Đường dẫn truy cập

Chuyên gia: Vụ thử bom hydro của Bắc Triều Tiên có thể tác dụng ngược


Nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un. Các chuyên gia cho rằng ông Kim Jong Un thực hiện hành động gây hấn nhằm mặc cả với Trung Quốc và Nam Triều Tiên.
Nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un. Các chuyên gia cho rằng ông Kim Jong Un thực hiện hành động gây hấn nhằm mặc cả với Trung Quốc và Nam Triều Tiên.

Vụ thử nghiệm mà Bắc Triều Tiên nói là vụ thử nghiệm bom hydro đầu tiên của họ đã bị cộng đồng quốc tế chỉ trích và có phần chắc sẽ dẫn những biện pháp chế tài gắt gao hơn. Theo tường thuật của thông tín viên Joyce Huang của đài VOA, các nhà phân tích cho rằng diễn tiến này nêu bật tình trạng khốn đốn của ông Kim Jong Un, lãnh tụ đời thứ ba của Bắc Triều Tiên.

Ông Kim Jong Un, người vừa mừng sinh nhật thứ 33 hôm thứ Năm (7/1), đã trở thành nhà lãnh đạo của quốc gia Cộng sản bị cô lập này vào cuối năm 2011.

Theo ông Đinh Học Lương, giáo sư xã hội học của Đại học Kỹ thuật Hồng Kông, quyền uy của nhà lãnh đạo trẻ tuổi này không bằng thân phụ ông và ông nội ông.

Ông Đinh mới đây đã thực hiện một chuyến khảo sát tại Diên Biên, một thành phố của Trung Quốc nằm sát biên giới Bắc Triều Tiên. Ông cho biết các học giả ở Diên Biên chuyên theo dõi tình hình Bắc Triều Tiên nói rằng ông Kim Jong Un giờ đây đang phải trải qua một cuộc khảo hạch khác nữa, vì Bắc Triều Tiên đã bị hạn hán và lương thực bị thiếu hụt hơn 20%, khiến cho nhiều người dân vốn đã bị đói kém phải đối mặt với nguy cơ bị chết đói.

Giáo sư Đinh cho rằng những khó khăn kinh tế có lẽ đã làm cho ông Kim Jong Un phải đánh liều để thực hiện một hành động gây hấn với mục đích gia tăng quyền hành trong nước và nâng cao khả năng mặc cả với Trung Quốc và Nam Triều Tiên.

Giáo sư Đinh nhận xét:

"Theo cái nhìn của những người bình thường như chúng ta, làm như vậy là thiếu khôn ngoan. Nhưng dựa trên kinh nghiệm của ông ấy thì đó là một hành động khôn khéo, vì ông ấy không có nhiều lá bài mặc cả để có thể sử dụng".

Giáo sư Đinh Học Lương cho rằng ông Kim Jong Un tin là những người tiền nhiệm của ông đã thành công nhiều lần khi họ cố tình thực hiện những hành động hung hăng về mặt quân sự và chính trị để đòi các nước khác phải nhượng bộ về mặt kinh tế, tài chánh. Do đó, trong thời gian tới đây Bình Nhưỡng có phần chắc sẽ thương lượng với Bắc Kinh để đòi Trung Quốc gia tăng viện trợ năng lượng, lương thực, máy móc và tiền bạc. Ông Đinh cho rằng nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên đang cần tiền để tổ chức một cuộc tụ họp rình rang cho Đại hội Đảng lần thứ 7 vào tháng 5.

Trong khi đó, ông Thời Ân Hoằng, giáo sư môn quan hệ quốc tế của Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh, cho rằng những hành vi đe dọa của Bắc Triều Tiên sẽ có phản tác dụng.

"Bất kể là giao tiếp với Trung Quốc hay với Mỹ, Bình Nhưỡng biết rõ là hành động khiêu khích như vậy chỉ làm cho lập trường của chính phủ Mỹ trở nên cứng rắn hơn mà thôi".

Ông Thời dự kiến Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc sẽ áp đặt thêm những biện pháp chế tài gắt gao chống lại Bình Nhưỡng mà Trung Quốc không có lý do chính đáng để không tuân hành.

Khi được hỏi phải chăng Trung Quốc sẽ áp đặt một loạt các biện pháp chế tài đơn phương, như họ đã làm vào năm 2013 với việc cắt đứt nguồn cung ứng năng lượng cho Bắc Triều Tiên trong 7 tháng, giáo sư Thời nói rằng hãy còn quá sớm để có câu trả lời.

Mặc dầu vậy, ông Thời cũng cho rằng cho dù các biện pháp chế tài có gắt gao tới đâu đi nữa thì Hội đồng Bảo an sẽ không bao giờ yêu cầu Trung Quốc cắt đứt hoàn toàn sự hỗ trợ kinh tế cho Bắc Triều Tiên, một việc mà ông cho là sẽ gây ra những hậu quả hết sức tai hại.

Giáo sư Đinh Học Lương ở Hồng Kông cho rằng một việc quan trọng mà Trung Quốc nên làm là cắt đứt những mối liên hệ về tài chánh.

"Trung Quốc lúc này có thể cắt đứt thêm những trương mục tài chánh. Nó có thể tác động trực tiếp tới các nhà lãnh đạo cấp cao nhất".

Ông Đinh cũng cho rằng Trung Quốc nên bắt tay với Nam Triều Tiên để áp đặt các biện pháp chế tài, vì nếu Bắc Kinh về phe các nước Tây phương và Nhật Bản để trừng phạt đồng minh Bắc Triều Tiên thì đó sẽ là một việc quá nhạy cảm về mặt chính trị.

Trừng phạt nghiêm khắc hơn

Những lời kêu gọi đòi trừng phạt Bắc Triều Tiên một cách nghiêm khắc hơn đang được nêu ra mỗi lúc một nhiều trên các trang mạng xã hội ở Trung Quốc.

Một người sử dụng Weibo nói Trung Quốc nên “đóng cửa biên giới, ngưng chỉ các hoạt động thương mại và để cho chế độ bất nhân này tự hủy diệt. Chúng ta hành động sớm chừng nào thì khả năng lập ra một vùng đệm càng cao chừng đó”.

Một người khác nói: “Hành động của ‘Gã béo họ Kim đời thứ ba’… chỉ có thể đưa tới những biện pháp chế tài, khiến cho cuộc sống của 22 triệu dân nghèo ở Bắc Triều Tiên trở nên khốn khổ hơn nữa. Tuy nhiên, vì địa điểm thử nghiệm chỉ cách Trung Quốc 120 kilomét, ô nhiễm hạt nhân và rò rỉ hạt nhân đã trở thành tai họa lớn nhất ở vùng đông bắc Trung Quốc”.

Một số người cho rằng Trung Quốc phải chịu trách nhiệm.

Một người sử dụng Weibo nói Trung Quốc đã bỏ phiếu để cùng với cộng đồng quốc tế trừng phạt Bắc Triều Tiên, “nhưng Trung Quốc đã có hành động cụ thể nào hay không?”. Người này nói thêm rằng “thái độ ve vuốt chỉ chuốc lấy tai họa. Nếu có người chết ở các tỉnh đông bắc, thì thủ phạm chính là những chính sách của Trung Quốc”.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG