Đường dẫn truy cập

Chính trị quốc tế: Lý thuyết và giả định


Sau Chiến tranh Lạnh, Mỹ là siêu cường quốc, đơn cực, và tất nhiên muốn tiếp tục giữ ngôi vị áp đảo như thế.
Sau Chiến tranh Lạnh, Mỹ là siêu cường quốc, đơn cực, và tất nhiên muốn tiếp tục giữ ngôi vị áp đảo như thế.

Chủ nghĩa hiện thực không phải là tư tưởng chính trị chủ đạo của giới lãnh đạo Mỹ. Tuy vậy, nó cũng đã ít nhiều nằm trong tư tưởng và chính sách của họ trong Chiến tranh Lạnh, cũng như khi đối đầu với một số quốc gia không có cùng văn hóa chính trị, đặc biệt là các chính thể độc tài. Theo học giả Stephen Walt, thì sự trỗi dậy của Trung Quốc, chủ nghĩa dân tộc, hay các vấn đề chính trị quốc tế khác trong thời gian qua, sẽ mang trở lại lý thuyết chủ nghĩa hiện thực vì nó giải thích được các khía cạnh phức tạp của bang giao quốc tế.

Suy nghĩ như người hiện thực

Trong bài “Thế giới muốn bạn suy nghĩ như người hiện thực” (The world wants you to think like a realist), giáo sư Stephen Walt trình bày những lý do vì sao chủ nghĩa hiện thực vẫn hữu lý để giải thích các vấn đề chính trị thế giới hôm nay [1].

Walt biện luận rằng, chủ nghĩa hiện thực có quá khứ lâu dài và có nhiều khác biệt trong cùng trường phái, nhưng nồng cốt của nó dựa vào tập hợp các ý tưởng đơn giản. Chủ nghĩa hiện thực cố gắng giải thích chính trị thế giới như những gì chúng là, chứ không phải những gì chúng nên là. Đối với người hiện thực, quyền lực nằm trung điểm của đời sống chính trị. Mặc dầu các yếu tố khác cũng đóng vai trò quan trọng, chìa khóa để hiểu chính trị nằm ở chỗ ai đang nắm giữ quyền lực và đang làm gì với nó. Đối với các nhà hiện thực, nhà nước là nhân vật chính trong hệ thống chính trị thế giới. Vì không thể trông chờ một trung tâm quyền lực giải quyết các tranh chấp, mọi nhà nước phải dựa vào tài nguyên và chiến lược của chính mình để tồn tại. Do đó, an ninh là quan tâm muôn đời của mọi nhà nước, mà tất cả đều lo lắng là ai sẽ trở nên mạnh hay yếu, và xu hướng thay đổi nấc thang quyền lực lên xuống ra sao. Hợp tác không phải là điều bất khả, có lúc nó cần thiết để sống còn, nhưng nó rất mỏng manh. Các nhà hiện thực xác định rằng, nhà nước có xu hướng phản ứng với đe dọa bằng cách chuyển nhượng cho người khác đối phó với hiểm nguy. Trong trường hợp không thành công, thì họ tìm cách cân bằng mối đe doạ đó, bằng cách tìm đồng minh hoặc xây dựng khả năng của riêng mình.

Chủ nghĩa hiện thực không phải là cách duy nhất để giải thích, hay để thấu hiểu các vấn đề phức tạp của chính trị quốc tế. Lý do là vì luôn có nhiều xu hướng khác thích hợp hữu lý hơn, tùy theo từng vấn đề. Nhưng theo Walt, nếu suy nghĩ như một người hiện thực, trong khoảng thời gian nào đó, thì nhiều khía cạnh mập mờ, mơ hồ của chính trị quốc tế sẽ trở thành dễ hiểu hơn. Walt trình bày các trường hợp cụ thể như sau.

Sự trỗi dậy của Trung Quốc có thể là nguyên do đưa đến tranh chấp giữa Mỹ và Trung Quốc. Trong một thế giới mà hai cường quốc thi đua nhau, dù để tự bảo vệ mình, một bên để duy trì ngôi vị số một, bên kia muốn thách thức và tranh giành địa vị này, thì cho dù chiến tranh không xảy ra đi nữa, sự cạnh tranh an ninh một cách khốc liệt là nguy cơ lớn. Suy nghĩ như người hiện thực cũng giúp cho chúng ta hiểu vì sao trước đây Trung Quốc nhấn mạnh đến sự trỗi dậy trong hòa bình. Nhưng khi Trung Quốc càng mạnh, họ càng muốn gây ảnh hưởng và muốn thay đổi những đặc tính nào trong hệ thống chính trị quốc tế mà không có lợi cho họ.

