Đường dẫn truy cập

Trung Quốc và Mỹ lên án vụ thử nghiệm hạt nhân của Bắc Triều Tiên


Người dân Bắc Triều Tiên theo dõi tin tức về vụ thử bom hydro ngày 6/1/2016.
Người dân Bắc Triều Tiên theo dõi tin tức về vụ thử bom hydro ngày 6/1/2016.

Trung Quốc và Mỹ đã lên án vụ thử nghiệm hạt nhân mới đây của Bắc Triều Tiên mà Bình Nhưỡng cho là thử nghiệm một quả bom hydro. Theo tường thuật của thông tín viên Shannon Van Sant của đài VOA tại Hồng Kông, Hoa Kỳ đang thúc giục Trung Quốc gây thêm sức ép đối với nước láng giềng ở phía đông bắc.

Hôm 7/1, sau vụ thử nghiệm hạt nhân của Bắc Triều Tiên hồi đầu tuần này, Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry cảnh báo rằng Bắc Kinh phải tăng cường những nỗ lực để buộc chế độ Bắc Triều Tiên từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân.

Nhưng đối với Trung Quốc, những mối quan tâm về sự sụp đổ có thể xảy ra của chế độ Cộng Sản Bắc Triều Tiên dường như vẫn tiếp tục lấn áp mối lo ngại về khả năng hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Giáo sư Victor Teo của Đại học Hồng Kông nhận xét như sau.

"Việc này đặt Trung Quốc vào một tình huống rất khó xử. Trung Quốc là đồng minh quan trọng nhất của Bắc Triều Tiên, từ thập niên 1950. Họ là nước cung ứng chính về năng lượng và lương thực cho Bắc Triều Tiên".

Các mối quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và Bắc Triều Tiên đã suy sụp trong những năm gần đây, nhưng các mối liên hệ về kinh tế vẫn tiếp tục vững mạnh. Kim ngạch mậu dịch giữa hai nước đạt mức 6,4 tỉ đôla trong năm 2014.

Các giới chức Mỹ cho rằng Trung Quốc có thể gây áp lực lên Bắc Triều Tiên bằng cách cắt đứt nguồn cung ứng năng lượng và hạn chế những hoạt động thương mại.

Năm 2013 Trung Quốc đã ngưng xuất khẩu dầu thô cho Bắc Triều Tiên sau khi Bình Nhưỡng tiến hành vụ thử nghiệm hạt nhân lần thứ ba.

Nhưng các biện pháp chế tài quốc tế, mà phần lớn là nhắm vào quân đội Bắc Triều Tiên, đã không làm cho chế độ Bình Nhưỡng thay đổi lập trường. Bắc Triều Tiên đã thực hiện 4 vụ thử nghiệm hạt nhân từ năm 2006 tới nay.

Ông Vương Đông, giáo sư môn quan hệ quốc tế của Đại học Bắc Kinh, nhận định:

"Chúng ta phải thừa nhận rằng vấn đề hạt nhân Bắc Triều Tiên là một thách thức vô cùng to lớn đối với tất cả mọi nước. Và trên thực tế, đây không phải chỉ là vấn đề của Trung Quốc. Trung Quốc không thể tự mình giải quyết vấn đề đó".

Bắc Kinh có phần chắc sẽ chống lại những áp lực công khai từ Hoa Kỳ đòi họ có những sự thay đổi kịch liệt về chính sách Bắc Triều Tiên và các mối liên hệ thương mại với Bình Nhưỡng.

Chế độ Bắc Triều Tiên giúp cho Trung Quốc có được một vùng đệm chiến lược ở biên giới đông bắc, và sự sụp đổ của Bắc Triều Tiên sẽ mang lại bất ổn cho Trung Quốc trong lúc họ phải đối mặt với nhiều vấn đề khó khăn như kinh tế tăng trưởng chậm lại, những vụ tranh chấp lao động gia tăng và rối loạn xảy ra ở Tây Tạng và Tân Cương.

Giáo sư Trình Tiểu Hà của Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh cho biết như sau về thái độ của Trung Quốc đối với vấn đề hạt nhân Bắc Triều Tiên.

"Chắc chắn là Trung Quốc sẽ hợp tác với Hoa Kỳ, nhưng Trung Quốc không thể chấp nhận tất cả những đề nghị của Hoa Kỳ. Trung Quốc sẽ đưa ra những đề nghị của chính mình".

Hồi đầu tuần này, truyền thông nhà nước Trung Quốc lên án vụ thử nghiệm hạt nhân của Bắc Triều Tiên, nhưng họ cũng nói rằng việc gây sức ép lên Bình Nhưỡng không thể chỉ do Bắc Kinh gánh vác. Một bài bình luận của tờ Nhân dân Nhật báo cảnh báo rằng Trung Quốc “không nên gánh chịu hậu quả của tình trạng bế tắc” giữa Hoa Kỳ và Bắc Triều Tiên sau cuộc chiến tranh Triều Tiên vào đầu thập niên 1950.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG