Chimoy là con một và đã từng sống với mẹ của mình. Cha của em luôn luôn vắng mặt vì phải chăm sóc bốn người vợ khác của ông. Chế độ đa thê không phải là chuyện hiếm ở Indonesia.
Chimoy đã từng là một trong những học sinh luôn đứng đầu lớp và bộc lộ năng khiếu trong kinh doanh và nấu ăn. Đã có lúc, em đã mở cho mình một cửa hàng nhỏ bán bánh cay truyền thống của Indonesia.
Vào năm lớp sáu, Chimoy đã chạy theo một đám bạn lì lợm và lớn hơn em. Đến năm lớp chín, em đã uống rượu và dùng ma túy thường xuyên, và vào lúc này, em đã bỏ học để quản lý một loại công việc kinh doanh toàn thời gian: mại dâm. Em và những người trong nghề khác gọi mình là một má mì.
Em có thai và sinh đứa con gái đầu lòng năm em mới 15 tuổi. Một năm sau, em có đứa con thứ hai.
Chimoy làm việc tại các quán karaoke, và đôi lúc cũng tự bán mình và có cho mình một danh sách những khách hàng quen. Em bắt đầu có nhiều tiền và kéo theo đó là ma túy. Em bắt đầu nghiện một loại ma túy đá được biết tới ở Indonesia là ma túy shabu shabu.
Công việc má mì của em bắt đầu với ba thiếu nữ làm việc cho em, và số lượng đã tăng dần sau đó. Đa số những thiếu nữ này đều trong độ tuổi từ 14 đến 17, nhưng cũng có một số người trong độ tuổi 20. Tất cả những em gái này đều chờ những cuộc gọi của Chimoy để đi tiếp những khách hàng cả ở địa phương lẫn nước ngoài trong thị trấn Bandung nổi tiếng cho khách du lịch.
Nếu như những em gái hành nghề mại dâm từ trước tới nay được biết đến là những người đứng ở trên những góc phố tối, mặc những chiếc váy ngắn cũn cỡn, và đi những đôi giày cao gót nhọn hoắt, thì nay điều đó không còn bắt buộc. Các chuyên gia giải thích những người trẻ hiện nay có thể gửi tin nhắn điện thoại và dùng các trang mạng xã hội như facebook, twitter, để trao đổi và thực hiện giao dịch với khách hàng.
Bằng cách này hay cách khác, việc lợi dụng công nghệ và các trang mạng xã hội có thể khiến tệ nạn mại dâm ở trẻ vị thành niên trở thành một tệ nạn không được nhìn thấy rõ. Trả lời phỏng vấn của đài VOA về việc phải làm gì để thuyết phục những em gái trẻ hành nghề má mì này hoàn lương, bà Andrea Bertone, Giám đốc của trang web Humantrafficking.org thừa nhận đây là một việc khó khăn:
“Vâng, đây thực sự là một điều rất khó khăn. Tôi nghĩ tập trung vào khía cạnh sức khỏe là một trong những phương hướng quan trọng để cố gắng thuyết phục những em gái trẻ này rằng chuyện này là một chuyện không hề có ích lợi và những em gái trẻ khác cũng sẽ phải gánh chịu những tổn thương về mặt xã hội và thân thể bởi vì bị bóc lột tình dục. Thông qua việc này mà chúng ta có thể cố gắng tìm cách nào đó để đưa những em gái trẻ hành nghề má mì này hòa nhập với xã hội theo những cách tốt hơn. Vâng, chuyện này là rất khó, nhưng nếu không có ai thử, thì tình trạng những em gái trẻ bước chân vào con đường hành nghề má mì này sẽ còn phổ biến hơn bởi vì tiền bạc là một sức hút rất lớn."
Chimoy kể rằng có một lần, một khách hàng đã trả cho em khoảng $2,000, cho em một điện thoại BlackBerry và kèm thêm một chiếc xe máy, để đổi lấy một em gái còn trinh. Chimoy đã hưởng được $500 từ lần giao dịch này.
Nhưng vấn đề lớn nhất không nằm ở tiền bạc. Vấn đề nằm ở gia đình, bao gồm việc sao nhãng và lạm dụng, theo lời ông Faisal Cakrabuana, quản lý dự án của tổ chức Yayasan Bahtera, một tổ chức phi lợi nhuận ở thủ phủ Tây Java, Bandung, chuyên giúp đỡ những trẻ em là nạn nhân của những vụ liên quan đến tình dục.
Có nhiều em gái kiếm sống bằng việc đứng đường và cùng làm quen với những em gái có chung số phận. Đôi khi họ cùng thuê phòng hoặc một căn hộ chung, và trong số những em đó sẽ có một em nổi lên là một má mì. Thường những em làm má mì là những em đã có kinh nghiệm từ trước. Theo lời ông Cakrabuana, những em gái khác sẽ nộp cho má mì tiền, rượu, hay ma túy, hoặc đơn giản chỉ là trả tiền thuê nhà và chi phí sinh hoạt trong nhà. Trong một số trường hợp khác, các má mì thậm chí còn không thu tiền bởi vì các em vẫn nhận được sự hỗ trợ tài chính từ phía cha mẹ giàu có của mình. Ông nói, những em gái trẻ này chỉ đang cố gắng tìm kiếm thứ mà gia đình họ không đem lại được cho họ, đó là sự chú ý, quan tâm. Và vì thế, họ tự tạo ra một đại gia đình của chính họ.
Do tình trạng tham nhũng tràn lan, sự yếu kém trong việc thực hành luật, và các vụ báo cáo không đầy đủ phần lớn do gia đình xấu hổ hoặc thiếu niềm tin vào hệ thống quản lý, vì thế mà nạn buôn người và du lịch tình dục từ lâu vốn đã là một ngành kinh doanh lớn tại đất nước nhiều đảo có 240 triệu dân này.
Tổ chức Lao động Quốc tế Liên Hiệp Quốc ước tính có khoảng 40,000 tới 70,000 trẻ em trở thành nạn nhân của các vụ bóc lột tình dục ở Indonesia hàng năm.
Theo lời bà Berton, giám đốc trang web HumanTrafficking.org, cách đây hai năm, vẫn chưa có nhiều bằng chứng chưng minh tệ nạn các em gái vị thành niên hành nghề má mì, dẫn mối cho những em gái khác. Tuy nhiên, theo các báo cáo của Ủy ban Quốc gia Indonesia về Bảo vệ Trẻ em, hiện đã có 21 em gái trong độ tuổi từ 14 đến 16 bị bắt hành nghề má mì trong năm 2013.
Trả lời về vấn nạn những má mì trẻ ở Indonesia, bà Berton cho biết:
“Chúng ta cần phải nói đến cả hai khía cạnh cung và cầu khi nhắc về vấn đề này. Từ phía cầu, đối với những người trả tiền cho loại dịch vụ này, chúng ta phải có một biện pháp ngăn cản nào đó. Nếu luật pháp ở Indonesia rõ ràng về việc những người đàn ông lớn tuổi hơn quan hệ hay trả tiền để quan hệ tình dục, điều thứ nhất, và quan hệ với trẻ dưới 18 tuổi, nếu những cá nhân này bị khởi tố hay ngăn cản theo một cách nào đó cho hành vi này, thì chắc chắn đây sẽ là một cách để giải quyết vấn đề này. Một cách khác, sẽ khó khăn hơn rất nhiều nhưng tôi nghĩ sẽ chạm được tới cốt lõi của vấn đề, đó là bảo đảm những em gái phải còn đi học đến hết mức có thể. Xã hội và chính phủ cũng phải gánh lấy một phần trách nhiệm trong việc cung cấp cơ hội cho những em gái trẻ này có được một công việc hay hướng nghiệp nào đó để có thể kiếm tiền một cách đàng hoàng hơn. Nhưng thật không may, tôi nghĩ vấn đề lớn nhất, đó là những em gái trong xã hội ở Indonesia không được coi trong. Các em không có được những cơ hội như những em trai. Và do đó, các em phải quay sang kiếm tiền bằng những con đường không lương thiện."
Chimoy giờ đây đã từ bỏ ma túy và đang cố gắng từ bỏ công việc làm má mì. Em đã và đang làm việc cho tổ chức Yayasan Bahtera được hai năm. Em nói rằng, mọi người ở đây đã ủng hộ và hỗ trợ em rất nhiều để có thể dần từ bỏ emng việc hiện tại. Ông Cakrabuana, quản lý dự án, nói rằng những em tìm đến sự giúp đỡ của tổ chức đều không bị phán xét hay quay lưng, thậm chí ngay cả khi vẫn chưa hoàn toàn rời bỏ công việc này.
Em Chimoy cho biết, ‘Em đang cố gắng vứt bỏ quá khứ của mình.’ Em đang nuôi con cùng với sự giúp đỡ của mẹ em. Chimoy còn nói, ‘Em cũng đang giải thích với những em gái khác rằng đừng làm emng việc này nữa. Các bạn còn có thể tìm được những emng việc khác. Emng việc này rất rủi ro và nguy hiểm.’
Nhưng hiện tại, Chimoy vẫn thường xuyên tiếp tục hành nghề mại dâm cùng với năm em gái khác cũng đồng thời tham gia vào chương trình của tổ chức Yayasan Bahtera. Tất cả các em đều đang rất muốn từ bỏ nhưng khi tiền bạc trở nên cạn kiệt, các em vẫn gọi cho Chimoy để tìm khách hàng.
Indonesia không phải là quốc gia duy nhất được báo cáo về hiện tượng má mì vị thành niên. Một cuộc tìm kiếm trên mạng cho thấy các báo cáo có từ 5 năm trước khi giới thẩm quyền bắt giữ hoặc buộc tội các đối tượng vị thành niên tuyển các em gái vị thành niên khác hành nghề mại dâm ở ít nhất 12 quốc gia, bao gồm Mỹ và Canada.
*Tên nhân vật trong bài là biệt danh, không phải là tên thật.
Nguồn: AP, VOA