Nếu suy nghĩ như người hiện thực, chúng ta sẽ không ngạc nhiên khi thấy Mỹ thường xuyên sử dụng quân sự ở phương xa trong 25 năm qua, và nhất là sau 11 tháng 9. Tại sao? Theo Walt, là vì không ai ngăn cản được Mỹ. Người Mỹ tin tưởng mạnh mẽ vào vai trò toàn cầu của họ không thể thiếu được, và họ có quyền hạn, trách nhiệm và khôn ngoan để can thiệp trên thế giới.

Nếu suy nghĩ như người hiện thực, thì khủng hoảng tại Ukraine không có gì khó hiểu. Các cường quốc dễ nhạy cảm đến lãnh thổ và biên giới của họ, cho nên họ sẽ phản ứng mạnh mẽ khi các cường quốc khác có những hành động tiến gần đến vùng địa của họ. Thế mà Mỹ và đồng minh Âu châu cứ tiếp tục bành trướng NATO theo hướng đông, bất chấp những lời cảnh báo của Nga. Năm 2013 Mỹ và Liên hiệp Âu châu nỗ lực phối hợp để kéo Ukraine đến gần với Tây phương hơn, và công khai can thiệp vào tiến trình chính trị nội địa của Ukraine. Putin quyết định chiếm Crimea và làm hỏng các nỗ lực và kế hoạch của Mỹ và Liên hiệp Âu châu. Hành động của Putin, tuy không hợp pháp hay chính nghĩa nhưng cũng không có gì ngạc nhiên cả, vì đó là cách hành xử mà người hiện thực đoán trước.

Nếu suy nghĩ như người hiện thực, thì sẽ hiểu được vì sao Liên hiệp Âu châu đang gặp khó khăn, thử thách. Cả dự án này được thiết kế để chuyển hóa chủ nghĩa quốc gia và đặt quyền lợi quốc gia trong các định chế rộng mang tính liên quốc. Các kiến trúc sư của dự án mong muốn qua thời gian, căn cước và quyền lợi của các dân tộc, cái đã làm tan nát Âu châu qua hai thế chiến, từ từ phai mờ và nhường chỗ còn lại cho căn cước rộng khắp Âu châu. Nhưng sau Chiến tranh Lạnh, hiểm hoạ Liên Xô không còn để phải đoàn kết, chủ nghĩa quốc gia trở lại trả thù, và nhất là khi đồng Euro bị khủng hoảng. Bất thình lình người dân muốn viên chức chính quyền của họ cứu họ chứ không phải Âu châu. Họ không muốn thấy những người đại diện cho quốc gia của họ bất lực trong Liên hiệp. Quyết định của Anh rút ra khỏi Liên hiệp, kết quả bầu cử tại Ý, hay chủ nghĩa quốc gia tại Poland và Hungary ngày càng gia tăng, làm cho những người trước đây từng tin rằng tiến trình hội nhập của cộng đồng Âu châu là không thể đảo ngược, thì sẽ khó chấp nhận. Nhưng người hiện thực thì không ngạc nhiên.

Nếu suy nghĩ như người hiện thực, dù không thích đi nữa, chúng ta sẽ không ngạc nhiên hay phẫn nộ khi thấy Iran và Syria ủng hộ cho thành phần nổi dậy chống lại Mỹ tại Iraq năm 2003. Phản ứng của họ mang tính cân bằng quyền lực bởi vì Mỹ vừa mới lật đổ chế độ Saddam Hussein và chính quyền Bush nêu thẳng tên Iran và Syria nằm trong danh sách kế tiếp. Tất nhiên, Damascus và Tehran sẽ thực hiện mọi nỗ lực chiến lược cần thiết để Mỹ sa lầy ở đó, không còn ung dung nạp đạn để đuổi theo họ. Nếu thành phần lãnh đạo Mỹ nghĩ như người hiện thực thì họ có thể tiên đoán được tình thế như vậy ngay từ đầu.

