Đường dẫn truy cập

Chuyên gia nhận định về vụ Bắc Triều Tiên kết án một du khách Mỹ


Một người Nam Triều Tiên xem tin về ông Kenneth Bae trên truyền hình tại một nhà ga xe lửa ở Seoul, Nam Triều Tiên
Một người Nam Triều Tiên xem tin về ông Kenneth Bae trên truyền hình tại một nhà ga xe lửa ở Seoul, Nam Triều Tiên

Những người Mỹ khác bị Bắc Triều Tiên bắt trong những năm gần đây

Ông Kenneth Bea, du khách người Mỹ gốc Triều Tiên, là trường hợp mới nhất bị Bắc Triều Tiên bắt giữ. Sau đây là những người Mỹ khác bị bắt trong những năm gần đây.

2009 – Ký giả Euna Lee và Laura Ling bị kết án 12 năm khổ sai. Cựu Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton đã đến Bắc Triều Tiên để thương lượng cho 2 nữ ký giả này được trả tự do.

2009 – Nhà truyền giáo đạo Cơ đốc Robert Park bị đánh đập và bị giam giữ 43 ngày trước khi được phóng thích.

2010 – Nhà hoạt động Cơ đốc giáo Aijalon Mahli Gomes bị tuyên án 8 năm khổ sai. Ông được thả nhờ sự can thiệp của cựu Tổng thống Hoa Kỳ Jimmy Carter.

2011 – Doanh gia Eddie Jun Youn-su bị bắt dường như do các hoạt động truyền giáo. Ông được phóng thích sau chuyến đến thăm của một phái đoàn Mỹ.

2013 – Ông Kenneth Bea bị tuyên án 15 năm khổ sai vì tội chống nhà nước, không nói rõ tội gì.
Du khách người Mỹ gốc Triều Tiên Kenneth Bae đã bị kết án 15 năm khổ sai ở Bắc Triều Tiên, trong một sự kiện mà giới chuyên gia mô tả là một âm mưu quen thuộc có ý đạt được những nhượng bộ từ phía Hoa Kỳ và gia tăng uy tín trong nước của Bình Nhưỡng.

Có ít nhất 6 người Mỹ đã bị bắt giữ kể từ năm 2009 tại nhà nước khét tiếng là khép kín này. Trong khi một số lãnh các bản án nghiêm khắc là khổ sai, tất cả cuối cùng đã được phóng thích.

Trong hầu hết các trường hợp, việc phóng thích của họ là nhờ những chuyến thăm tiếp theo được quảng bá rầm rộ của các cựu giới chức cấp cao của Hoa Kỳ.

Ông Greg Scarlatoiu thuộc Uỷ ban tranh đấu cho Nhân quyền ở Bắc Triều Tiên nói:

“Rõ ràng đối với tôi là ý đồ của chế độ Bắc Triều Tiên là dùng Kenneth Bae như một sức mạnh để mặc cả và khuyến dụ các cực giới chức chính phủ cấp cao của Hoa Kỳ và có thể cả các giới chức cấp cao đương nhiệm đến thăm Bắc Triều Tiên, và như thế là tăng cường uy tín của Kim Jong Un.”

Diễn tiến căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên

Diễn tiến căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên

12 tháng 2: Bắc Triều Tiên tiến hành cuộc thử nghiệm hạt nhân thứ ba.

27 tháng 3: Bắc Triều Tiên cắt đường dây nóng với Nam Triều Tiên.

28 tháng 3: Oanh tạc cơ B-2 của Hoa Kỳ bay trên không phận bán đảo Triều Tiên.

30 tháng 3: Bắc Triều Tiên tuyên bố đã đi vào “tình trạng chiến tranh” với Nam Triều Tiên.

3 tháng 4: Bắc Triều Tiên ngăn công nhân Nam Triều Tiên không cho vào khu công nghiệp Kaesong.

4 tháng 4: Bắc Triều Tiên di chuyển một phi đạn đến bờ biển phía đông.

