Bà Clinton nhấn mạnh rằng liên minh quốc tế thực thi vùng cấm bay tại Libya chưa hề tiến gần đến thỏa thuận trợ giúp quân sự trực tiếp cho quân nổi dậy.
Nhưng tại một cuộc họp báo ở London trước khi lên đường trở về Washington, Ngoại trưởng Mỹ nói rằng Hội đồng Chuyển tiếp Quốc gia của Libya có thể trông đợi sự trợ giúp tài chính từ nước ngoài.
Bà Clinton nói rằng nghị quyết 1973 của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc cho phép các hoạt động quân sự của liên minh tại Libya được diễn giải là nghị quyết này vô hiệu hóa những biện pháp trước đó cấm cung cấp vũ khí cho các phe phái tại Libya và rằng có thể có sự chuyển giao vũ khí "hợp pháp" cho phong trào nổi dậy.
Nhưng Bộ trưởng Ngoại giao Anh William Hague nói rằng vấn đề trang bị vũ khí cho phe nổi dậy không nằm trong nghị trình. Chính phủ Anh đã đứng ra tổ chức hội nghị.
Bà Clinton bắt đầu chuyến công du London bằng cuộc họp với nhân vật đối lập của Libya, ông Mahmoud Jibril và những thành viên khác trong hội đồng chuyển tiếp. Bà cho biết vẫn hài lòng với điều mà bà cho là sự cam kết "mạnh mẽ" với dân chủ của Hội đồng chuyển tiếp và sự giao tiếp rộng rãi của họ với tất cả mọi tầng lớp dân chúng tiêu biểu cho mọi khuynh hướng chính trị.
Một lần nữa bà nói ông Moammar Gadhafi đã mất tính cách chính đáng và "phải ra đi," nhưng bà gợi ý rằng có một con đường vẫn để ngỏ để nhà lãnh đạo Libya ra đi đến một quốc gia thứ ba mà vẫn giữ được thể diện.
Bà nói: "Đặc sứ của ông Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc sẽ đến Tripoli và Benghazi, một lần nữa để hối thúc ông Gadhafi thực thi lệnh ngưng bắn thực sự mà không để cho các lực lượng của ông ta vi phạm ngay tức thì, triệt thoái khỏi những nơi mà ông ta đã chiếm bằng vũ lực, và để tìm kiếm một giải pháp chính trị, giải pháp đó có thể bao gồm cả việc ông ta rời khỏi nước. Vì thế, tất cả mọi giải pháp đều được xét đến."
Một lần nữa Ngoại trưởng Clinton cũng cho thấy rằng có những người bên phía ông Gadhafi cũng muốn tìm ra một giải pháp cho tình hình hiện nay. Nhưng bà nói là "thật không hợp lý" khi tìm cách tiên đoán khi nào thì cuộc khủng hoảng sẽ kết thúc.
Thủ tướng Qatar Sheikh Hamad bin-Jassim al-Thani hối thúc ông Gadhafi và các cộng sự viên thân tín của ông ta hãy rời khỏi Libya và "đừng gây thêm đổ máu," và ông nói thêm rằng đề nghị để ông Gadhafi ra đi có thể chỉ kéo dài thêm vài ngày nữa mà thôi.
Hôm thứ Ba, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton nói rằng các cường quốc thế giới chưa có quyết định về việc trang bị vũ khí cho phe nổi dậy tại Libya, nhưng nghị quyết của Liên Hiệp Quốc cho phép mở chiến dịch oanh tạc nhắm vào các lực lượng chính phủ Libya không loại trừ biện pháp đó. Bà Clinton đã phát biểu như vậy vào lúc kết thúc hội nghị 40 quốc gia về vấn đề Libya tại London.