Nếu suy nghĩ như người hiện thực, thì điều hiển nhiên là Bắc Hàn phải làm tất cả những gì có thể để chế tạo vũ khí nguyên tử, và Iran cũng muốn ngấm ngầm thực hiện cho được vũ khí nguyên tử. Cả hai quốc gia này mâu thuẫn trầm trọng với Mỹ, trong khi các viên chức hàng đầu Mỹ đều cho rằng, giải pháp duy nhất là thay đổi chế độ. Các chính quyền nào gặp phải những đe dọa như thế đều muốn bảo vệ mình. Vũ khí nguyên tử có thể không thích hợp để tống tiền hay chinh phục nước khác, nhưng nó là phương thức vô cùng hữu hiệu để ngăn cản các cường quốc đang hăm dọa sử dụng vũ lực để lật đổ mình. Nếu Mỹ, một cường quốc về mọi mặt, cần đến cả ngàn đầu đạn nguyên tử để bảo vệ mình, thì làm sao các quốc gia khác không nghĩ đến việc có vài đầu đạn nguyên tử sẽ bảo đảm an ninh cho họ hơn. Họ sẽ rất miễn cưỡng trong việc huỷ bỏ kế hoạch chế tạo để đổi lấy các bảo đảm hay hứa hẹn mà nó có thể bị đảo ngược hay rút lại.

Suy nghĩ một cách hiện thực cũng giúp cho chúng ta hiểu rằng, vì sao Mỹ và Liên Xô, tuy hai hệ thống chính trị nội địa khác nhau, nhưng về mặt chính trị quốc tế thì cách hành xử cũng tương tự nhau. Mỗi bên đều xây dựng các mạng lưới liên minh rộng khắp. Họ lật đổ một số chính quyền họ không thích, ám sát một số lãnh đạo quốc gia ngoài nước, chế tạo hàng chục ngàn vũ khí nguyên tử, can thiệp vào những nơi xa lắc, cố gắng chuyển đổi các xã hội khác theo ý thức hệ mà họ thích hơn; và làm tất cả những gì cần thiết để làm cho bên kia sụp đổ nhưng không nhất thiết nổ tung cả thế giới. Theo Walt, họ hành xử như thế vì thế giới này vô chính phủ. Họ không có sự chọn lựa nào ngoài việc trang bị để không bị thua thế, trở thành nạn nhân của phía bên kia [Lời bình thêm: Suy nghĩ này tuy thuyết phục nhưng rõ ràng sau khi Liên Xô sụp đổ, thì Mỹ đã không “làm thịt” Liên Sô, nhưng đó là suy nghĩ chung của các lãnh đạo quốc gia dựa trên các giả định của họ].

Bức tranh toàn cảnh

Qua các cuộc tranh luận sôi nổi từ nhiều thập niên qua, các học giả từ nhiều khuynh hướng khác nhau cũng phải ghi nhận rằng, tư tưởng chính trị quốc tế cũng thật đa chiều, và có vai trò bổ túc cho một bức tranh hoàn chỉnh hơn.

Giáo sư Walt cũng nhìn nhận rằng, những xu hướng và tranh luận như trên phản ánh tính chất vô cùng đa nguyên trong quan hệ quốc tế, qua đó đưa đến một số dấu hiệu đồng quy (convergence). Đa số các nhà hiện thực ghi nhận ảnh hưởng của chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa quân phiệt, sắc tộc và các yếu tố chính trị nội địa là quan trọng trong chính trị quốc tế. Các nhà cấp tiến công nhận quyền lực là trung tâm trong hành xử quốc tế. Các nhà kiến tạo chấp nhận rằng ý tưởng sẽ có tác động mạnh mẽ hơn nếu được yểm trợ bởi các cường quốc và được củng cố bằng các chất lực vật liệu lâu bền (enduring material forces). Gần hai thập niên trước, Walt nhận định rằng, sự chấm dứt của Chiến tranh Lạnh không chấm dứt xung đột chính trị quyền lực. Do đó, mặc dầu không giải thích được tất cả vấn đề, Walt vẫn tin rằng chủ nghĩa hiện thực vẫn là dụng cụ hữu hiệu nhất trong hộp dụng cụ trí tuệ hiện nay để giải thích chính trị quốc tế.

