Đường dẫn truy cập

Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ mở các cuộc thảo luận ở Bắc Kinh


Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ Tom Donilon và Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Ðào tại Sảnh đường Nhân dân ở Bắc Kinh, ngày 24/7/2012
Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ Tom Donilon và Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Ðào tại Sảnh đường Nhân dân ở Bắc Kinh, ngày 24/7/2012
Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ đang có mặt tại Bắc Kinh để họp với các nhà lãnh đạo cấp cao nhất của Trung Quốc và thảo luận các vấn đề quân sự và an ninh cũng như lập trường của Trung Quốc về vụ xung đột ở Syria và vấn đề Iran.

Ông Thomas Donilon đã mở các cuộc hội đàm hôm nay với chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Ðào và Ủy viên Quốc vụ viện Ðái Bỉnh Quốc.

Ông Donilon nói với ông Hồ Cẩm Ðào rằng Tổng thống Barack Obama có cam kết toàn diện với việc xây dựng một quan hệ hợp tác với Trung Quốc về các vấn đề trong khu vực và toàn cầu.

Tân Hoa Xã của Trung Quốc trích lời ông Ðái Bỉnh Quốc nói rằng chuyến thăm của đặc sứ Hoa Kỳ “rất quan trọng xét về thời điểm, bối cảnh và sứ mạng.”

Ông Jin Canrong, phó khoa trưởng trường Quan hệ Quốc tế Nhân Dân, nói rằng mặc dầu bang giao Trung - Mỹ thường thường là ổn định, hai bên cần phải thảo luận về những ý kiến đối chọi nhau về nhiều vấn đề.

Ông nói, “Hai bên không tin tưởng lẫn nhau, Vai trò của ông Donilon trong tư cách cố vấn an ninh quốc gia rất quan trọng trong việc tháo gỡ các mối nghi kỵ giữa hai nước.

Tuần trước, Trung Quốc một lần nữa lại cùng với Nga phủ quyết một nghị quyết của Liên Hiệp Quốc đề nghị trừng phạt Syria. Trung Quốc coi hành động này là một sự can thiệp vào nội bộ của Syria. Các nước Tây phương, kể cả Hoa Kỳ, cực lực chỉ trích quyết định của Trung Quốc và gọi sự phủ quyết đó là “đáng chê trách.”

Ông Kim Xán Vĩnh nói có nhiều phần chắc các giới chức sẽ thảo luận về Syria, nhưng giới hữu trách Trung Quốc có phần chắc sẽ không bị thuyết phục để chấp nhận một lập trường có tính cách can thiệp hơn.

Hai bên cũng dự trù sẽ thảo luận về Iran, hiện đang phải gánh chịu các biện pháp chế tài kinh tế gay gắt ngăn không cho các nước thứ ba nhập dầu thô của Iran. Tháng trước, và trong một quyết định bất ngờ, chính quyền của Tổng thống Obama đã cho phép mua dầu của Iran trong 180 ngày mà không gây các ảnh hưởng kinh tế từ phía Hoa Kỳ.

Ông Kim nói, “việc miễn trừ chỉ có hiệu lực 6 tháng, sau đó thì họ sẽ làm gì?” gợi ý rằng chuyến thăm của ông Donilon có thể giúp xác định hai nước sẽ làm gì tiếp theo.

Hôm nay giới truyền thông Trung Quốc đã tường thuật nhiều về các vụ biểu tình ở Nhật Bản phản đối một máy bay quân sự của Hoa Kỳ, chiếc Osprey V-22 vừa đến Nhật Bản và sẽ được bố trí tại căn cứ không quân Mỹ ở Okinawa. Sự chống đối ở Nhật Bản xuất phát từ các giới chức và người dân địa phương lo ngại về thành tích an toàn của phi cơ này.

Trung Quốc không công bố thông cáo nào chính thức về vấn đề và ông Kim Xán Vĩnh nghĩ rằng chuyến thăm của ông Donilon sẽ không khiến các nhà lãnh đạo Trung Quốc bầy tỏ ý kiến về chủ đề này. Ông Kim cho rằng “Ðó là một vũ khí chiến thuật không làm thay đổi thế quân bình chiến lược,” và nói thêm rằng Trung Quốc vẫn coi đó là một vấn đề giữa Hoa Kỳ và Nhật Bản.

Các lãnh vực thảo luận khác có thể bao gồm Bắc Triều Tiên và những vụ xung đột về tranh chấp lãnh hải trong vùng Biển Ðông.

Theo dự trù, ông Donilon sẽ gặp các giới chức khác trong quân đội và nhà nước của Trung Quốc vào ngày mai, trong đó có các ông Từ Tài Hậu, phó chủ tịch Ủy ban Quân vụ Trung ương, ngoại trưởng Dương Khiết Trì, phó thủ tướng Vương Kỳ Sơn và ông Tập Cận Bình, phó chủ tịch nớc, đồng thời là người có phần chắc nhất sẽ lên kế nhiệm ông Hồ Cẩm Ðào sau Ðại hội Ðảng dự trù diễn ra trong mùa thu năm nay.

Sau Trung Quốc, đặc sứ Hoa Kỳ sẽ đáp máy bay đi Nhật Bản để hội ý với các giới chức cấp cao Nhật Bản về công cuộc hợp tác an ninh Mỹ-Nhật và các vấn đề song phương khác.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG