Các điểm chính của thỏa thuận hạt nhân Iran
Các điểm chính của thỏa thuận hạt nhân Iran
- Iran sẽ giảm 98 phần trăm kho dự trữ uranium tinh chế ở mức thấp xuống còn 300 kg trong vòng 15 năm.
- Iran sẽ giảm 2 phần ba số máy ly tâm hoạt động để tinh chế uranium tại trung tâm chế biến chính.
- Iran bị ngăn không được thiết kế các đầu đạn hạt nhân hay tiến hành thử nghiệm kỹ thuật có liên quan đến vũ khí hạt nhân.
- Cấm vận vũ khí Iran sẽ được nới lỏng, chừng nào IAEA xét thấy chương trình hạt nhân của Iran có tính hòa bình.
- Các biện pháp chế tài quốc tế đối với Iran sẽ được gỡ bỏ, giúp Iran xuất khẩu dầu.
- Nếu nhận thấy Iran không tôn trọng thỏa thuận, một hội đồng quốc tế có thể biểu quyết phục hồi chế tài.
Chính phủ Mỹ hôm nay tiếp tục tranh thủ sự ủng hộ của các nhà lập pháp Mỹ và những nước đồng minh đối với thoả thuận hạt nhân Iran. Thông tín viên Michael Bowman của đài VOA tường thuật.
Chính phủ Mỹ hôm nay tiếp tục những nỗ lực nhiều mặt để tranh thủ sự ủng hộ cho thoả thuận hạt nhân Iran, một ngày sau khi Tổng thống Barack Obama nói rằng thoả thuận này là cách tốt nhất để ngăn không cho Iran có vũ khí hạt nhân.
"Thoả thuận hạt nhân này phù hợp với quyền lợi an ninh quốc gia của nước Mỹ và của các nước đồng minh. Nó ngăn chận mối đe dọa nghiêm trọng nhất là Iran thủ đắc vũ khí hạt nhân, một việc sẽ làm cho những vấn đề khác mà Iran có thể gây ra trở nên tệ hại hơn nữa."
Phó Tổng thống Joe Biden đang ra sức tranh giành sự ủng hộ của các nhà lập pháp thuộc đảng Dân chủ, nhưng chính phủ của Tổng thống Obama đang đối mặt với sự chống đối kịch liệt hơn từ các nhà lãnh đạo Cộng hoà.
Sau khi văn kiện của thoả thuận được chính thức nộp cho Quốc hội, cơ quan này có 60 ngày để quyết định về việc chấp thuận hay bác bỏ. Tổng thống Obama tuyên bố ông sẽ sử dụng quyền phủ quyết trong trường hợp quốc hội biểu quyết bác bỏ thoả thuận này.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã không ngớt lên tiếng chỉ trích cuộc đàm phán hạt nhân Iran trong suốt thời gian diễn ra các cuộc thương lượng, và ngày hôm qua ông nói rằng nước ông sẽ tiếp tục chống đối thoả thuận này.
Ngày hôm nay, nhà lãnh đạo Israel sẽ họp với Ngoại trưởng Anh Philip Hammond, là một trong các nhà ngoại giao đã điều đình với Iran để đạt được thoả thuận có tính chất lịch sử này. Ông Hammond cho biết như sau về ý định của thủ tướng Netanyahu.
"Ông ấy đã cho biết rõ là ông ấy sẽ tranh đấu cho tới cùng và Israel sẽ dùng ảnh hưởng của mình tại Quốc hội Mỹ để gây cản trở cho sự tiến bộ của thoả thuận. Tôi tin chắc là hành động đó sẽ không thành công."
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hôm nay sẽ tiếp kiến Bộ trưởng Ngoại giao Ả rập Xê út, ông Adel al-Jubei, để thảo luận về vấn đề hạt nhân Iran.
Trong khi đó, Cố vấn An ninh Quốc gia của Tổng thống Obama cho biết ông cũng sẽ phái Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter tới Israel và Ả rập Xê út vào cuối tuần này để thảo luận với các nhà lãnh đạo của hai nước đó về thoả thuận hạt nhân Iran và những mối quan tâm chung về an ninh.