Walt cho rằng, sau Chiến tranh Lạnh, Mỹ là siêu cường quốc, đơn cực, và tất nhiên muốn tiếp tục giữ ngôi vị áp đảo như thế. Mỹ đã lợi dụng ưu thế đặc biệt này để áp đặt những gì họ muốn khi có thể, ngay cả khi có nguy cơ làm cho chính đồng minh bất bình. Mỹ liên tục kêu gọi các quốc gia tôn trọng xu hướng đa phương và vai trò lớn hơn cho các định chế quốc tế, nhưng có lúc tỏ ra coi thường các cơ quan như Liên Hiệp Quốc và Tổ chức Thương mại Thế giới một khi hành động của các tổ chức này không phù hợp với quyền lợi của Mỹ. Mỹ đã từ chối tham gia như một thành viên vào các hiệp ước/luật pháp quốc tế, chẳng hạn như luật về biển hay môi trường. Mặc dầu Mỹ lão luyện biện minh cho các hành động này bằng các ngôn từ cao thượng về trật tự thế giới, quyền lợi quốc gia là động cơ chính đằng sau.

Trong khi đó, thuyết kiến tạo rất thích hợp để phân tích làm sao bản sắc và quyền lợi có thể thay đổi qua thời gian, tạo nên những xoay chuyển tế nhị trong cách hành xử của nhà nước, và thỉnh thoảng thúc đẩy những xoay chuyển rất xa nhưng bất ngờ trong các vấn đề quốc tế. Chủ nghĩa hiện thực không có gì để nói nhiều về các khía cạnh này, nhưng các nhà hoạch định chính sách hay lãnh đạo quốc gia có thể bị tấn công nếu không nhìn thấy mà lại bác bỏ hoàn toàn khả năng ảnh hưởng của nó.

Đặc tính chính trị đa chiều

Giáo sư Ralph Pettman còn đi xa hơn Stephen Walt. Tổng hợp các nghiên cứu, lý thuyết và thực nghiệm của chính trị quốc tế từ các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực này, Pettman đã lập bản đồ về phần lớn các thuyết tác động lên nền chính trị quốc tế và loại phương ngữ phân tích (analytic dialect) mà họ sử dụng [3]. Về mặt kinh tế chính trị (political economy), thì có các cuộc tranh luận sôi nổi từ nhiều thập niên qua về “mậu dịch tự do” (free trade) và “mậu dịch công bằng” (fair trade). Không có mậu dịch nào tự do hoàn toàn, hay công bằng hoàn toàn. Đằng sau các chính sách mậu dịch luôn luôn có phần chủ trương bảo hộ từ các nhà nước để bảo vệ và yểm trợ ưu thế trong thị trường cạnh tranh quốc tế hầu phát triển sức mạnh của quốc gia. Chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch (mercantilism, hay còn gọi là economic protectionism/nationalism) quy định thuế quan thương mại, trợ cấp công nghiệp, và tiền tệ cố định, hay thuế nhập cảng, ưu đãi thuế, hay các quy tắc/luật lệ loại trừ nhằm bảo vệ các công ty và lĩnh vực chiến lược của quốc gia. Nhưng điều này xảy ra vì các nhà nước nghĩ đối thủ của mình xấu, chỉ muốn gia tăng quyền lực, bất chấp hậu quả và luật chơi.

Trong khi đó, chủ nghĩa cấp tiến (liberalism) thì giả định bản chất con người chủ yếu là có lý trí, biết tính toán, muốn lợi ích nhiều nhất cho mình ở cái giá phải trả ít nhất. Do đó, xét về mặt kinh tế chính trị, chủ nghĩa cấp tiến đề cao sự di chuyển tự do hàng hóa, lao động, vốn liếng và ý tưởng xuyên biên giới. Chủ nghĩa cấp tiến đề cao vai trò của cá nhân trong việc sản xuất và sử dụng trong thị trường toàn cầu, đề cao vai trò và khả năng của cá nhân trong việc xây dựng các doanh nghiệp xuyên quốc gia một cách hiệu năng và hiệu xuất, ngược với chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch. Còn trường phái xã hội chủ nghĩa theo khuynh hướng dân chủ (social democracy, không phải cái xã hội chủ nghĩa của Mác, giai đoạn chuyển tiếp từ tư bản lên cộng sản chủ nghĩa), thì giả định bản chất con người chủ yếu là tốt. Cho nên khuynh hướng dân chủ xã hội suy xét đến việc cung cấp sự phân phối công bằng hơn của thị trường toàn cầu.

State(s)

Chiến lược chính trị/ Politico-strategic

Kinh tế chính trị/ Politico-economic

Xã hội chính trị/ Politico-social

Trung Quốc (?)

Chủ nghĩa nhà nước/ Statism

Chủ nghĩa bảo hộ/ Mercantilism

Chủ nghĩa quốc gia/ Nationalism

Mỹ (?)

