Quốc hội Việt Nam vừa thông qua Nghị quyết về kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, trong đó có mục tiêu giảm dần tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước đến năm 2020 xuống dưới 3,5% GDP. Một chuyên gia kinh tế của Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng đây là một mục tiêu “không dễ thực hiện”.
Theo Nghị quyết được thông qua vào chiều ngày 7/11, mục tiêu cơ cấu nền kinh tế Việt Nam tập trung vào “3 bước đột phá chiến lược, gồm hoàn thiện thể chế, phát triển nguồn nhân lực và xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại”. Quốc hội đưa ra 12 chỉ tiêu, trong đó có mục tiêu tăng trưởng năm 2017 là 6,7%, xuất khẩu tăng 6-7%, nhập siêu khoảng 3,5%, lạm phát 4%... Đáng chú ý là giảm tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước xuống dưới 3,5% vào năm 2020.
Tiến sĩ Võ Trí Thành, Phó Viện Trưởng Viện Nghiên Cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương Việt Nam, nói với VOA rằng đây là mục tiêu “hết sức thách thức”, mặc dù kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong những năm qua cũng có những cải thiện nhất định về tình trạng lạm phát, cán cân thanh toán quốc tế, sự ổn định tương đối của tỷ giá đồng Việt Nam so với đồng đôla…
Ông nói: “Mục tiêu này là không dễ đạt được trong bối cảnh mà có rất nhiều điều cần nói. Ví dụ như việc phục hồi tăng trưởng của bản thân Việt Nam gắn với nền kinh tế thế giới cũng đang rất nhiều khó khăn. Và nó phải gắn với rất nhiều những chính sách cải cách khác. Nhưng hy vọng bên cạnh thông điệp, gắn với cải cách, gắn với quyết tâm thì Việt Nam sẽ thực hiện được”.
TS. Võ Trí Thành nói mục tiêu đưa ra thông điệp là phải tập trung xử lý những vấn đề lớn đang tồn tại và đằng sau đó là vấn đề kỷ luật về ngân sách và hiệu quả của đầu tư công.
Theo TS. Thành, vấn đề lớn hiện nay mà kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt là thâm hụt ngân sách và nợ công tăng nhanh. TS. Thành nói có rất nhiều vấn đề liên quan như đầu tư công, chi tiêu ngân sách… khiến cho nợ công Việt Nam tăng nhanh, nhưng ông muốn tập trung về vấn đề đầu tư công.
TS. Thành cho biết: “Vì nó liên quan đến việc chọn lựa những ưu tiên với nguồn lực còn hạn chế. Những ưu tiên ấy phải đảm bảo 2 nguyên tắc trong đầu tư công. Một là hiệu quả của bản thân dự án. Hai là sự lan tỏa của dự án, hình thức cũng như toàn bộ nền kinh tế. Đấy là một trong những vai trò rất quan trọng của đầu tư công. Ví dụ như đầu tư công ấy phải làm hấp dẫn các đầu tư tư nhân, các nguồn lực khác, chứ không phải làm thoái lui các đầu tư tư nhân và các đầu tư khác”.
Vấn đề thứ hai, theo TS. Thành, đầu tư công của Việt Nam gắn với các nguồn lực bên ngoài, mặc dù hiện nay có xu hướng giảm sút vì Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình thấp. Theo TS. Thành, Việt Nam có một sự tương tác với các nhà tài trợ trong việc giám sát các nguồn vốn đối ứng gắn với ưu tiên và hiệu quả của đầu tư công.
Ông cho biết: “Thông thường, giám sát về vấn đề đầu tư công có liên quan đến những phân cấp cả với trung ương và địa phương. Đấy là nội dung của quá trình cải cách sắp tới, để làm sao tăng được tính sáng tạo của địa phương nhưng lại giám sát, kiểm soát được các quá trình đầu tư công và tránh cái mà lâu nay Việt Nam vẫn vấp phải và vẫn nói rất nhiều là cái dàn trải. Và đằng sau ấy là cái thiếu hiệu quả”.
Trong cuộc họp thông qua Nghị quyết về tái cơ cấu kinh tế, Quốc hội cũng yêu cầu chính phủ Việt Nam triển khai dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành và các tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam và có giải pháp tiết kiệm vốn đầu tư công, chấn chỉnh và nâng cao hiệu quả của các dự án BOT giao thông.