phẩm từ sữa, chẳng hạn sữa chua, có hàm lượng kali cao (nên chọn low-fat (ít chất béo) hoặc "fat free" (không có chất béo)).”

3) Bịnh nhân có bịnh tim hay triệu chứng tim trong quá khứ hay không, trong gia đình?
-các triệu chứng như "khó thở, tim đập nhanh và cảm giác hụt hơi, bàn tay và chân tê lạnh, kèm theo mỏi cơ" có thể do một rối loạn nào đó của nhịp tim. Có thể bs đã đo tâm điện đồ (ECG) trong phòng cấp cứu . Nếu ECG bình thường, vẫn còn khả năng tim gây ra các triệu chứng, có thể liên hệ hay không với mức potassium ( Kalium) quá thấp phát hiện trong ER.

Có thể bác sĩ gia đình sẽ giới thiệu với bs chuyên về tim mạch (cardiologist) và bịnh nhân được đo tim trong lúc đang exercise, ví dụ chạy trên treadmill, xem lúc mức dùng sức lực nhiều, nhu cầu máu vào nuôi tim có được đáp ứng đầy đủ không, có rối loạn trong ECG hay không (stress test). BS chuyên tim mạch cũng có thể cho bịnh nhân mang một máy theo dõi ECG trong thời gian vài ngày hay cả tháng; máy thu lại các dữ kiện về tim lúc người bịnh đang ở những tư thế, hoạt động khác nhau (ngủ, làm việc, tập thể dục, ăn..); nếu có hiện tượng bất thường bs có thể liên hệ với hoạt động nào, thời điểm nào (Holter monitoring).

4)Một bịnh di truyền hiếm, gọi là Hypokalemic Periodic Paralysis (viết tắt HypoPP) gồm 3 đặc điểm:

-Paralysis: liệt. Những cơn cơ bắp , thường ở vai, hông bị yếu, liệt; có khi các cơ tay, chân, cơ hô hấp, cơ mắt làm không mở mắt được. Thường xảy ra lúc mới ngủ dậy, hay vừa nghỉ ngơi; không xảy ra lúc đang vận động mà sau khi vận động bắt đầu nghỉ ngơi. Sau khi ăn thức ăn quá ngọt, mặn.
Cơn kéo dài vài giờ, có khi cả ngày. Người bịnh vẫn tỉnh táo.

-Periodic: tái đi tái lại: Bắt đầu xảy ra lúc 13-19 tuổi (teen), có thể dưới 10 tuổi. Có thể mỗi ngày, hay cả năm mới có một lần.

-Hypokalemic: mức Potassium (kali) trong máu quá thấp, và cơ yếu, liệt kèm theo Kali thấp dẫn đến định bịnh này. Lúc hết cơn, potassium máu lại bình thường, và nói chung người bịnh không thiếu potassium. (Tuy vậy điều trị căn yếu/liệt bằng cách cho bịnh nhân uống hoặc chích tĩnh mạch dung dịch potassium.) Lúc lên cơn liệt, chất potassium di chuyển từ máu vào bắp cơ quá nhiều, làm mức potassium trong máu tụt xuống. Tuy nhiên mức potassium có thể vẫn trong mức bình thường. Thường cơ năng tuyến giáp (thyroid) bình thường. Tuy nhiên, người phái nam dân châu Á mang bịnh tuyến giáp có cơ nguy mắc bịnh HypoPP nhiều hơn.

Trong thời gian cơn bịnh, ECG cũng như cơ điện đồ (đo dòng điện các cơ, electromyogram) có thể bất bình thường.

Mỗi cơn hypoPP như vậy là một trường hợp khẩn cấp.

Ăn , uống thêm chất potassium có thể làm giảm hay ngăn ngừa cơn liệt. Thuốc lợi tiểu acetazolamide có thể giúp ngăn chặn các cơn, bs có thể cho thêm viên potassium phụ trội vì acetazolamide làm thải potassium nhiều hơn trong nước tiểu..
Bịnh không trị dứt được vì là bịnh di truyền, với một gen trội từ cha hay mẹ, hay do đột biến (mutation, không phải từ cha mẹ).

(Chúng ta nhắc đến bịnh này cũng như những bàn luận trong mục này chỉ có tính cách thông tin, tôi không ám chỉ là người hỏi hay bất cứ bịnh nhân nào được bàn đến mắc bịnh gì hay phải chữa trị ra sao.)

Tóm lại, bịnh nhân cần đi gặp lại bác sĩ gia đình của mình. Bác sĩ sẽ hỏi chi tiết hơn về bịnh sử, về các ăn uống, thuốc đang dùng, hoàn cảnh lúc xảy ra triệu chứng. Có thể sẽ thử máu theo dõi các cơ năng thận, tuyến giáp, tuyến thượng thận (adrenal) để giải thích mức Kalium thấp nếu vẫn còn tồn tại. Và sau đó nếu thấy cần sẽ nhờ bác sĩ chuyên về tim mạch (cardiologist), thần kinh (neurologist) thử nghiệm một số khía cạnh về cơ năng, nhất là nhịp tim của bịnh nhân.

Chúc bịnh nhân may mắn.
Bác sĩ Hồ Văn Hiền
Ngày 11 tháng 9 năm 2018
1) Hypokalemia and the heart
An article from the E-Journal of the ESC Council for Cardiology Practice

https://www.escardio.org/Journals/E-Journal-of-Cardiology-Practice/Volume-7/Hypokalemia-and-the-heart

2) Plasma potassium response to acute respiratory alkalosis.
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/7731149

3) MedlinePlus: Hypokalemic periodic paralysis

https://medlineplus.gov/ency/article/000312.htm

Quý vị có thể xem và nghe lại các bài giải đáp trên mạng Internet ở địa chỉ voatiengviet.com

Quý vị muốn được giải đáp các thắc mắc về những vấn đề y học thường thức, xin gọi đến số (202) 205-7890, hoặc E-mail đến địa chỉ <vietnamese@voanews.com>.

VOA Express

VOA có ứng dụng mới

Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.

Tải ứng dụng VOA trên App StoreGoogle Play!

XS
SM
MD
LG