Đường dẫn truy cập

Chuyện gì đằng sau vụ đối đầu hải quân Nga-Ukraine?


Bản đồ chỉ cầu băng qua eo biển Kerch nối Nga với Crimea.
Bản đồ chỉ cầu băng qua eo biển Kerch nối Nga với Crimea.

Nga bắt giữ ba chiếc tàu của Ukraine hôm 25/11 sau khi nổ súng vào những con tàu này gần bán đảo Crimea. Vụ đối đầu đe dọa leo thang căng thẳng trong cuộc khủng hoảng giữa hai nước và khiến Kiev đặt lực lượng quân sự của họ vào tình trạng cảnh giác chiến tranh.

Vụ đối đầu hôm Chủ nhật là hậu quả của những tháng mâu thuẫn gia tăng về việc tàu bè đi lại trong biển Azov, một vùng biển giữa Ukraine và Nga ở phía bắc Biển Đen

Kiev cáo buộc Moscow tìm cách phong tỏa kinh tế các hải cảng của Ukraine trong biển Azov như là một chiến lược trong "cuộc chiến tranh hỗn hợp" chống Ukraine. Kiev đồng thời kêu gọi phương Tây tăng thêm trừng phạt đối với Moscow.

Hai nước bất hòa với nhau kể từ khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine vào năm 2014 và ủng hộ cuộc nổi dậy ở khu vực Donbass, miền đông Ukraine. Các cuộc đụng độ ở đó đã làm hơn 10.000 người thiệt mạng, bất chấp các thỏa thuận ngừng bắn.

Nguồn gốc tranh chấp

Tranh chấp quyền kiểm soát biển Azov và eo biển Kerch kết nối với Biển Đen ở phía nam không phải là chuyện mới. Căng thẳng bùng phát vào năm 2003 trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của ông Vladimir Putin.

Tình hình đã lắng dịu đi với hiệp ước song phương ký năm 2003 quy định rằng cả hai nước đều được tự do sử dụng eo biển Kerch và biển Azov để vận chuyển thương mại và phải thông báo cho nhau khi đưa tàu quân sự đến đó.

Chuyện gì xả ra trong năm nay?

Căng thẳng gia tăng trong khu vực trong năm nay. Ukraine cáo buộc Nga liên tục bắt giữ tàu thuyền của họ ra vào các cảng trên Biển Azov, nhất là ở Mariupol và Berdyansk, nhằm phá vỡ hoạt động thương mại.

Phía Moscow cáo buộc Ukraine quấy rối các tàu Nga, và nói rằng việc Nga kiểm tra tàu Ukraine là hợp pháp và cần thiết để đảm bảo an ninh trong khu vực.

Mariupol, thành phố từng bị các phần tử chủ trương ly khai thân Nga chiếm trong một thời gian ngắn vào năm 2014 và sau đó quân đội và dân quân tình nguyện Ukraine chiếm lại quyền kiểm soát, là một trung tâm xuất khẩu thép và ngũ cốc và nhập khẩu than.

Kiev nói khối lượng hàng hóa ra vào các cảng này đã giảm 30% kể từ khi Nga bắt đầu quấy rối tàu bè của Ukraine. Xuất khẩu từ Mariupol đã giảm 6%, và nhập khẩu giảm gần 9% trong năm nay, trong khi xuất khẩu từ Berdyansk giảm 12,3%.

Moscow càng khiến Kiev thêm tức tối hồi tháng 5 khi Nga khánh thành một cây cầu trị giá 3,6 tỷ đôla từ đất liền băng qua eo biển Kerch tới Crimea.

Cầu được xây thấp khiến một số tàu không đi qua được. Kiev tố cáo việc này gây cản trở hoạt động thương mại ở đó.

Ukraine cho biết họ hiện đã tăng cường triển khai các lực lượng không quân, lục quân, hải quân và pháo binh tới khu vực và dự định xây dựng một căn cứ quân sự trên biển Azov.

Chuyện gì xảy ra hôm chủ nhật?

Nga đã bắt giữ ba chiếc tàu của Ukraine sau khi nổ súng vào những chiếc tàu đó, làm bị thương một số thủy thủ. Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) cho biết các chiếc tàu – gồm hai thiết giáp hạm loại nhỏ và một chiếc tàu kéo - đã xâm nhập lãnh hải Nga bất hợp pháp.

Nga cáo buộc các chiếc tàu này hoạt động động nguy hiểm, phớt lờ những chỉ dẫn từ phía Nga, và có ý định khuấy động căng thẳng. Ukraine nói họ đã thông báo trước hải trình của ba chiếc tàu này cho chính quyền Nga - phù hợp với hiệp ước năm 2003 - và phủ nhận họ đã làm bất cứ điều gì sai trái.

Giao thông qua eo biển Kerch đã được nối lại hôm thứ Hai 26/11.

Tình hình hiện nay

Ukraine đặt quân đội của họ vào trình trạng cảnh giác chiến tranh và Tổng thống Petro Poroshenko yêu cầu quốc hội ủng hộ quyết định thiết quân luật của ông.

Nhưng bất kỳ phản ứng quân sự nào từ Ukraine đều có nguy cơ kích động một phản ứng mạnh từ phía Nga, nước có hạm đội Biển Đen túc trực ở Crimea và và có hỏa lực áp đảo hải quân Ukraine.

Các đồng minh phương Tây có thể đáp lời kêu gọi của Kiev bằng việc tăng thêm các biện pháp trừng phạt đối với Nga, một viễn cảnh đã đẩy giá đồng rúp xuống thấp hơn hôm thứ Hai.

Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc theo trù liệu sẽ họp về cuộc khủng hoảng này trong ngày thứ Hai theo yêu cầu của Nga và Ukraine.

NATO và Liên minh châu Âu kêu gọi các bên kiềm chế và kêu gọi Nga khôi phục toàn bộ quyền đi lại của tàu bè thương mại trong biển Azov.

Các chính trị gia Nga cáo buộc ông Poroshenko cố tình gây ra bế tắc để làm đánh bóng tên tuổi của ông trước cuộc bầu cử vào tháng Ba. Một số chính trị gia đối lập Ukraine suy đoán rằng ông Poroshenko thiết quân luật như là một cái cớ để trì hoãn cuộc bầu cử.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG