Chính quyền Biden hôm thứ Tư 27/1 tái xét một loạt chính sách đối ngoại thời Trump sau khi tân Ngoại trưởng Antony Blinken nắm quyền lãnh đạo Bộ Ngoại giao.
Trong ngày làm việc đầu tiên, ông Blinken cho biết chính phủ Mỹ đã bắt đầu xem xét toàn diện mối quan hệ với Nga và duyệt lại các chi tiết của thỏa thuận hòa bình Mỹ-Taliban đã ký gần một năm về trước. Ông cho biết chính phủ Mỹ đã yêu cầu ông Zalmay Khalilzad, đặc phái viên của Tổng thống Trump chuyên trách Afghanistan, cựu đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc, tiếp tục nhiệm vụ quan trọng của ông.
Nói chuyện với các nhà báo, ông Blinken cho biết Hoa Kỳ sẵn sàng trở lại với các cam kết đã ghi trong thỏa thuận hạt nhân năm 2015 với Iran, mà cựu Tổng thống Trump đã rút khỏi, nhưng với điều kiện Iran phải tuân thủ đầy đủ hiệp định.
Phát biểu trước ngoại giao đoàn, mà trong bốn năm qua thường xuyên bị đả kích hoặc làm ngơ, ông Blinken cam kết sẽ xây dựng lại hàng ngũ các quan chức ngoại giao và sẽ tận dụng kiến thức chuyên môn của họ giữa lúc chính quyền Biden cố gắng khôi phục lại vị thế của Hoa Kỳ trên thế giới.
Ông nói thế giới đang theo dõi Mỹ và các chính sách mới sau chính sách “Nước Mỹ trên hết” của ông Trump, đã khiến nhiều đồng minh xa lánh Mỹ.
Hôm 27/1, tân Ngoại trưởng Blinken đã trao đổi với ngoại trưởng các nước Anh, Pháp, Đức, Israel, Úc, Philippines và Thái Lan, cũng như với tổng thư ký NATO, sau các cuộc điện đàm với các vị đồng cấp Canada, Mexico, Nhật Bản và Hàn Quốc vào chiều tối 26/1.
Từ phòng báo chí của Bộ Ngoại giao, ông Blinken cam kết sẽ tôn trọng và tạo điều kiện cho báo chí tiếp xúc với ông, đồng thời hứa mở lại các cuộc họp báo hàng ngày của Bộ Ngoại giao, bắt đầu vào tuần tới.
Về các vấn đề chính sách, ông Blinken cho biết ông đặc biệt lo ngại về loan báo của cựu Ngoại trưởng Mike Pompeo 10 ngày trước khi hết nhiệm kỳ của Tổng thống Trump, xếp loại nhóm Houthi được Iran hậu thuẫn là "tổ chức khủng bố nước ngoài".
Nhiều người lo ngại việc xếp loại như vậy đi kèm với các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc của Hoa Kỳ, sẽ làm trầm trọng hơn nữa điều đã được coi là cuộc khủng hoảng nhân đạo đã tồi tệ nhất thế giới.
Bộ Tài chính Mỹ đã hành động để tạm ngưng một số biện pháp trừng phạt liên quan đến chỉ định đó, nhưng các nhóm viện trợ nói nạn đói có thể xảy ra trên diện rộng nếu các lệnh trừng phạt đó không được hoàn toàn dỡ bỏ.
Tổng thống Biden đã thề sẽ đảo ngược cách tiếp cận của ông Trump, vốn đã khiến nhiều đồng minh truyền thống xa lánh Mỹ, vì họ cho rằng đây là một hướng tiếp cận đơn phương, cứng rắn, không tạo điều kiện để đàm phán.
“Thế giới đang chăm chú theo dõi chúng ta ngay trong lúc này”, ông Blinken nói. “Họ muốn biết liệu chúng ta có thể hàn gắn những chia rẽ trong nội bộ hay không. Họ muốn xem liệu chúng ta có lãnh đạo bằng sức mạnh của vai trò làm gương của Mỹ hay không, và liệu chúng ta có đặt nặng quan hệ ngoại giao với các đồng minh và đối tác hầu đáp ứng trước những thách thức lớn của thời đại hay không - như đại dịch, biến đổi khí hậu, khủng hoảng kinh tế, các mối đe dọa đối với dân chủ, cuộc đấu tranh cho công lý chủng tộc và những nguy cơ do các đối thủ và kẻ thù của chúng ta đặt ra đối với an ninh và sự ổn định toàn cầu hay không”.
Ông Blinken, 58 tuổi, một cộng sự thân tín lâu năm của ông Biden, được Thượng viện chuẩn thuận vào vai ngoại trưởng thứ 71 của Hoa Kỳ hôm thứ Ba 26/1 sau một cuộc biểu quyết với 78 phiếu thuận, 22 phiếu chống. Bộ trưởng Ngoại giao là vị trí cao cấp nhất trong Nội các, đứng thứ tư trong danh sách những nhân vật dự phòng để đảm nhiệm chức Tổng thống, sau phó Tổng thống, Chủ tịch Hạ viện và Chủ tịch Thượng viện tạm quyền.