9 tháng 4: Bắc Triều Tiên hối thúc người nước ngoài rời khỏi miền Nam. Hoa Kỳ và Nam Triều Tiên nâng mức cảnh giác.

14 tháng 4: Ngoại trưởng Hoa Kỳ đề nghị đàm phán với Bình Nhưỡng nếu Bắc Triều Tiên quyết định hủy bỏ vũ khí hạt nhân.

16 tháng 4: Bắc Triều Tiên đưa ra lời đe dọa sau các cuộc biểu tình chống Bình Nhưỡng ở Seoul.

29 tháng 4: Bắc Triều Tiên giữ 7 người Nam Triều Tiên ở khu Kaesong.

30 tháng 4: Bắc Triều Tiên kết án một người Mỹ 15 năm khổ sai vì có hành vi thù nghịch.

Trong một cuộc phỏng vấn với đài VOA, ông Scarlatoiu nói:

“Mưu toan loại này được sử dụng không những để tìm cách tái giao tiếp và tái khởi động một hình thức đối thoại nào đó với Hoa Kỳ, mà còn đặc biệt là để gia tăng uy tín của giới lãnh đạo trong nước.”

Ðó là mô thức đã thấy từ năm 2009, khi cựu Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton đến Bắc Triều Tiên để yêu cầu phóng thích các ký giả truyền hình Mỹ Euna Lee và Laura Ling, những người bị kết án 12 năm khổ sai vì tội mà Bình Nhưỡng gọi là xâm nhập lãnh thổ bất hợp pháp.

Giới truyền thông nhà nước Bắc Triều Tiên lúc đó dường như đã mô tả chuyến thăm của ông Clinton như một chuyến đi nhắm mục đích thăm viếng giới lãnh đạo Bắc Triều Tiên.

Giới truyền thông còn nói ông Clinton đã đưa ra lời “thành thực xin lỗi” Bắc Triều Tiên vì điều mà họ nói là các “hành vi thù nghịch” của hai kỳ giả, một lời tuyên bố mà sau này phu nhân của ông Clinton, nguyên Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton đã phủ nhận.

Cũng rất giống với năm 2009, vấn đề hiện thời đã gặp rắc rối vì vụ đối đầu kéo dài của Washington với miền Bắc vì các chương trình hạt nhân và phi đạn đạn đạo của họ.

Nhưng chuyên gia phân tích về Triều Tiên của trường Ðại học Nam California, ông Greg Chinoy nói căng thẳng hiện đang ở mức cao tới đó khó lòng mau chóng sắp xếp được một chuyến thăm do chính phủ bảo trợ.

Ông Chinoy nói với đài VOA:

“Hơn nữa, chính quyền Obama đã khẳng định rất rõ rằng họ không cảm thấy thoải mái tiến vào mô thức hành xử như đã thấy giữa Hoa Kỳ và Bắc Triều Tiên. Tôi sẽ rất ngạc nhiên nếu chính quyền Obama tự ý khởi xướng bất kỳ một vị đặc sứ cấp cao nào. Vấn đề khác nữa là liệu trong điều kiện các diễn biến theo thông lệ, ai có thể thực hiện chyuyến đi ấy, tỷ như Cựu thống đốc tiểu bang New Mexico Bill Richardson, hay cựu Tổng thống Jimmy Carter, trong tư cách cá nhân tách biệt với chính quyền.”

Ông Chinoy nói ông không biết liệu một bước như thế có thể được coi như có ý nghĩa đủ để miền Bắc phóng thích ông Kenneth Bae. Nếu không, ông cảnh bào rằng nhân vật 44 tuổi này có thể “bị kẹt trong một thời gian” và có thể phải thụ án ít nhất một phần trong án tù 15 năm của ông.

Mặc dù những người Mỹ bị bắt giữ ở Bắc Triều Tiên thường mô tả các điều kiện khắc nghiệt trong thời gian bị giam giữ, tất cả trong số 5 người khác bị bắt trong những năm gần đây đã được phóng thích trong vòng 1 năm sau khi bị bắt.

VOA Express

XS
SM
MD
LG