Nhà nước và công dân/ Inter-statism

Chủ nghĩa (tân) cấp tiến/ (neo)Liberalism

Chủ nghĩa cá nhân/ Individualism

Mỗi lý thuyết hay trường phái đều tìm cách giải thích chính trị quốc tế dựa trên một số giả định về bản chất con người (human nature) và giáo hóa con người (human nurture). Giáo sư Pettman cũng biện luận rằng, không có lời giải chắc chắn để hiểu mọi vấn đề chính trị quốc tế phức tạp. Mỗi thuyết, mỗi trường phái cung cấp một phần nhìn của vấn đề, một phần sự thật, nhưng không phải hoàn toàn sự thật. Sẽ không có lời giải đơn giản nào mà chỉ có những cắt nghĩa và lời giải phức tạp được rút ra từ những phân tích nói trên. Có những cách nhìn sẽ đúng đắn hay thích hợp hơn các cách nhìn khác vào thời điểm nào đó hay không gian nào đó, tùy theo từng vấn đề. Cho nên chúng ta cần biết tất cả nó.

Chủ nghĩa Mác

Cho đến cuối thập niên 1980, chủ nghĩa Mác được xem là trường phái duy nhất khác có thể thách thức và thay thế hai trường phái hiện thực và cấp tiến quốc tế. Trong bài “Một thế giới, nhiều lý thuyết”, Walt biện luận rằng, các nhà Mác Xít chính thống nhìn chủ nghĩa tư bản như là nguyên do chính của các xung đột quốc tế. Các nhà nước tư bản đấu đá nhau là do hệ quả của các xung đột triền miên vì lợi nhuận, và tranh đấu với các nhà nước xã hội chủ nghĩa vì nhìn thấy mầm móng của sự huỷ diệt của chính họ. Tân Mác Xít thì đưa ra thuyết phụ thuộc, nhấn mạnh đến quan hệ giữa các cường quốc tư bản phát triển đối với các nước chậm phát triển, và biện luận rằng các cường quốc, được sự hỗ trợ qua quan hệ với giới cai trị của các nước chậm phát triển, đã trở nên giàu có nhờ khai thác mối quan hệ bất chính này. Giải pháp là phải lật đổ giới cai trị ăn bám này và xây dựng lên một chính quyền cách mạng cam kết phát triển một cách độc lập.

Nhưng hai lý thuyết của chủ nghĩa Mác nói trên phần lớn đều bị bác bỏ trước khi Chiến tranh Lạnh chấm dứt. Bởi vì lịch sử nghiên cứu sâu rộng về sự hợp tác kinh tế và chính trị giữa các cường quốc công nghệ hàng đầu cho thấy, chủ nghĩa tư bản rốt cuộc không dẫn đến xung đột. Sự ly khai cay đắng giữa các quốc gia theo chủ nghĩa cộng sản cho thấy, chủ nghĩa xã hội thật ra cũng chẳng hề đề cao sự hòa hợp giữa nhau. Thuyết phụ thuộc cũng mất dần giá trị về mặt thực nghiệm bởi vì trước hết, tham gia tích cực vào nền kinh tế thế giới, đã chứng minh là một con đường hiệu quả để đạt thịnh vượng hơn là tự phát triển độc lập theo mô hình xã hội chủ nghĩa; thêm vào đó, nhiều quốc gia phát triển cũng đã chứng minh khả năng thương lượng thành công với các công ty đa quốc hay các định chế tư bản khác.

Vì chủ nghĩa Mác ngã quỵ trước các thất bại của chính nó, một số các lý thuyết gia mượn ý tưởng từ các thuyết hậu hiện đại trong phê bình văn học và các lý thuyết xã hội, nhấn mạnh đến tầm quan trọng của ngôn ngữ và diễn ngôn trong việc định hình các kết quả xã hội. Nhưng nó nhằm phê bình hơn là đưa ra các phương thức tích cực thay thế, cho nên xu hướng này mang tính thiểu số phản kháng trong phần lớn của thập niên 1980.

Vài lời kết

Theo Walt thì ngoài các lý thuyết nói trên, nhiều học giả cũng góp phần vào việc phê bình chính trị quốc tế. Họ nhấn mạnh đến vai trò của nhà nước, các tổ chức chính phủ, hay cá nhân các lãnh đạo quốc gia; hay các lý thuyết về tổ chức và chính trị hành chánh để giải thích các chính sách ngoại giao, hay áp dụng tâm lý xã hội và tâm lý nhận thức để giải thích hành động con người. Nhưng phần lớn, không đưa ra một khung sườn tổng quát mà chỉ nhận diện ra được các nguyên do làm cho nhà nước hành xử khác với những gì các trường phái hiện thực và quốc tế cấp tiến giả định.

Chủ nghĩa lý tưởng (cấp tiến) - đề cao hợp tác để tất cả cùng có lợi, và sự tương thuộc trong quan hệ quốc tế - có tham vọng chấm dứt xung đột, bất công, bất bình đẳng, và những thứ xấu xa khác. Tuy thật là đáng kính, Walt biện luận rằng, nó luôn tạo ra những hệ quả không lường được và hiếm khi đem đến được kết quả mong muốn. Ngay cả khi đồng minh cũng e ngại thứ quyền lực không kiểm soát của cường quốc như Mỹ, và sẽ nghi ngờ bất cứ khi nào Mỹ có hành động muốn lãnh đạo thế giới. Vì vậy, nếu suy nghĩ như người hiện thực, thì sẽ hành xử thận trọng hơn. Các nước sẽ bớt đi việc coi đối thủ của mình là hoàn toàn tà ác (hoặc xem chính mình là hoàn toàn đạo đức), bớt đi các cuộc viễn chinh đạo đức không giới hạn, và như thế, sự suy nghĩ của giới hiện thực sẽ làm cho viễn ảnh hòa bình cao hơn.

Walt kết luận rằng, mỗi cách nhìn vấn đề đầy tính cạnh tranh này chứa đựng các khía cạnh quan trọng của chính trị quốc tế. Cách hiểu và nhìn nhận vấn đề của chúng ta sẽ nghèo nàn nếu suy nghĩ của mình bị giam hãm trong một trường phái nào đó thôi. Các nhà ngoại giao hoàn hảo của tương lai nên ghi nhớ sự nhấn mạnh của chủ nghĩa hiện thực đối với vai trò không thể chối cãi được của quyền lực, duy trì ý thức của chủ nghĩa cấp tiến về thế lực nội địa, và thỉnh thoảng phản ảnh viễn kiến thay đổi của chủ nghĩa kiến tạo (constructivism).

Cách hiểu của chúng ta về chính trị quốc tế chắc chắn sẽ nghèo nàn hơn nếu chúng ta không biết, hay biết mà bác bỏ, các lý thuyết và tư tưởng chính trị nói trên nếu cho nó không thực tế. Khi tư tưởng nghèo nàn, nó sẽ định hình chính sách và chiến lược của mình, và viễn kiến của quốc gia mình. Chính quyền hiện nay vẫn còn đề cao chủ nghĩa Mác-Lê và tư tưởng Hồ Chí Minh. Còn người Việt hải ngoại hiếm khi nào nhắc đến các chủ thuyết chính trị này trên các phương tiện truyền thông. Có, nhưng rất hiếm, đến độ hầu như nó cũng chỉ hiện hữu một cách khan hiếm trong nghiên cứu học thuật, huống chi đến phương tiện đại chúng.

Phạm Phú Khải

Úc châu 24/11/2020

Tài liệu tham khảo:

1. Stephen M. Walt, “The World Wants You to Think Like a Realist”, Foreign Policy, 30 May 2018.

2. Stephen M. Walt, “International Relations: One world, many theories”, Foreign Policy, Spring 1998.

3. Ralph Pettman, “World Politics: an overview”, Course Reading for International Politics: Key Contexts at University of Melbourne, First Semester, 2007.

  • 16x9 Image

    Phạm Phú Khải

    Từ nhỏ, gia đình bảo giỏi toán. Lớn lên, quyết định học kỹ sư, tưởng sở trường của mình.

    Về sau, thích hoạt động xã hội, đam mê tìm hiểu các hành vi con người và chính trị được định hình bởi các yếu tố nào.

    Gần đây, càng làm việc liên quan đến con người, và càng nghiên cứu nhiều hơn, tôi tìm thấy khoa học hành vi và khoa học xã hội (Behavioural Science and Social Science), trong đó tâm lý, nhất là địa hạt khoa học thần kinh (neuroscience), giải thích được rất nhiều về cách suy nghĩ và hành xử của con người.

    Tôi hy vọng có dịp chia sẻ với bạn đọc về những vấn đề cùng quan tâm, và mong được học hỏi từ mọi người qua trang blog này.

    Các bài viết của Phạm Phú Khải là blog cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

VOA Express

XS
SM
MD
LG